Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Những tích tắc của số phận Phần 11 . Hết

MẸ ĐI ĐƯỢC RỒI

Nguyễn Ngọc Hoa/SGN


Ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên chiến hạm Hải quân chiều ngày 29 Tháng Tư, tôi đã nuôi hy vọng mẹ sẽ có cách thúc đẩy cha đi thoát khỏi Sài Gòn. Hai mươi mốt năm trước, mẹ một thân một mình bất chấp bất trắc hiểm nguy đưa ba đứa con dại từ Quảng Bình di cư vào Nam tìm tự do. Ngày nay, không những với lòng can trường và nhẫn nại hiếm có, mẹ có thể dùng đến một phương tiện ít người có: Chiếc tàu Đông Sơn chở thuê hàng hóa ra miền Trung của công ty vận tải hàng hải mẹ hùn vốn làm chủ với chị Giáng chị dâu của thằng Chí bạn tôi. Đông Sơn nằm bến từ cuối Tháng Ba vì “thời buổi chộn rộn ni, có ma mà làm ăn,” mẹ chép miệng.

Đông Sơn cặp bến hải cảng Apra năm ngày sau khi tôi đến trại Orote Point. Chúng tôi hồi hộp chờ dưới bến nửa ngày trời và lần lượt nhìn mặt gần một ngàn người đứng sắp hàng làm thủ tục nhập trại, nhưng không thấy bóng dáng cha mẹ. Sau đó, tôi tự an ủi biết đâu trời sẽ đoái thương và cho gia đình mình đoàn tụ, và tìm thấy chỗ trống nào trên mặt gỗ nơi có người qua lại là vội vàng dùng viết nguyên tử ghi lời nhắn tin tìm cha mẹ, và hàng ngày đưa mẩu tin nhờ đọc trên hệ thống truyền thanh chỗ đông,


Ông bà Xxxx Thông nếu đi được xin liên lạc với con là Xxxx Ba Hoa tại Lều số 9, Khu 5. Ai biết được tin ông bà Thông xin cho biết, chúng tôi vô cùng biết ơn.

Tôi liên lạc với thế giới bên ngoài bằng thư. Cả gia đình sáu người sắp hàng trước văn phòng hội Hồng thập tự xin giấy viết thư và phong bì, mỗi ngày một người chỉ được phát một tờ giấy trắng khổ nhỏ và một cái phong bì nhỏ. Viết thư đề địa chỉ ngoài bì xong đưa lại cho người ta gửi mới được lãnh thêm giấy và phong bì mới. Hồng thập tự gửi thư giùm miễn phí, nhưng báo trước không nhận thư bên ngoài gửi vào. Chắc hẳn em Triết kế thằng Sang ở Houston thuộc tiểu bang Texas và các bạn tôi ở ngoại quốc từ Âu sang Á đã biết tôi ăn chực nằm chờ trên đảo Guam. Triết du học Hoa kỳ từ năm 1972 và học năm thứ ba ngành kỹ sư hóa học.

Tôi viết thư hàng ngày cho Bảo và anh Leon, hai người bạn thân ở Nhật Bản. Bảo học chung với tôi ở trường kỹ sư và nhà ở cạnh nhà trọ tôi. Ông cụ của Bảo là bác Vân yêu mến và thường gọi tôi đến nhà ăn giỗ hay dự các buổi hội họp gia đình, cả sau khi Bảo đi Nhật học cao học ở Đông Kinh (Tokyo). Anh Leon trước phục vụ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế tại Việt Nam và học tiếng Việt với tôi ở Ban Mê Thuột khi “ông thầy” còn là học sinh trung học. Dạo đó, anh hay đến nhà tôi và “bị” mẹ mời ăn đủ thứ món ăn Huế cay chảy nước mắt. Anh dạy đại học ở Sapporo, thành phố lớn nhất trên đảo Hokkaido phía Bắc nước Nhật.  Dạo ở Sài Gòn, Bảo và anh Leon đã từng đi chơi chung với tôi và quen nhau.

Sáng hôm ấy, tôi lười biếng nằm trên giường và không đi ăn sáng với Quỳnh Châu và các em. Một lát sau, thằng Sang hớt hơ hớt hải chạy về,

-“Anh lên bộ chỉ huy nhanh lên, loa phóng thanh gọi tên anh ầm ĩ đó. Chị Châu và con Bình nghe thấy nói tui chạy về trước báo cho anh hay.”

-“Anh chưa đi sao?” Quỳnh Châu cũng vừa về tới lều, nàng thở không ra hơi.

-“Trình diện” bộ chỉ huy trại, tôi được đưa vào một văn phòng nhỏ của Hồng thập tự. Ống nghe điện thoại được nhấc ra nằm chờ trên bàn, tôi cầm lên trả lời bằng tiếng Anh,

-“A-lô, tôi nghe.”

-“Leon đây em. Chúc mừng em thoát khỏi Việt Nam, và chào mừng em đến Hiệp chúng quốc Hoa kỳ,” giọng nói ấm áp thân thiết của anh Leon mang lại cho tôi một luồng sinh khí mới.

-“Thật không ngờ, có bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày nói chuyện với anh trong hoàn cảnh này.  Anh đang ở đâu?”

-“Tôi ở Sapporo và cố gọi cho em hai ngày nay. Hôm kia Bảo bạn em từ Đông Kinh điện thoại cho tôi.”

Tôi cảm thấy có điều gì khác lạ,

-“Bảo nói gì với anh?”

-“Tin mừng vô cùng. Bảo nhờ tôi báo tin cha mẹ em đã tới Hương Cảng (Hong Kong),” tôi cảm thấy anh Leon ở đầu dây bên kia mỉm cười thỏa mãn.

-“Thật không?” tôi giật mình ngạc nhiên suýt buông rời ống nghe.

-“Ông bà đang ở trại tỵ nạn trên bán đảo Cửu Long (Kowloon). Em yên chí đi, sớm muộn gì em cũng sẽ đoàn tụ với bác gái.”

Sau cuộc điện đàm viễn liên đầu tiên trong đời, tôi chạy như bay về lều. Trên khoảng đường năm cây số, tôi không ngớt hoa chân múa tay la lớn như thằng điên,

-“Mẹ đi được rồi!  Mẹ đi được rồi!”

Chiều ngày 28 Tháng Tư, anh em chúng tôi quỳ lạy vĩnh biệt cha mẹ và ra đi. Suốt đêm đó, mẹ rã họng khuyên giải và thúc giục cha, nhưng cha khăng khăng không chịu, nói là ra đi bằng tàu quá phiêu lưu và mạo hiểm. Qua ngày 29, tình hình thấy rõ là tuyệt vọng, và phi cơ trực thăng Hoa Kỳ bay đầy trời bốc người đi, cha sang nhà hàng xóm dùng nhờ điện thoại gọi bác Cẩn. Bác là bạn thân của cha và là một tướng lãnh giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ; bác than dài,

-“Tui chịu thua rồi anh ơi. Anh ráng ra bến tàu Sài Gòn tìm đường mà đi, chớ tui không giúp chi được anh.”

Bấy giờ cha mới ngưng chửi rủa “mấy đứa con bất hiếu bất mục bỏ cha mẹ mà đi để đâm đầu vô chỗ chết” và nghe theo lời mẹ. Sáng ngày 30, cha mẹ ra bến Kho Năm Khánh Hội lên chiếc Đông Sơn tàu nhà. Gia đình anh chị Giáng và vợ chồng thằng Chí đã có mặt từ sáng sớm. Tàu không có người điều khiển, thuyền trưởng đón gia đình chưa trở lại, và số thủy thủ đoàn có mặt ít ỏi không đủ để đưa tàu ra biển. Người ta ùn ùn lên đông như kiến, boong tàu không còn chỗ chen chân. Quân nhân ôm tiểu liên M16 vào phòng lái chĩa súng lên đạn đòi tàu phải lập tức rời bến. Chị Giáng sợ hết hồn, giục gia đình xuống bến về nhà. Cha hoảng hốt kéo tay mẹ,

-“Đi về; không nghe lời mụ nữa! Nguy hiểm như ri đi để mà chết à?”

Cha mẹ vừa mở cửa bước vào nhà, chiếc ra-đi-ô xách tay mẹ luôn luôn đem theo bên mình phát ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Yyyy Man. Mẹ rụng rời buông ra-đi-ô xuống sàn. Lần này cha “chạy trối chết” (lời của mẹ) trở lại bến tàu. Đông Sơn đã ra đi, và khắp thương khẩu chỉ còn lại thương thuyền Viễn Đông. Người ta ùa tới như nước vỡ bờ và xô đẩy và chen lấn leo lên cho bằng được. Cha mẹ bước xuống chiếc ghe nằm sát bờ và khi ghe cặp vào thành tàu, kêu gào năn nỉ nhờ đồng bào kéo lên. Kéo năm lần bảy lượt mới lên tới boong.

Một giờ 25 chiều, Viễn Đông nhổ neo rời bến. Chưa ra khỏi sông Sài Gòn, tàu bị trục trặc máy móc rồi mắc cạn. Tình cờ chiếc tàu giòng (dùng để kéo xà-lan trong sông) Lưỡng Bình từ Vũng Tàu về chạy ngang qua. Quân nhân trên Viễn Đông và hai chiếc tàu Hải quân gần đó bắn súng thị uy buộc Lưỡng Bình dừng lại và bắt dây lái kéo Viễn Đông ra khỏi cạn. Viễn Đông chuồi ra giữa sông khi đêm xuống đen và hỏa pháo Vìệt Cộng bắn lên trời ăn mừng thắng trận soi sáng khu rừng Sát dọc theo sông Lòng Tảo. Chiếc Lưỡng Bình nhỏ bé ì ạch kéo chiếc Viễn Đông to lớn và chở nặng qua 45 hải lý hãi hùng, và hai con tàu ra tới cửa biển lúc tám giờ sáng ngày mồng 1 Tháng Năm.

Buổi chiều, Viễn Đông bắt đầu náo động. Tàu không có thực phẩm, nước ngọt chứa trong hầm lái bị phá hoại xả hết, và hai người tự tử trên boong. Cha đói bụng và khát nước hoa mắt, và nhìn chung quanh thấy dường như anh quân nhân nào cũng đang gian giảo rình rập cha để trả thù cá nhân hay cướp đoạt tiền của. Nỗi kinh hãi nung nấu trong lòng mấy ngày qua nổ bùng lên. Cha la lớn tự xưng tên tuổi, chửi bới lung tung, cởi trần phơi mình, và mở toang xắc tay cho mọi người thấy không có vàng hay đô-la. Ai nấy đều hay “ông Thông cựu sĩ quan cao cấp từng giữ chức vụ quan trọng ngoài miền Trung” đi trên tàu và bị loạn trí.

Ở gần chỗ cha mẹ ngồi bỗng có tiếng kêu thất thanh, “Người rớt xuống biển! Có người tự tử!” Người rớt xuống có dáng dấp rất giống cha. Vị thuyền trưởng quyết định quay tàu trở lại vớt kẻ không may. Nạn nhân đã ba hoa phát ngôn bừa bãi và bị một số quân nhân ghét mặt xúm lại đạp xuống biển nên sau khi được vớt không dám tiết lộ thân thế hay lý do rớt xuống. Khắp tàu ai cũng in trí cha đã nhảy xuống biển tự tử.

Gần nửa đêm, máy tàu và máy đèn đều tê liệt, nước tràn vào phòng máy, có nguy cơ tàu đắm, và thuyền trưởng gửi tín hiệu SOS trên băng tần cầu cứu quốc tế. Mười hai giờ trưa ngày mồng 2, nước tràn vào khoang và tàu chìm từ từ. Bất ngờ, cứu tinh xuất hiện – tàu chở hàng Đan Mạch Sveva Maersk đáp lại tiếng kêu cầu cứu. Sveva Maersk mà chậm chân hai tiếng đồng hồ thì Viễn Đông và gần bốn ngàn người đã vùi thân dưới đáy biển.

Sveva Maersk đánh điện xin đưa hải khách được cứu vớt lên Hương Cảng, nhưng chính phủ địa phương từ chối. Sau hai ngày lo lắng trên tàu, đám người tỵ nạn được Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị nước Anh lúc ấy đang kinh lý thuộc địa này đặc cách cho phép nhập cảnh.  Những kẻ vừa lìa xa quê hương tới bến bờ tự do nhưng với lòng trĩu nặng,

Khi đi thấy đường đã xa

bây giờ đường về xứ

còn xa hơn nghìn lần.

Trên hai mươi vạn bàn tay

dắt dìu nhau đến đây

ngàn đời xa cố hương.

(Lam Phương – “Con Tàu Định Mệnh”)

Từ trại tỵ nạn Cửu Long, cha viết thư cho Triết khi tôi còn lênh đênh ở vùng biển Côn Sơn trên chiến hạm Hải quân,

Anh em con ra đi và đã chết trên biển cả. Con không nên tưởng nhớ đến chúng nó mà cần dồn mọi nỗ lực lo cho cha mẹ sang Mỹ ở với con. Con là hy vọng của cha mẹ

Từ đảo Guam, tôi chuyển qua Trại Pendleton ở California, lên North Dakota định cư vào cuối Tháng Tám, và vài ngày sau đi làm kỹ sư cho một công ty tiện ích. Cha mẹ bay sang Hoa Kỳ và tới trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở Arkansas. Cuối tháng Chín, cha bấm bụng lên North Dakota nhập chung với vợ chồng tôi và bốn đứa em, không như ý muốn nhưng cha không có lựa chọn nào khác. Triết chưa ra trường, phải bỏ học đi làm thợ tiện để sinh sống, thuê apartment (căn phòng ở bin-đinh) ở chung với bạn, và không đủ điều kiện bảo trợ cha mẹ.  Tôi có lại mẹ sau năm tháng dài xa cách và tưởng chừng như đã mất. Cám ơn Trời Phật!

Cuối năm tây, Triết nghỉ lễ Giáng sinh về North Dakota thăm gia đình tôi mới biết làm sao anh Leon biết tin cha mẹ đi được. Nguyên do là sáng ngày 30 Tháng Tư, hai bác Vân ra bến Kho Năm nhảy lên tàu Viễn Đông đi như cha mẹ, và khi đến Hương Cảng, bác trai viết thư cho Bảo báo tin và kể chuyện cha “toan tự tử” trên tàu. Bảo biết tôi ở Guam, nhưng không có cách nào để báo tin nên điện thoại cho Triết. May sao Triết có địa chỉ và số điện thoại anh Leon tôi gửi sang trong những ngày dự định di tản, nhờ đó Bảo gọi cho anh Leon. Anh mất hai ngày mới tiếp xúc được với tôi.

Nếu chuyến đi của cha mẹ là cơ duyên do sức huyền bí sắp đặt thì vòng dây liên lạc Hương Cảng – Đông Kinh – Houston – Sapporo – Guam kết nối nhanh chóng là nhờ một phát minh kỳ diệu của người trần thế: máy điện thoại có khả năng xóa bỏ tức thời mọi khoảng cách không gian. Tôi biết ơn ông Alexander Graham Bell (1847-1922) vô cùng.

HẾT

https://saigonnhonews.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét