Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Thời sự Việt Nam

Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang được trao giải Martin Ennals

RFA
19/01/2022

Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang được trao giải Martin Ennals

Nhà báo Phạm Đoan Trang 

FB Phạm Đoan Trang 

Nhà báo độc lập/nhà hoạt động cho nhân quyền Phạm Đoan Trang, người đang phải thụ án chín năm tù giam ở Hà Nội, vào ngày 19/1 được trao giải Martin Ennals năm 2022.

Đây là giải thưởng hằng năm dành cho những nhà bảo vệ nhân quyền. Các đề cử và khôi nguyên giải được một hội đồng tuyển chọn gồm 10 thành viên của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ hàng đầu thế giới. Giải thưởng nhằm bảo vệ và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền đang gặp nguy khốn.


Ban tổ chức giải Martin Ennals từ Geneva nhận định bà Phạm Đoan Trang là một nhà báo hàng đầu và là một quán quân về tự do biểu đạt tạo nguồn cảm hứng lên tiếng cho nhiều người khác.

Thành tích của bà Phạm Đoan Trang được nêu ra để vinh danh bà là nỗ lực bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam. Những nỗ lực này được ghi dấu qua khả năng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với thành tích nhân quyền đáng quan ngại của Chính phủ Hà Nội. Trên trang blog cá nhân của bà có những bản dịch Tiếng Anh các bài viết của chính bà. Bà cũng từng ra nước ngoài cùng với những bloggers và nhà hoạt động khác để kêu gọi chú ý đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Bà được nhận định là một trong những người bảo vệ nhân quyền bị truy bức có ảnh hưởng và đáng kính trọng nhất tại Việt Nam hiện nay. Bà còn được cho là một nguồn cảm hứng lớn và là nơi tư vấn cho xã hội dân sự và cho thế hệ kế tiếp những người bảo vệ nhân quyền.

Từ khi bị bắt vào tháng 10 năm 2020 cho đến tháng 10/2021 bà bị biệt giam. Đến ngày 14/12 năm ngoái bà bị đưa ra xét xử và chịu án tù chín năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”.

Giải Martin Ennals là phần thưởng quốc tế mới nhất dành cho bà Phạm Đoan Trang. Hồi năm 2017 bà được trao giải Homo Homini của tổ chức People In Need. Năm 2018, bà nhận được giải của Mạng Lưới Nhân quyền Việt Nam. Năm 2019, bà được giải hạng mục ‘Tầm Ảnh hưởng’ của tổ chức Phóng viên Không Biên giới.

TNLT Nguyễn Văn Oai mãn hạn tù: "Dù gì nhà tù lớn cũng đỡ hơn!"

TNLT Nguyễn Văn Oai mãn hạn tù: "Dù gì nhà tù lớn cũng đỡ hơn!"

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai tươi cười khi trở về với gia đình /FB Hồ Văn Thạch 

TNLT Nguyễn Văn Oai mãn hạn tù: "Dù gì nhà tù lớn cũng đỡ hơn!" 

Tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Văn Oai hôm 19/1/2022 trở về nhà ở tỉnh Nghệ An sau khi hết thời gian thi hành bản án tù thứ hai. 

Ông bị kết án năm năm tù giam hồi tháng 9 năm 2017 với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "không chấp hành án", sau các cuộc biểu tình lớn của người dân đòi đóng cửa công ty Formosa. 

Ông Oai cho chúng tôi biết cảm nhận khi mới đặt chân về đến nhà: 

“Thực ra mà nói thì vui và buồn lẫn lộn, vui vì được ra khỏi nhà tù nhỏ về nhà tù lớn, nhưng mà buồn thì đợt này về thấy anh em có vẻ như bệ rạc, thấy cô đơn lắm. Không biết là vì dịch hay là vì cái gì, nhưng mà nó cho mình cái cảm giác hơi buồn buồn. Còn vui thì ít nhất về nhà tù lớn nó cũng đỡ hơn là nhà tù nhỏ.”

Nói về bản án năm năm tù mà ông phải chịu, ông Oai cho biết:

“Thực sự mà nói lần tù này là lần tù bất công, thực sự quá bất công với tôi, đó là cái cảm giác tạo cho tôi thấy rất là bức bách. 

Từ hai cái án mà họ xử tôi đó là không chấp hành án và chống người thi hành công vụ, thì thực ra mà nói hai cái sự việc này khi ra toà tôi cũng đã nói, và kể cả luật sư của tôi cũng đã làm việc trước tòa. 

Thành ra tôi thấy họ áp đặt rất là nhiều, từ hồ sơ khống, từ chữ ký khống rồi tất cả những cái họ làm để vu cáo cho tôi phạm vào hai cái tội đó, làm cho tôi bức bách.”

Nói về nguyên do mình bị bắt, ông Oai cho biết phía công an khi đó cho rằng ông đóng vai trò trong việc kêu gọi người dân biểu tình chống Formosa, nên tiến hành bắt giữ để ngăn chặn các cuộc biểu tình tiếp theo. 

Nhà hoạt động người Công giáo này cũng cho biết trong thời gian tới sẽ ưu tiên ổn định lại cuộc sống, nhưng sau đó vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các kế hoạch cá nhân trong thời hạn quản chế bốn năm tới. 

Thông qua RFA, ông Nguyễn Văn Oai cũng muốn gửi lời cảm ơn đến với những tổ chức và cá nhân đã quan tâm đến trường hợp của ông trong những năm qua. Đồng thời kêu gọi tiếp tục chú ý tới những người tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị khác ở Việt Nam. 

Bà Trần Thị Liệu cũng bày tỏ cảm xúc của bà trong ngày con trai được trả tự do, bà nói:

“Con đi thì mẹ cũng buồn, mà vì một thân một mình ở nhà cũng lo âu nhưng mà cũng nghĩ rằng là thôi thì việc con hắn làm ra rứa cũng là vì mọi người, vì là việc chung mà con mình phải lao mình, phải chịu khổ như vậy thì mẹ khi thì thấy lo âu, khi thì cũng phó thác mọi sự cho Chúa thì cũng phải chịu cảnh như vậy. 

Thôi thì bây giờ đến ngày con nó về là cũng mừng rồi, gia đình cũng nghĩ rằng con nó làm cái điều đúng cả, chứ không làm điều gì sai.”

Bị bắt vào hồi tháng Giêng năm 2017, ông Nguyễn Văn Oai là một trong số hàng chục người bị bắt giam trong một đợt trấn áp trên diện rộng, sau làn sóng biểu tình chống nhà máy Formosa hồi năm 2016. 

Các cuộc biểu tình đòi đóng cửa nhà máy này kéo dài đến năm 2017 đỉnh điểm là các vụ bao vây trụ sở UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hay các cuộc tuần hành đông người của người dân Nghệ An đến Hà Tĩnh để nộp đơn kiện. 

Phía chính quyền phản ứng lại làn sóng biểu tình bằng hàng loạt vụ bắt giữ, trong đó có ông Nguyễn Văn Hoá, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người đã tham gia đưa tin trực tiếp từ hiện trường các cuộc biểu tình.

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai lần đầu bị kết án hồi năm 2011, khi ông phải chịu bản án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế cho tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" trong vụ 14 thanh niên Công giáo, Tin lành. 

VN phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng



VN phát hiện những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng

Hình minh hoạ: Tấm biển cổ động chống dịch COVID-19 ở TPHCM hôm 4/12/2021 /AFP 

Ba ca đầu tiên trong cộng đồng mắc COVID-19 biến thể omicron tại Việt Nam vừa được phát hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Mạng báo Sức khỏe & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế Việt Nam, loan tin dẫn xác nhận của Sở T tế TP HCM vào sáng ngày 19/1 thông tin vừa nêu. Theo đó, ba trường hợp bị lây nhiễm vi- rút COVID-19 biến thể omicron từ một người gốc Việt nhập cảnh từ Hoa Kỳ .Trong ba ca nhiễm này có một nam bác sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP HCM.

Mẫu bệnh phẩm của ba ca nhiễm biến thể omicron được Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an) xét nghiệm cho kết quả dương tính; sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM để giải trình tự gene.

Với ba trường hợp nhiễm biến thể omicron trong cộng đồng mới được xác nhận, tính đến sáng ngày 19/1, TPHCM có 33 ca nhiễm COVID-19 biến thể omicron.

Vào chiều ngày 19/1, Bộ Y tế Việt Nam thông báo từ đầu mùa dịch đến nay trên cả nước có hơn hai triệu ca nhiễm COVID-19; trong số này 36.114 ca đã tử vong.

Người Việt bị kết án 15 năm tù ở Bỉ vì cầm đầu đường dây đưa lậu người vào Anh

Người Việt bị kết án 15 năm tù ở Bỉ vì cầm đầu đường dây đưa lậu người vào Anh

Hình minh hoạ: Đám tang một nạn nhân người Hà Tĩnh hôm 28/11/2019. /AFP 

Một toà án tại Bỉ hôm 19/1 đã tuyên án tù 15 năm một người Việt với cáo buộc là kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển lậu người Việt sang Anh khiến 39 người thiệt mạng hồi tháng 10 năm 2019.

Theo hãng tin AFP, người bị kết án có tên Vo Van Hong, 45 tuổi. Người này được toà xác định là có tội khi cầm đầu đường dây đưa người qua eo biển Manche vào Anh trái phép liên quan đến vụ 39 thi thể người Việt được tìm thấy trên một xe container đông lạnh được phát hiện tại Anh hồi năm 2019.

Trong số 39 người này, ít nhất 15 người đã vào Anh thông qua đường dây buôn lậu người được đặt tại Bỉ. Đường dây này đã lập ra hai nhà an toàn ở Brussels để chứa người định vượt biên trái phép vào Anh.

Liên quan đến vụ án này, các toà án tại Anh, Pháp và Việt Nam đã xét xử nhiều nghi phạm, trong đó Pháp đã kết án 26 người.

Hoạt động truy quét tại Bỉ do cảnh sát thực hiện bắt đầu từ tháng 5/2020 đã phát hiện một loạt địa chỉ, phần lớn tại Bỉ và bắt giữ 23 kẻ tình nghi bao gồm Vo Van Hong, là những người có liên quan đến đường dây đưa lậu người này.

Các công tố viên xác định băng nhóm này được tổ chức rất chặt chẽ và chuyên đưa người bí mật vào Châu Âu rồi sang Ang với mức giá là 24 ngàn euro một người.

Phần lớn những nạn nhân trong vụ 39 người là người từ các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là những tỉnh nghèo ở Việt Nam. Gia đình các nạn nhân sau đó cho biết, họ ra đi vì nghèo và cần tìm việc làm kiếm tiền ở nước ngoài để giúp gia đình. Họ đã phải vay mượn tiền để đóng cho băng nhóm buôn người để được vào Anh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét