Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 26 tháng 4 năm 2023

 Quê Hương tổng hợp

Nghịch lý tham nhũng: ‘Tham’ 45 triệu bị 5 năm tù, ‘chôm’ 54 tỷ tù có 3 năm!

Ông Tư Sài Gòn /SGN
25/4/2023

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lao Động 

Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vừa bị kết án 5 năm tù vì tội tham nhũng.

Ở đất nước luôn có “mặt trời chân lý chói qua tim” này tin về lãnh đạo tham nhũng, gây thiệt hại rồi bị tù hầu như tuần nào cũng có, đọc riết cũng chán, vì cũng chỉ có chừng đó chữ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…


Thế nhưng kết quả vụ án bà Dung lại làm nhiều người trố mắt hỏi nhau, “công lý có phải dây thun quần không mà lúc co lúc giãn?”

Lục lại vụ án bà Dung thì như thế này:

Trong quá trình làm bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi “không đúng quy định pháp luật”. Nói tắt là bà Dung tham không đúng quy trình.

Cụ thể là dù đã nhận phụ cấp cấp ủy nhưng bà vẫn tính thêm 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán.

Số tiền bà Dung tham cũng không đáng là bao, theo cáo trạng là hơn 48 triệu đồng, nhưng sau đó được Viện Kiểm sát rút xuống còn chưa đến 45 triệu đồng.

Bà Dung cãi lại nói bà không có tội, vì đó là quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.

Bà Dung cũng khẳng định rằng bà đã thực hiện thanh toán công khai, đúng quy chế chi tiêu nội bộ, không có cơ quan có thẩm quyền khẳng định quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm là sai.

Tin nội bộ cho biết đúng ra tòa chỉ xử nhẹ chừng 1, 2 năm thôi, vì chuyện chẳng có gì lớn. Thế nhưng do bà cãi nhiều quá, lại không chịu nhận tội, cũng không chịu nộp lại tiền để “khắc phục hậu quả”, nên tòa gởi cho bà năm cuốn lịch ngồi đếm từng tờ để nghiền ngẫm sự đời.

Quan tòa cho biết mức án đó là đã gia giảm rồi, dù sao gia đình bà Dung cũng có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống COVID-19… nên mức án như thế là “đúng người đúng tội”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa ngày 21 Tháng Tư – Ảnh: Dân Trí 

Quay sang một vụ án khác, cũng mới được tòa tuyên án vào ngày 21 Tháng Tư. Đó là vụ ông Nguyễn Quang Tuấn – cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội – cùng 11 người khác bị xử trong vụ án nâng giá vật tư thiết bị y tế, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng.

Tội của ông Tuấn có khung phạt 10-20 năm tù, thế nhưng cơ quan công tố chỉ đề nghị HĐXX tuyên phạt 4-5 năm tù (!) với lý do ông ấy đã “được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý. Bị cáo cũng nguyên là Đại biểu Quốc hội, bản thân là giáo sư, tiến sĩ, đã cứu sống cho nhiều bệnh nhân, được nhân dân khen ngợi, yêu quý”, báo Dân Trí viết như thế.

Chủ tọa phiên tòa còn cho biết cuộc đời ông Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể. Tòa cũng ghi nhận ông Tuấn đã “chủ động nhận trách nhiệm, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hơn 6 tỷ đồng dù không có trách nhiệm phải nộp”.

Từ những nhận định đó, tòa tuyên án ông Tuấn chỉ bị 3 năm tù thôi.

Thế là người ta có dịp so sánh 2 vụ án: Bà Dung tham 45 triệu bị kết án 5 năm tù, ông Tuấn gây thiệt hại gần 54 tỷ chỉ bị 3 năm tù.

Hai ông bà giống nhau là cùng là đảng viên, có “cống hiến cho cách mạng”, gia đình gương mẫu, v.v… Chỉ khác một điều: Bà Dung cứ “cái cối cãi chày”, không chịu nhận tội, lại còn không chịu nộp tiền “khắc phục hậu quả”; còn ông Tuần thì “thành khẩn ăn năn”, nộp 6 tỷ đồng dù không phải nộp, y như dùng tiền “đấm mõm nhà nước”.

Chẳng biết đúng – sai thế nào, chứ so sánh kết quả hai bản án mới thấy công lý Việt Nam như cái thun quần: Khi thì bóp chặt lấy cái bụng, khi thì lỏng là lỏng lẻo, tụt xuống ngang đầu gối, lòi cái “chân lý” ra ngoài.

Nguyễn Thông - Oái oăm

25/4/2023

– Sau khi nhà phê bình văn học Đặng Tiến, một Việt kiều ở Pháp qua đời, thế giới mạng đưa tin rất nóng sốt, kéo theo nhiều báo mậu dịch cũng có bài có tin có ảnh. Chuyện này không lạ bởi ông Đặng Tiến là người rất nổi tiếng, cây đa cây đề trong làng văn Việt, được đông đảo nhà văn nhà thơ trong nước nể phục, kính trọng.

Chẳng hiểu sao, đám cai trị ở TP.HCM không ưa sự này. Họ chỉ thị cho các báo quốc doanh phải hạ bài, cấm hó hé gì về Đặng Tiến nữa. Tôi từng làm báo mấy chục năm nên biết, chỉ một cuộc điện thoại hoặc cái tin nhắn lúc… nửa đêm là bọn báo chí tuân chỉ răm rắp. Sau này nếu phanh phui ra không có bằng cớ để quy kết “tội”, khẩu thiệt vô bằng, cũng như những vụ đánh Hoàng Cát “Cây táo ông Lành”, Việt Phương “Cửa mở” hồi trước, chúng cứ cãi lem lẻm, tao đâu có thế này, tao đâu có thế nọ, đổ cho tao lấy gì làm bằng chứng, v.v..

Việc hạ bài về Đặng Tiến xét đúng quy trình thì đó là sản phẩm của bọn tuyên giáo, nhưng tôi đồ rằng chúng không thể qua mặt ông Nên. Người đứng đầu thành phố chả nhẽ lại vô can? Ông đừng để “danh tiếng” phải chôn vùi trong những vụ tào lao thế này.

Vấn đề là, những đứa làm điều đó lại chính là những kẻ kêu gào hòa giải hòa hợp to mồm nhất. Ai không tin, cứ để ý từ nay tới ngày 30.4 thì rõ.

– Cô diễn viên Lệ Hằng đâu phải tự dưng bị bắt, mà chắc đã vào vòng ngắm từ lâu rồi. Tôi nói thật, buôn ma túy ở tầm mức bỏ vốn 500 nghìn đồng để mua được gần 0,7 gam rồi đem chia nhỏ ra bán lấy lời thì thuộc hạng khốn cùng, vừa đáng giận lẫn đáng thương. Một xã hội “mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên đất nước ta”, “chưa bao giờ tiền đồ đất nước tươi sáng như ngày nay” rõ ràng vênh với hiện tượng Lệ Hằng. Muốn biết có rực rỡ, có sáng không, cần hỏi cả những người như Lệ Hằng chứ đừng chỉ tin mồm mấy ông mặt trận tổ quốc. Bi kịch Lệ Hằng, nói cho cùng là bi kịch của cái xã hội đầy bi thảm được che đậy bằng sự giả dối.

Từ vụ Lệ Hằng buôn ma túy, thấy rõ luật pháp cũng chả ra gì, thậm chí là trò cười, cười không nổi, cười ra nước mắt. Buôn gần 0,7 gam (chỉ nặng bằng 2 viên thuốc cảm cetamol) thì bị bắt tống vào nhà giam, còn những đứa vận chuyển hơn 11 ký thì lại được tự do ngay sau khi bị tóm bởi “không có bằng chứng kết tội”. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… có sống lại cũng phải bẻ bút trước sự điên đảo ấy.

Việt Nam: Phạm Đoan Trang ‘không phải là nhà báo’, và có ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ 

25/4/2023 

VOA Tiếng Việt