Hôm nay (ở Sydney, Úc) là ngày đầu năm 2022. Thường thì những năm trước đây vào ngày này tôi hay đi nghỉ hè (và làm việc) ở Việt Nam hay một nơi nào đó ở Á châu. Nhưng 2 năm nay do Covid nên chẳng đi đâu cả; chỉ ở nhà đọc sách. Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến các bạn 2 cuốn sách bình luận về thơ rất hay.
Cuốn thứ nhứt là "Thơ: Thi Pháp & Chân Dung" của nhà phê bình văn học lừng danh Đặng Tiến. Phải khó khăn lắm tôi mới có được cuốn này, mà thật ra là quà tặng của một bạn đọc ở Hà Nội. Do đó, nhân dịp này tôi xin cám ơn bạn đọc đó một lần nữa đã tặng cho một cuốn sách hay và quí báu
Đây là cuốn sách bàn sâu về thơ. Không biết có quá lố không, nhưng tôi muốn nhìn cuốn sách như là một loại "thơ học" hay khoa học về thơ. Khi nói đến khoa học, thì tôi nói đến định nghĩa, lí thuyết, thử nghiệm, phân tích, phân loại và phân nhóm. "Thơ: Thi Pháp & Chân Dung" là một cuốn sách như thế, một cuốn sách giúp chúng ta mở mắt thấy cái hay và cái đẹp trong thơ học.
Như tựa đề hàm ý, cuốn sách được chia thành 2 phần: thi pháp và chân dung các thi sĩ Việt Nam. Phần thi pháp, tác giả cung cấp cho chúng ta một tổng quan về lí thuyết thơ, và những công trình nghiên cứu thơ học của các nhà khoa học lớn như Roman Jacobson, Claude Lévi-Strauss. Phần chân dung, tác giả miêu ta chân dung và bình luận các tác phẩm của các thi sĩ như Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Xuân Diệu, Quang Dũng, Văn Cao, Lê Đạt, Tú Mỡ, Đinh Hùng, Hoàng Trúc Ly, và Bùi Giáng. Tôi rất thích chương viết về Đinh Hùng. Quá hay!
Thơ là gì?
Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả đặt câu hỏi đơn giản: thơ là gì? Câu hỏi đơn giản nhưng trả lời rành mạch thì phải cần đến định nghĩa. Định nghĩa về thơ đã được một chuyên gia về ngôn ngữ học Roman Jacobson đưa ra, và Giáo sư Nguyễn Văn Trung (một trí thức gian nan ở miền Nam trước 1975 mà tôi từng có bài giới thiệu) diễn giải lại bằng tiếng Việt. Diễn giải lại định nghĩa về thơ của Jacobson, tác giả tóm tắt:
"thơ là ngôn ngữ truyền đạt một tình, một ý [...] nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi mà nằm ở vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng".
Để hiểu định nghĩa trên, chúng ta cần phải phân biệt giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ như sau. Ngôn ngữ đời thường hay cũng có thể xem là 'ngôn ngữ thực dụng' là một hệ thống kí hiệu được sử dụng làm phương tiện truyền đạt thông tin. Mỗi từ ngữ là công cụ để chỉ một đối tượng (ví dụ: con mèo, con chó). Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin đó để biểu hiện giá trị thẩm mĩ tự tại thì đó chính là thơ.
Tác giả minh hoạ sự phân biệt trên bằng một ví dụ dễ hiểu. Chẳng hạn như để xin cái hộp quẹt, người ta có thể nói "Anh cho xin cái hộp quẹt", và câu nói đó chỉ là một phương tiện để có cái hộp quẹt. Nhưng cũng là lời xin cái hộp quẹt, người ta có thể nói:
"Cho tôi xin chút lửa
Lửa tắt
Cho tôi xin nước mắt
Nước mắt chua"
Ở đây người nói mượn cái ý xin cái hộp quẹt để sáng tác ra một câu đồng dao đẹp.
Nhìn như thế, chúng ta thấy thi sĩ là người lao động với từ ngữ, chứ không phải là tư tưởng.
Thơ và đọc thơ
Trong cuốn "Thơ con cóc và những vấn đề khác", tác Nguyễn Hưng Quốc (NHQ) cũng điểm qua những công trình của Jacobson, và trả lời câu hỏi 'thơ là gì' một cách chi tiết. Theo đó, về bản chất, ngôn ngữ thơ không khác ngôn ngữ thực dụng, nhưng về chức năng thì ngôn ngữ thơ rất khác với ngôn ngữ thực dụng.
Ngôn ngữ thực dụng có chức năng qui chiếu, biểu cảm, khuyến lệnh. Theo Jacobson ngôn ngữ thực dụng có 6 yếu tố như sau: (1) người phát ngôn hay addresser; (2) người thụ ngôn hay 'addressee'; (3) một ngữ điệp hay 'message'; (4) một cái mã hay 'code'; (5) một sự giao tiếp hay 'contact'; và (6) ngữ cảnh hay 'context'. Chẳng hạn như câu "Anh cho xin cái hộp quẹt" bao hàm các yếu tố đó của ngôn ngữ thực dụng.
Còn ngôn ngữ thơ có chức năng thẩm mĩ và biểu tượng. Ngôn ngữ thơ được sắp xếp theo vần, nhịp, cách ngắt câu, ngắt đoạn đến cách trình bày trên trang giấy (hay màn hình) làm cho nó có khả năng xúc cảm (palpability). Trong thơ, những yếu tố của thông điệp không quan trọng bằng ngôn ngữ tạo nên cái thông điệp. Chẳng hạn như câu “Hôm qua, em đi tỉnh về”, thì cái nghĩa của ‘hôm qua’ và ‘em’ không quan trọng. Chẳng ai đọc thơ mà hỏi ‘em’ là ai, và ‘hôm qua’ là hôm nào, vì đó chỉ là những ý niệm mơ hồ, tượng trưng. Tương tự, đọc câu ‘Bước tới đèo Ngang bống xế tà’ hay ‘Sao anh không về thăm thôn Vỹ’, chúng ta cảm thấy nao nao dù chưa một lần đặt chân đến Đèo Ngang hay thôn Vỹ Dạ.
Từ đặc tính về ngôn ngữ thơ đó, tác giả bàn về 3 qui ước đọc thơ. Qui ước thứ nhứt, bài thơ là một tiếng nói phi ngã, không gắn liền với một bối cảnh phát ngôn. Khi Nguyễn Bính viết ‘Hôm qua em đi tỉnh về’, thì chữ ‘em’ không đề cập đến một cô gái nào, và chữ ‘hôm qua’ cũng chẳng có nghĩa gì cả, nó rỗng ruột về nghĩa.
Qui ước thứ hai, bài thơ hiện hữu như là một thực thể độc lập, thống nhứt và mạch lạc. Điều này cũng có nghĩa là tác giả mất quyền kiểm soát bài thơ hay ý nghĩa của bài thơ mà họ sáng tác ra. Ý nghĩa và tầm vóc của một bài thơ bao giờ cũng có khuynh hướng vượt ra khỏi sự áp đặt của tác giả.
Qui ước thư ba, bài thơ là một văn bản có ý nghĩa, ngay cả khi ngôn ngữ bài thơ có vẻ tầm thường và vô nghĩa. Đọc qui ước này làm tôi nhớ đến bài thơ "Sương rơi" của Nguyễn Vỹ được trình bày rất lạ nhưng chữ thì không có gì quá đặc sắc:
Sương
rơi
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu …
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hắt hiu
Thấm vào
Em ơi,
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương!
Đọc thơ, theo tác giả NHQ, là một cuộc du hành vào thế giới của ngôn ngữ thơ. Đó là một thế giới ảo, biệt lập với đời thường của chúng ta. Đọc ‘Đây thôn Vỹ Dạ’ là du hành vào cái thôn “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” và nó vĩnh viễn tồn tại như thế (mặc dù ngoài đời cái thôn Vỹ Dạ đó đã bầm dập lắm rồi). Đọc Chinh Phụ Ngâm là du hành vào thế giới nội tâm đầy khắc khoải của một người vợ chờ chồng ở một miền xa xôi.
Người Việt chúng ta rất tự hào là một dân tộc yêu thơ. Yêu đến nổi mỗi chúng ta đều nhớ vài bài thơ, thậm chí còn có khả năng sáng tác thơ. Đa số chúng ta chỉ dừng lại ở cảm nhận thơ, ít ai có khả năng phân tích một bài thơ theo lăng kính khoa học. Lí do là vì người Việt chưa có khả năng nâng thơ lên tầm khoa học. Nhưng đọc hai cuốn sách này ("Thơ: Thi Pháp & Chân Dung" của Đặng Tiến và "Thơ con cóc và những vấn đề khác" của Nguyễn Hưng Quốc) giúp chúng ta dùng khoa học để phân tích thế nào là một bài thơ hay và thế nào là một bài thơ dở.
Đây không phải là một bài điểm sách (sẽ dành cho dịp sau) mà chỉ muốn nhân dịp đầu năm khai bút, bàn về câu hỏi 'thơ là gì' và gợi cái ý khoa học về thơ để chúng ta cùng suy nghĩ. Theo tôi thấy, nếu chúng ta hiểu hơn về lí thuyết thơ, chúng ta có thể dùng phương pháp định lượng để khoa học hoá thơ Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét