Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Tin tức thế giới ngày Thư hai 03 tháng 01 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Phá thai là nguyên nhân gây tử vong số một trên thế giới năm 2021

 


Người Mỹ biểu tình chống phá thai (ảnh: Từ video của Daily Mail)

Dữ liệu do Worldometer cung cấp vào ngày 31/12/2021 cho thấy, phá thai là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới trong 2021.

Theo số liệu thống kê của Worldometer, tính đến trưa ngày 31 tháng 12 năm 2021, trên toàn thế giới có 42,6 triệu ca phá thai, trong khi tổng số ca tử vong do các nguyên nhân khác là 58,7 triệu ca.

Những con số này cho thấy, hơn 42% tổng số ca tử vong vào năm 2021 là trẻ em bị tước đoạt quyền sống ngay khi còn trong bụng mẹ. Nếu so sánh con số này với 3,5 triệu tử vong do Covid-19 sau 2 năm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê thì có thể thấy mức độ nghiêm trọng của nạn phá thai.

Worldometer được Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) bình chọn là một trong những trang web tham khảo miễn phí tốt nhất. Đây là tổ chức do một nhóm các nhà phát triển, nhà nghiên cứu và tình nguyện viên quốc tế điều hành.

Thống kê của Worldometer chỉ ra rằng số người chết vì phá thai cao hơn tổng số người chết vì ung thư, sốt rét, AIDS, các bệnh liên quan đến thuốc lá, rượu và tai nạn giao thông.

Tại Hoa Kỳ, vào ngày 21/1 tới, những người từ chối nạo phá thai và bảo vệ sinh mệnh thai nhi sẽ tổ chức cuộc Diễu hành vì Sự sống lần thứ 49 tại Washington, DC với khẩu hiệu “Bình đẳng bắt đầu từ trong bụng mẹ”.

Chủ tịch tổ chức Diễu hành vì sự sống, Jeanne Mancini, cho biết “Phong trào ủng hộ sinh mệnh công nhận trách nhiệm to lớn mà quốc gia này phải gánh vác trong việc khôi phục quyền bình đẳng cho những công dân không có khả năng tự vệ nhất, từ khi còn trong bụng mẹ”.

 

Covid-19: Số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng theo chiều “thẳng đứng”

Đà lây lan thần tốc của Covid-19 dưới tác động của biến thể Omicron tiếp tục gây lo ngại khắp nơi. Tại Hoa Kỳ, dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất. Hôm qua, 02/01/2021, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn chính của Nhà Trắng trong lãnh vực y tế đã báo động về tình trạng số ca nhiễm mới tại Mỹ đang gia tăng theo một đường “gần như thẳng đứng”.

Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN, ông Anthony Fauci cảnh báo là Hoa Kỳ “đang ở giữa một làn sóng (dịch bệnh) rất mạnh”, với một đà gia tăng các ca nhiễm nhanh “chưa từng thấy”, trung bình gần 400.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Đối với cố vấn về Covid-19 của Nhà Trắng, tình hình có thể dẫn đến nguy cơ số ca nhập viện tăng vọt khiến hệ thống y tế quá tải. Tuy nhiên, ông Fauci cũng cố trấn an khi khẳng định rằng trước mắt các ca nhập viện không tăng dữ dội. 

Pháp đưa Mỹ vào danh sách đỏ của các nước bị hạn chế du lich 

Trong tình hình các ca nhiễm mới tăng kỷ lục ở cả Mỹ lẫn Pháp, Paris vừa quyết định đưa Hoa Kỳ vào “danh sách đỏ” các nước mà công dân sẽ bị kiểm tra y tế nghiêm ngặt khi nhập cảnh Pháp. 

Kể từ ngày 01/01/2022, những người chưa chích ngừa, hay tiêm ngừa chưa đầy đủ đến từ Mỹ sẽ phải cách ly 10 ngày dưới sự giám sát của nhà chức trách Pháp sau khi nhập cảnh. Quy định mới này nghiêm khắc hơn nhiều so với quy định cũ khi du khách “chỉ” phải cách ly 7 ngày và không bị kiểm soát. 

Những du khách Mỹ đã có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ cũng sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính 48 tiếng đồng hồ trước chuyến bay. 

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bị nhiễm Covid 

Như một dấu hiệu phản ảnh đà lan mạnh của dịch Covid tại Mỹ, ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ vừa bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trong một thông cáo công bố hôm qua, 02/01/2022, Lầu Năm Góc cho biết là ông Austin đang có những triệu chứng “nhẹ”, và sẽ bị cách ly ở nhà trong 5 ngày tới. 

Thông cáo nhắc lại rằng bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả liều bổ sung (hay tăng cường), “có nghĩa là tình trạng nhiễm bệnh của ông nhẹ hơn nhiều so với những trường hợp khác”.  

Ông Austin nhân dịp này nhắc nhở: “Vac-xin vẫn có hiệu quả và sẽ vẫn là một yêu cầu quân y cho nhân viên bộ Quốc Phòng. Tôi tiếp tục khuyến khích tất cả những ai có đủ điều kiện là nên tiêm liều tăng cường”.

Puerto Rico không tránh khỏi làn sóng Omicron dù 70% người lớn đã tiêm chủng

Là một quần đảo thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ ở vùng biển Caribê, Puerto Rico cho đến nay vẫn tự hào về chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 khá thành công, với 70% cư dân đã được chích ngừa đầy đủ.

Thế nhưng tại nơi này, tình trạng lây nhiễm lại tăng một cách chóng mặt, một thực tế đáng lo ngại bắt nguồn từ tình trạng yếu kém của nền kinh tế và hệ thống bệnh viện, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị.

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại Hoa Kỳ giải thích:

“Đối với chính quyền Puerto Rico, không còn nghi ngờ gì nữa, dịch bệnh bùng phát mạnh sau một loạt sự kiện tụ tập đông người: Lễ hội âm nhạc quy tụ 60.000 người trong 2 ngày, các ngày lễ cuối năm tại các văn phòng và các cuộc họp mặt gia đình.

Tháng 12 là một trong những tháng tồi tệ nhất đối với Puerto Rico kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong 30 ngày, số ca nhiễm Covid đã tăng 4.600%. Tuần trước, chỉ trong một ngày, hơn 11.000 trường hợp lây nhiễm mới được ghi nhận. Một con số đáng kể khi biết rằng Puerto Rico chỉ có hơn 3 triệu dân một chút.

Tình hình đang khiến chính quyền lo lắng. Trước mắt, các ca nhập viện vẫn còn trong vòng kiểm soát, nhưng các bệnh viện trên đảo lại rất thiếu phương tiện và nhân viên.

Nhiều biện pháp giới hạn mới đã được áp đặt nhằm hạn chế sự lây nhiễm. Du khách đến đảo giờ đây phải trình xét nghiệm âm tính, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Các nhà hàng bắt đầu áp dụng chế độ sức chứa hạn chế, và nhiều sự kiện đã bị hủy bỏ. Trong đó có các lễ kỷ niệm 500 năm thành lập thủ đô San Juan.”

Ấn Độ tiêm ngừa cho thanh thiếu niên 15-18 tuổi khi Omicron càn quét toàn cầu

Ấn Độ hôm 3/1 đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho thanh thiếu niên, từ 15 đến 18 tuổi khi biến chủng Omicron COVID-19 lan khắp toàn cầu, theo VOA News. Cũng hôm 3/1, Bộ Y tế của nước này công bố có 33.750 ca nhiễm COVID mới trong 24 giờ qua.

Pháp sẽ ban hành một số hạn chế mới hôm 3/1 để ứng phó với sự gia tăng số ca nhiễm mới. Các quy định mới bao gồm hạn chế các cuộc tụ tập đông người, hiện sẽ được giới hạn cho 5.000 người ở ngoài trời và 2.000 người trong nhà.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin hôm 3/1 rằng nước này đã ghi nhận trường hợp các bệnh nhân Omicron tử vong đầu tiên. Hãng thông tấn cho biết vẫn chưa rõ liệu Omicron có phải là “nguyên nhân trực tiếp” gây ra cái chết của những bệnh nhân đều ở độ tuổi 90 hay không.

Thủ tướng Israel Naftali Bennet cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 2/1, thông báo về mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ tư đối với người già và nhân viên y tế. Một số quan chức y tế công còn nghi ngại về động thái tích cực này và cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra.

Trung tâm nguyên cứu virus corona Johns Hopkins hôm 3/1 báo cáo rằng họ đã ghi nhận hơn 290 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và 5,4 triệu ca tử vong. Trung tâm cho biết có hơn 9 tỷ liều vaccine đã được tiêm.

Hoa Kỳ: Hơn 3.000 chuyến bay bị hủy trong ngayd Chủ nhật

Hơn 3.000 chuyến bay, một nửa trong số đó khởi hành hoặc hạ cánh ở Mỹ, đã bị hủy vào Chủ nhật, vì thời tiết xấu và gia tăng số ca nhiễm covid-19 liên quan đến biến thể Omicron. Covid khiến nhiều hãng hàng không bị thiếu nhân sự; và họ đã đề nghị trả thêm tiền cho nhân viên khỏe mạnh, song bị nhiều người từ chối, với lý do sợ nhiễm virus hoặc phải tiếp xúc với các hành khách không tuân thủ quy định.

Ấn Độ lo ngại làn sóng covid-19 mới

Trong bối cảnh ca nhiễm covid-19 một lần nữa tăng cao vì biến thể Omicron, nhiều người Ấn Độ đang lo ngại tái diễn đợt dịch kinh hoàng hồi mùa xuân năm ngoái. Theo phần mềm theo dõi tử vong vượt mức của The Economist, số người chết ở đợt dịch trước có thể gấp gần mười lần so với con số chính thức 480.000.

Nhưng mặc dù Ấn Độ chậm triển khai tiêm mũi tăng cường, làn sóng lần này có thể không quá tệ. Bằng chứng đến nay cho thấy Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó. Với một chiến dịch tiêm chủng hiện đã tiêm đủ liều cho 44% số người lớn và miễn dịch có sẵn trong nhiều bệnh nhân từ đợt dịch trước, Ấn Độ đang có “miễn dịch” cộng đồng tương đối tốt.

Song giới chính trị gia Ấn Độ dường như không rút ra được bài học nào. Giữa lúc ca nhiễm tăng gấp bốn lần trong mười ngày qua, cũng như phong tỏa và đóng cửa trường học, các cuộc vận động tranh cử cấp tiểu bang vẫn diễn ra như bình thường.

Một năm mới đầy thử thách cho Joe Biden

Tổng thống Mỹ đang khó khăn mọi bề, khi tỉ lệ ủng hộ ông giảm 25 điểm phần trăm kể từ ngày nhậm chức. Thủ phạm bao gồm lạm phát, một đại dịch không ngừng, thảm họa ở Afghanistan và việc ông không thể kiểm soát thế đa số ở quốc hội. Đạo luật được cho là di sản của Joe Biden — gói chi tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng cường các lợi ích xã hội — sẽ phải thiết kế lại, vì không có được sự ủng hộ của Joe Manchin, thượng nghị sĩ Tây Virginia. Tuy nhiên đó là cách duy nhất nếu tổng thống muốn cho cử tri thấy kết quả nào đó đáng kể tại cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm 2022.

Đúng như vậy, triển vọng bầu cử của đảng ông khá ảm đạm. Thế đa số ở cả hai viện vô cùng mỏng manh; trong khi các tổng thống hầu như luôn bị thiệt hại trong bầu cử giữa kỳ. Khả năng cao là ông Biden sẽ mất khả năng thúc đẩy lập pháp. Do đó, vào cuối năm nay, động lực ở Washington có thể chuyển từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa. Đó là một viễn cảnh ảm đạm. Bởi vì nếu đảng Cộng hòa chiến thắng, nó đồng nghĩa với việc cử tri ủng hộ các nghị sĩ đảng này hậu thuẫn nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Donald Trump.

Đo lường thiệt hại kinh tế của omicron

Cho đến khi dữ liệu chính thức được công bố trong vài tuần tới, các nhà phân tích sẽ cố gắng thu thập thông tin chi tiết về thay đổi hành vi của mọi người từ các dữ liệu tạm thời. Chỉ số đo lường mức độ đi lại của The Economist, với dữ liệu thời gian thực từ Google, cho thấy việc quay trở lại văn phòng đã chậm lại. Ở Mỹ, số lượt người đi đến nơi làm việc giảm khoảng 25% so với mức tiền đại dịch trong tuần tính đến ngày 23 tháng 12.

Khách sạn và du lịch đặc biệt bị thiệt hại. Số lượng thực khách ở Mỹ và Anh trong tuần tính đến 20 tháng 12 giảm 12-15% so với cùng kỳ 2019, theo dữ liệu của OpenTable, một dịch vụ đặt chỗ nhà hàng. Còn đối với du lịch, trong tuần tính đến 26 tháng 12 có đến khoảng 3.500 chuyến bay khởi hành hoặc hạ cánh ở Mỹ – chiếm 2,5% tổng số chuyến bay – đã bị hủy. Nhưng nếu thiệt hại của omicron chỉ tập trung trong ngành khách sạn và du lịch, thì tác động kinh tế tổng thể có thể sẽ nhỏ hơn so với các đợt dịch trước.

Răn đe Trung Quốc, Ấn Độ thử nghiệm nhiều loại tên lửa trong tháng 12

Quân đội Ấn Độ đã thử nghiệm ít nhất bảy loại tên lửa mới vào tháng 12 năm 2021. Truyền thông Ấn Độ tin rằng New Delhi có thể mua vũ khí tiên tiến từ Hoa Kỳ để răn đe Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Pakistan.

Vào ngày 23 tháng 12 năm 2021, Bộ Quốc Ấn Độ phòng thông báo rằng họ đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa chống tàu ngầm tầm cực xa (SMART). Trước đó, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa Agni-P. Đây là loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tối đa lên tới 2000 km. Ngoài ra, Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không BrahMos.

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2021, “Thời báo Kinh tế” của Ấn Độ đưa tin rằng Không quân Ấn Độ đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 đầu tiên của mình ở khu vực Punjab. Một nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ cho biết, “Điều này sẽ có thể đối phó với các mối đe dọa trên không từ Pakistan và Trung Quốc”.

Đầu tháng 12, một số thành phần của hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất đã đến Ấn Độ. Trước đó, Không quân Ấn Độ đã cử người sang Nga để học tập cách vận hành hệ thống S-400.

Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla thông báo rằng Nga đã bắt đầu chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Putin thăm Ấn Độ.

Bắt đầu từ năm 2022, Ấn Độ sẽ triển khai một loạt hệ thống phòng không S-400 ở các khu vực biên giới phía bắc và phía đông của Ấn Độ để răn đe quân đội của ĐCSTQ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ, Eric Garcetti, gần đây đã nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ rằng ông luôn sẵn sàng thúc đẩy các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ biên giới cho Ấn Độ.

Kể từ năm 2016, hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đã phát triển đáng kể. Ấn Độ cũng đã mua các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ và nhiều giao dịch khác vẫn đang trong quá trình thực hiện. Thời báo Kinh tế tin rằng phát biểu của Gahiti là nhằm kêu gọi trang bị vũ khí cho Ấn Độ để chống lại ĐCSTQ.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2022

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2022, sau khi Úc và New Zealand thông báo đã phê chuẩn hiệp định.

Theo Đài CNBC, đây là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với 15 thành viên, bao gồm 10 nước thuộc khối Đông Nam Á (ASEAN) - Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác thương mại lớn nhất của họ là Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Hiệp định ký kết tháng 11-2020 sau 8 năm đàm phán.

Ngày 3-11, New Zealand ra tuyên bố xác nhận đã phê chuẩn hiệp định. Trước đó, 2-11, Úc thông báo đã phê chuẩn hiệp định này. 

RCEP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 quốc gia ngoài ASEAN ký phê chuẩn.

Cho đến nay, các nước Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định. Ngoài Úc và New Zealand, các nước ngoài ASEAN đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản.

Các nền kinh tế RCEP có quy mô 2,2 tỉ người - khoảng 30% dân số thế giới và là thị trường tạo ra 26.200 tỉ USD sản lượng toàn cầu - tương đương 30% của nền kinh tế toàn cầu.

RCEP lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Liên minh châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng lợi ích kinh tế của RCEP rất khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận được coi là một chiến thắng địa chính trị của Trung Quốc vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang suy yếu. 

Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Indonesia bất ngờ cấm xuất khẩu than sang Trung Quốc

Vào ngày 31/12/202, Chính phủ Indonesia bất ngờ tuyên bố rằng, từ ngày 01 tháng 1 đến ngày 31 tháng 1, sẽ dừng xuất khẩu than sang Trung Quốc để giảm bớt sự thiếu hụt nguồn than trong nước, dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Indonexia.

Theo trang Kumparan, các quan chức Indonesia cho biết, nguồn than cung cấp cho sản xuất điện gia dụng ở Indonesia rất khan hiếm. Nếu không ngừng xuất khẩu than thì có thể xảy ra tình trạng mất điện trên diện rộng ở Indonesia.

Gần đây Trung Quốc và Indonesia xảy ra nhiều tranh chấp về việc Indonesia thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Nguồn than mà Indonesia dừng bán cho Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng khó lường đến nguồn cung điện của Trung Quốc.

Có thể đây là một biện pháp điều chỉnh xuất khẩu thông thường của chính phủ Innodesia, nhưng lại tác động rất lớn đến Trung Quốc. Ở Trung Quốc, than không chỉ dùng để người dân sưởi ấm trong mùa đông, mà nhiệt điện cũng tiêu thụ lượng than rất lớn. Trong khi đó, than của Indonesia chiếm 60% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu nguồn cung than của Indonesia bị cắt, người dân Trung Quốc sẽ phải chịu thiệt thòi lớn nhất.

Theo số liệu chính thức của Indonesia, nước này có thể sản xuất 644 triệu tấn than vào năm 2022. Mức tiêu thụ nội địa của Indonesia ước tính chỉ vào khoảng190 triệu tấn. Do đó, việc nước này lo ngại thiếu hụt than gây ra ngạc nhiên với giới quan sát.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét