Phạm Hồng Sơn
01/4/2023
Nếu một ngày nào đó diễn ra ngày hội cho những người yêu tự do, yêu dân chủ trên đất nước Việt Nam, sẽ khó có thể nhìn thấy gương mặt của ông Trương Dũng, 65 tuổi - người vừa bị chính quyền Hà Nội kết án 6 năm tù giam. Ông Trương Dũng vừa thuộc loại người nhỏ, cao chỉ dưới mét sáu, vừa thuộc giới cần lao, ít học. Trong giới đấu tranh chống độc tài tại Hà Nội, tôi chưa bao giờ thấy ông Trương Dũng xuất hiện ở những sự kiện có tính nổi bật, sang trọng như trong các cuộc gặp giới ngoại giao phương Tây ủng hộ tự do, dân chủ cho Việt Nam. Ông cũng chẳng thể có mặt trong các cuộc bàn luận với các «trí thức cấp tiến».
Nhưng, những
sự vắng mặt vừa kể, như tôi biết, chẳng làm cho ông Trương Dũng buồn hay lo khi
xông vào những việc chắc chắn sẽ dẫn tới nhà tù. Trái lại, ông Trương Dũng luôn
năng nổ, sẵn sàng làm những việc mà người khác không thể hoặc ngại đụng chạm,
như làm xe ôm để đưa một vị khách đặc biệt tới điểm hẹn cho người khác ; phân
phát nước cho người biểu tình ; cất giữ các biểu ngữ, băng rôn chống nhà
nước độc tài ;…
Qua những cuộc
trò chuyện và quan sát trực tiếp, tôi không nghĩ ông Trương Dũng là người hiểu
biết nhiều về các xã hội dân chủ hay những lý thuyết dân chủ nhưng tôi kính phục
tinh thần dân chủ của ông trong quan hệ với những nhân vật đấu tranh khác. Những
quan hệ vốn không dễ dàng. Trong một cuộc tranh luận gay gắt và đã lặp lại nhiều
lần, tôi chứng kiến chính ông Trương Dũng, người lớn tuổi nhất trong cuộc bất đồng,
đã là người trước tiên tỏ ý dàn hòa và tiếp thu sự chỉ trích công khai một cách
rất vui vẻ, chân tình. Thái độ cầu thị này hoàn toàn không dễ có ở một người
vào tuổi lục tuần và càng hiếm ở một xã hội đã chìm đắm hàng ngàn năm trong văn
hóa Khổng giáo, luôn phải sống trong một chế độ độc đoán toàn trị suốt hơn nửa
thế kỷ qua.
Khi tôi đang
viết những dòng này, các cuộc biểu tình của người Pháp, nhằm chống một dự luật
tăng tuổi hưu thêm 2 năm, vẫn sôi động, quyết liệt. Thủ đô Paris hoa lệ đã biến
thành một bãi rác khổng lồ do đình công trong nhiều tuần của giới công nhân quét
dọn. Báo chí còn tả Thành Ba Lê đang bốc cháy do các biểu tình viên quá khích đốt
phá. Song, một người Pháp nói với tôi : « Không vấn đề gì, nếu không
làm thế sao gây được áp lực thay đổi đối với kẻ cầm quyền. Xã hội chúng tao là
thế. » Có lẽ vẫn nhận thấy sự lo lắng, ngạc nhiên của tôi chưa hết, người
bạn Pháp nói thêm « Đừng lo, rồi Paris vẫn đẹp và Pháp vẫn đứng đầu thế giới
về thu hút khách du lịch. »
Ông Trương
Dũng, và những đồng đội của ông, chưa bao giờ đốt phá, và hình như, cũng chưa
bao giờ nghĩ tới việc đốt phá để chống lại chính quyền độc tài, phản động hiện
nay tại Việt Nam. Nhưng ông Trương Dũng, và nhiều đồng đội của ông, đã bị tống
tù. Ông Trương Dũng còn bị « công an nhân dân » đánh đập, hành hung
trong khi thẩm vấn chỉ vì ông « không hợp tác ». Hành xử hung bạo này
của « công an nhân dân » đối với ông Trương Dũng có vẻ rất khác so với
nhiều trường hợp « không hợp tác » khác.
Sự khác biệt
này theo tôi đến từ hai lý do. Thứ nhất, « công an nhân dân » hiểu rằng
Trương Dũng không phải là « trường hợp đặc biệt quan tâm » trong
các cuộc can thiệp của giới ngoại giao phương Tây. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều,
« công an nhân dân » rất lo sợ những việc làm nhỏ bé, âm thầm của
Trương Dũng sẽ lan tỏa sang nhiều người khác.
Theo thiển ý
của người viết, « công an nhân dân » đã đánh giá chính xác về trường
hợp Trương Dũng ít nhất ở một điểm : cứ giả thiết 100% người Việt đã hiểu ra
giá trị và hết sức khát khao tự do, dân chủ, nhưng nếu ai cũng chỉ muốn làm việc
lớn, việc sang trọng, ai cũng chờ người khác xuống đường, thì chế độ độc tài hiện
nay chắc chắn vẫn an vị muôn năm.
Do đó, hành xử
dã man và hạ cấp của « công an nhân dân » đối với ông Trương Dũng là
điều không gây ngạc nhiên cho nhiều người chúng ta và, đương nhiên, là điều
không thể chấp nhận. Tuy nhiên, sự phẫn nộ, căm thù không nên nhằm vào « công
an nhân dân », mà phải dành cho những kẻ đang cầm đầu chế độ, những kẻ đang
ngoan cố « kiên định chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh » như
Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng. Chừng nào những kẻ cầm đầu còn kiên định sắt
máu như thế, « công an nhân dân » sẽ vẫn còn là công cụ trấn áp của kẻ
độc tài, sẽ vẫn còn hung bạo với những người dân nhỏ bé như ông Trương Dũng.
Ông Trương
Dũng, và gia đình ông, sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều gian nguy trong những
năm tháng tới đây, nhiều khả năng ở trong một tình thế cô đơn hơn, nguy nan hơn
nhiều người khác. Nhưng ông Trương Dũng đã hiển nhiên trở thành một người rất
đáng kính trọng, một người rất cần thiết cho đất nước Việt Nam chúng ta, kể cả
khi đất nước đã có dân chủ.
Phạm Hồng Sơn
(01/04/2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét