Văn
hóa và kí ức không tách rời nhau. Có người nói văn hóa là những gì còn
lại sau khi đã quên hết. Cái còn lại ấy chính là kí ức văn hóa.
Kí
ức không phải là kho lưu trữ, cũng không phải quá trình tâm lí cá nhân.
Kí ức không phải là thuộc tính cá nhân, mà là thuộc tính xã hội, được
cấu thành bằng cơ chế xã hội. Kí ức cá nhân chỉ tồn tại trong cá thể. Cá
thể mất đi mang theo kí ức của họ. Kí ức lưu thông trong nhóm người,
nhóm người ấy cũng chỉ lưu hành trong trong vòng ba đời. Người cháu biết
dến đời ông, sang đời ông cố chỉ còn mang máng, đến đời ông kị thì mù
mịt.
Kí
ức văn hóa là thuộc tính xã hội, nó tồn tại trong ngôn ngữ, tục ngữ,
thành ngữ, lễ tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi thức, lễ hội
truyền từ đời này sang đời khác. Đó là kí ức xã hội siêu cá nhân được kể
qua các truyền thuyết, cổ tích, sử thi, được ghi chép qua các bộ lịch
sử và dã sử, các ghi chép cá nhân, các sáng tác văn học viết như văn,
thơ, hịch, cáo chiếu biểu. Củng cố cho kí ức xã hội ấy là các đình chùa,
miếu mạo, cảnh quan, bảo tàng, thư viện, sách vở, tên làng, tên phố,
tên sông, các dụng cụ canh tác, dệt vải, các kiểu nồi niêu, thúng mủng,
giần sàng, cối xay, cối giã… Trong xã hội, mỗi giai tầng có một vị trí
trong việc lưu giữ kí ức văn hóa dân tộc. Tầng lớp vua quan, tầng lớp
tri thức, sĩ phu, các ông đồ, người dân cày cuốc, tầng lớp dân buôn bán,
mỗi tầng lớp người lưu giữ các mảng kí ức văn hóa xã hội.
Thời
trung đại là thời kì hình thành và hệ thống hóa toàn bộ kí ức văn hóa
dân tộc, trước hết là văn hoá dân gian, sau là các lễ thức nhà nước, các
lễ hội. Công nghiệp hóa và đô thị hóa là tác động lớn nhất làm thay đổi
các kí ức văn hóa. Tiếp đến các cuộc cách mạng xã hội là tác động làm
tan vỡ các kí ức văn hóa.
Khi
xã hội thuộc địa xâm nhập vào đời sống đô thị Việt Nam các hiện tượng
văn hóa như ông đồ, thú chơi chữ, phong tục xin chữ ngày tết mất dần.
Bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên là tiếng kêu tha thiết về sự đánh mất kí
ức văn hóa.
Nhưng
cách mạng văn hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và lan ra cả nước sau năm
1975 là cuộc hủy hoại kí ức văn hóa dân tộc triệt để nhất, tàn bạo
nhất. Cải cách ruộng đất đã hủy hoại các địa chỉ lưu trữ văn hóa lâu đời
nhất, cuộc phá bỏ các chùa chiền, đình làng, nhà thờ họ, miếu mạo dưới
danh nghĩa chống mê tín dị đoan, phá các đình làng, biến đình làng thành
nơi hội họp của xã viên, thành kho lúa, thành lớp học đã đánh mất ý
nghĩa của các công trình ấy, xóa mờ ý nghĩa tâm linh của chúng trong tâm
trí quần chúng, nhất là lớp hậu sinh. Cùng với đó là việc viết lại lịch
sử, đặt lại tên phố tên làng, xây dựng các làng theo các tiêu chí văn
hóa bốn tốt, năm tốt hoàn toàn tiên tiến càng ngày càng hướng ý thức của
con người đi xa khỏi kí ức văn hóa truyền thống. Các lễ hội được tổ
chức lại mang tính chất biểu diễn, phô trương, phục vụ du lịch. Vẫn bài
hát đó song tầm hồn đã khác, sự tâm thành đã khác, niềm tin phai nhạt
dần. Các chùa to lấn át các chùa bé, các chùa mới ngói mới, tượng mới
tuy mô phỏng tượng cũ, nhưng cái hồn đã khác xưa.
Vì
sao các việc trùng tu, tôn tạo các di sản đều biến thành việc xây mới
rất phô trương, kệch cỡm, phổ biến trong cả nước? Đó là vì những người
làm các việc ấy tự họ đã đánh mất kí ức văn hóa, hay nói cách khác, họ
không còn kí ức văn hóa, mà chỉ có ý muốn làm cho to đẹp hoành tráng,
lấy việc to nhất mới nhất làm vinh hạnh. Khi cả một thế hệ đã đánh mất
kí ức văn hóa thì các hiện tượng như làm mới chùa Trăm Gian sẽ liên tục
xảy ra, không thể gì ngăn cản được.
Các
Di sản văn hoá thế giới được vinh danh, quả là có giá trị và đáng được
giữ gìn, phát huy Nghệ Tĩnh, hát xoan, đờn ca tài tử, quan họ Bắc Ninh,
hô bài chòi. Bởi vì chúng ta không thể diễn mãi được. Phải là cái gì đi
vào sinh hoạt thường xuyên của dân gian thì mới bền.
Các
lễ hội có tính quốc gia như Giỗ Tổ Hùng Vương, các nghi thức Tịch điền,
các biểu diễn nhạc cung đình Huế, tái hiện lễ Tế Giao, tuy có tác dụng
làm sống lại ít hình ảnh cổ xưa đáng nhớ, có tính chất tâm linh, nhưng
cũng thiên về hình thức. Ngay cả tục lên đồng, hầu đồng cũng biểu diễn
cho khách tham quan xem chơi cũng mất đi ý nghĩa tâm linh. Nhiều hội đã
mất nay cũng tìm cách khôi phục như tục chém lợn, tục đâm trâu, thiên về
tính vui chơi.
Bên
cạnh đó là du nhập những sinh hoạt văn hoá mới từ các nước: các cuộc
Festival Huế, Hội Cacnaval thành phố Hạ Long, chủ yếu là thu hút du
lịch. Các lễ Giáng sinh, lễ Valentine, ngày nói dối, các đám cưới vàng,
đám cưới bạc, các lễ sinh nhật cho trẻ em và người lớn, bên cạnh các lễ
lên lão, khao lão, mừng đại thọ, thượng thọ…
Về
ăn uống, các món ăn truyền thống hình như ngày càng khác xưa. Sau 1975
tôi về Huế ăn bánh nậm, bánh bèo còn thấy hương vị riêng. Nhưng sau này
về ăn lại thì không thấy mùi vị gì nữa. Bên cạnh các món ăn truyền thống
đang mất dần hương vị, các ẩm thực Tây, Tàu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái
Lan… xâm nhập ngày càng sâu. Các cửa hàng ăn ngoại quốc ngày càng nhiều.
Chưa bao giờ văn hoá Việt Nam nhiều màu sắc sặc sỡ, tam khoanh tứ đốm,
pha tạp và vụn nát như hôm nay.
Có
lẽ đó là bộ mặt văn hoá của thời hội nhập. Khẩu hiệu giữ gìn, phát huy,
đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc chỉ là khẩu hiệu suông thôi. Bản sắc văn
hoá đang loãng nhạt, mất dần, pha trộn, lai ghép. Đó là hiện tượng cần
được nghiên cứu sâu sắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét