Quê Hương tổng hợp
Công ty quốc phòng CH Czech Omnipol đang đàm phán chuyên sâu với Việt Nam về cung cấp thiết bị
25/4/2023
Quân đội Việt nam trong một cuộc duyệt binh ở Hà Nội.
Công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ Omnipol của Cộng hòa Czech đang đàm phán tích cực với Việt Nam về khả năng bán thiết bị, công ty này nói với Reuters hôm 25/4.
Bình luận này được đưa ra sau một bản tin của Reuters hôm 24/4 về các cuộc đàm phán của công ty Omnipol vào tuần trước với các quan chức Việt Nam về khả năng bán máy bay vận tải L 410 NG, radar sử dụng cho các sân bay dân sự và quân sự, và các hợp đồng mới có thể cung cấp thêm Máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG mà Hà Nội đã đặt mua 12 chiếc.
Phản hồi cho Reuters về các cuộc đàm phán cho các nguồn cung cấp mới, người phát ngôn của công ty Omnipol cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đang đàm phán chuyên sâu với khách hàng này, tuy nhiên chúng tôi bị ràng buộc bởi Thỏa thuận không tiết lộ thông tin và chúng tôi không thể bình luận về bất kỳ hợp đồng hiện tại hoặc tiềm năng nào”.
Công ty Omnipol có cổ phần thiểu số trong Aero Vodochody, công ty sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG. Công ty có trụ sở tại Praha này cũng sở hữu Aircraft Industries, nhà sản xuất máy bay vận tải L 410 NG của Czech.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tuần trước của Thủ tướng Czech Petr Fiala, bốn công ty quốc phòng Czech đã thảo luận về khả năng mua bán với các quan chức mua sắm quốc phòng Việt Nam, một nguồn tin chính phủ Czech nói với Reuters.
Ngoài Omnipol, 3 doanh nghiệp khác trong đoàn là Czechoslovak, Colt CZ và STV.
Trang Euro Defense hôm 24/4 viết: “Khi đàm phán với đoàn do Thủ tướng Fiala dẫn đầu, Việt Nam tỏ ra rất quan tâm đến việc mua máy bay quân sự, radar và hiện đại hóa các vũ khí có nguồn gốc từ Nga”.
Thủ tướng Czech viết trên Twitter khi kết thúc chuyến công du Việt Nam hôm 23/4: “Bảo vệ các công ty của chúng tôi và tạo điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam, tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp ôtô, năng lượng và quốc phòng. Đây là những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán của tôi ở Việt Nam”.
Truyền thông Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Czech, từ ngày 20-22/4, nói rằng hai bên đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có thỏa thuận hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo phi công thương mại, hợp tác về điện lực dầu khí…nhưng không đề cập đến các thiết bị quốc phòng.
Truyền thông nhà nước cho biết các doanh nghiệp Czech đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng, y tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng, hàng không… Trong đó, có các doanh nghiệp đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Tập đoàn Colt CZ, Home Credit, Tập đoàn Omnipol.
Hơn 70 tổ chức thúc giục Mỹ gây áp lực với CSVN về đàn áp tôn giáo
24/4/2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn 70 tổ chức tôn giáo quốc tế và rất nhiều chuyên viên nhân quyền đang thúc giục chính phủ Mỹ gây áp lực với CSVN về vấn đề đàn áp tôn giáo ở quốc gia này.
Tổ chức thông tin Christian Post hôm Thứ Hai, 24 Tháng Tư, cho hay tin trên và nói rằng các tổ chức tôn giáo quốc tế cáo buộc nhà cầm quyền CSVN chủ trương áp dụng các biện pháp đàn áp tôn giáo, đặc biệt với các cộng đồng sắc dân thiểu số ở Việt Nam.
Cán bộ xã Dăk Jăk huyện Ngọc Hồi, Kontum, phá thánh lễ ngày 22 Tháng Ba, 2023. (Hình: Tổng Giáo Phận Sài Gòn)
Trong một bức thư chung gửi cho Ngoại Trưởng Anthony Blinken và nhiều viên chức hàng đầu trong chính phủ Biden, họ lưu ý chính phủ Mỹ về các biện pháp đàn áp tôn giáo ngày càng gia tăng của chế độ độc tài tại Việt Nam, đặc biệt là những sắc dân thiểu số không chấp nhận gia nhập vào các tổ chức tôn giáo do nhà cầm quyền lập ra để sai khiến, thường được gọi là tôn giáo quốc doanh.
Các tổ chức tôn giáo quốc tế nói trên bày tỏ quan ngại về các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam xảy ra trong năm qua. Những chứng cớ được họ nêu ra để cho thấy CSVN cưỡng bách tín đồ Tin Lành phải bỏ đạo, đàn áp các nhà nguyện hay nhà thờ thiết lập tại tư gia giáo dân không được nhà cầm quyền cấp giấy phép hoạt động.
Khi giáo dân xin phép thành lập hay xây dựng nhà nguyện, nhà thờ thì không bao giờ được cấp giấy phép. Đồng thời, nhà cầm quyền còn thúc ép các nhóm tôn giáo độc lập gia nhập vào các tổ chức tôn giáo quốc doanh.
Các tổ chức trên cho hay ngày 8 Tháng Tư vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh Dak Lak đã bắt giam nhà truyền giáo người Thượng tên Y Krech Bya, một thành viên của Giáo Hội Tin Lành Evangelical Church of Christ, khi tín đồ đã tập trung tại nhà nguyện và cũng là tư gia của ông, dự Lễ Phục Sinh. Ông Bya bị cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia” theo điều 116 Luật Hình Sự CSVN với bản án có thể đến 15 năm tù.
Nhà cầm quyền cáo buộc nhà nguyện tại nhà ông là bất hợp pháp và bắt ông gia nhập Giáo Hội Tin Lành nhà nước nhưng ông đã không gia nhập. Ông bị bắt thẩm vấn đe dọa rất nhiều lần. Trước đây, ông đã từng bị bắt tù tám năm hồi năm 2004 vì đã tham dự các cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo cho người Thượng.
Nguồn tin trên cho hay nhà cầm quyền tỉnh Dăk Lăk cũng tuyên án khiếm diện đối với Mục Sư A Ga, một chức sắc Tin Lành hiện sống ở North Carolina, người sáng lập Giáo Hội Tin Lành Evangelical Church of Christ ở Tây Nguyên, một người được quốc tế công nhận là nhân vật xuất sắc trong vận động tự do tôn giáo cho người thiểu số ở Việt Nam.