Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

Tưởng Nhớ Trần Văn Bá

 


14/05/1945 - 08/01/1985

Bài Thơ Xuôi Cho Trần Văn Bá

Ls. Dương Như Nguyện, những ngày đầu năm 2007


Tôi chưa biết anh mà đã gọi tên anh ...

Trần Văn Bá

 Tôi chưa hề biết anh

Mà đã hình dung ra đứa bé trai chạy chơi ở Cù Lao Cát

Ðứa bé thích hội họa, thích máy bay, ở tuổi thơ ngây chắc đã mơ làm nên vũ trụ, như họa sĩ, như nhà phát minh cơ khí.

 

Ngày mẹ đặt vào nôi, đặt luôn tên anh là chính đạo.

Mộng bá vương là mộng giúp đời, như tùng bách trong rừng sâu,

Cô độc mà nghênh ngang,

cao vời mà nhân đạo,

cương quyết trong ân cần.

 

Anh đó,

Nuôi dưỡng bằng đất bồi Cửu Long

Tim đỏ thắm như bã trầu của mẹ quê, sinh con trai lớn lên làm cách mạng, ôi cách mạng Thế Giới Thứ Ba nổi trôi hơn thân phận con người.

 

Thóc thơm,

Gạo trắng,

Gió hiền

Miền Nam phì nhiêu nắng ấm

Mang vào đời anh chân thiện mỹ giữa hai làn tư tưởng Ðông Tây,

tư tưởng mở tung xích xiềng nhược tiểu, cởi trói lý thuyết vô bằng.

Anh không chỉ nói, mà làm.

Anh chỉ làm, mà không cần nói.

 

Ðứa bé trai lớn lên ở vựa lúa Phương Ðông, rồi đứng ở Phương Tây, 

Ðọc sách mà trông về Phương Ðông, ửng một khối trùng trùng khí phách.

Khí như khí hiên ngang của loài cây không biết ngã,

Phách như phách linh thiêng của rừng già không dấu chân người qua.

 

Tôi chưa hề biết anh

Mà đã hình dung ra một thiếu niên có đường môi cong, mặc áo len trong trời thu Ðà Lạt.

Tôi hình dung ra

phố thị cao nguyên khi tấp nập, khi đìu hiu mà anh đã một lần đi qua, với đôi chân đùa nghịch của tuổi trẻ.

Trời Ðà Lạt thấp sương mù, mang cái lạnh của Hoàng Triều Cương Thổ,  anh đã mang mùa thu Ðà Lạt vào đôi mắt hiền lương,

Ðôi mắt của niềm tin chính đạo, của loài cây cao vương bá trong rừng già.

 

Khi sách vở bạn bè Yersin chưa nhận ra chân dung người đi tìm công lý trong cuộc đời,

thì trường lớp cao nguyên vẫn là hàng rào không hoa trái, cản chân anh trong khuôn khổ bình an.

Nhưng rồi, 

Bình an không còn nữa,

Khuôn khổ phải xóa đi,

Một lần

trong hoa lệ Sài Thành, trên vũng máu của chính trị vô nhân,

giây phút cha anh nằm xuống

là ngày vương đạo lên ngôi.

 

Vương đạo trong lòng bàn tay anh,

Chỉ tay ngoằn ngoèo của những người luôn mơ tạo dựng lại vũ trụ,

Chỉ tay phức tạp mà an bài như định mệnh, cho cuộc đời đã trót đi theo đường đã vạch rồi.

 

Ðường đã vạch rồi …

 

Tôi chưa hề biết anh

Mà đã hình dung ra người thanh niên mặc áo sô trắng, chít khăn tang,

khóc cha trong lòng dân tộc.

Ôi trong lòng dân tộc …

Anh có hay chăng … một ngày

Cũng trong lòng dân tộc, anh bắt đầu cuộc hành trình,

 

Ðể rồi,

bên ngoài dân tộc,

Có tiếng khóc anh

Ở hành lang đại học.

 

Ôi hành lang đại học,

Là nơi giấc mộng của loài cây cao trong rừng già đã bắt đầu ươm trái

cho anh và cho tôi.

 

Khi Phương Tây rộng mở, đón anh vào,

vành môi cong thiếu niên đã đượm nét ưu tư,

Tim óc anh đã nhập vào dòng lịch sử.

 

Lich sử oái ăm khi lá cờ đổ xuống, anh đã hăm hở dựng lên.

 

Lich sử thử thách vương đạo trong lòng bàn tay anh,

Lich sử réo gọi trái tim nuôi dưỡng bằng gạo trắng Cửu Long,

chảy vào Ðông Hải.

 

Anh đã làm theo đường đã vạch rồi, trong khi bao người còn đứng nói.

Bao người nói cũng không thành một bước anh đi, một việc anh làm, theo đường đã vạch rồi.

 

Ôi đường đã vạch rồi ...

 

Như Cửu Long đổ vào Ðông Hải,

Ðịnh mệnh biến anh thành dòng huyết nhục cội nguồn tan biến vào ngàn khơi.

 

Tôi chưa hề biết anh

Mà đã hình dung ra những con đường mang dấu chân anh.

Từ bầu trời rực nắng của tháng sáu Paris mùa oi ả, khi âm nhạc đổ dồn vào phố xá tưng bừng.

Ai đó còn nghe tiếng kèn đồng của người nhạc sĩ vỉa hè …

Qua đến tháng mười hai, mưa tuyết Paris phủ trắng dòng sông Seine

Ðâu đây vang vọng tiếng Hồ Cầm trong giai điệu cuối cùng

Còn văng vẳng tấu khúc không trọn vẹn của Schubert

trước khi đêm xuống

làm đứt ngang giấc mộng.

 

Những nơi chốn anh đã nằm, ngồi, cười, nói, đã suy tư, đã uất nghẹn, từ Ðà Lạt đến Paris.

 

Từ Paris quay lại những nẻo đường đất nước.

Anh đã trở về.

 

Ôi lục tỉnh lầm than, nơi bùn lầy nước đọng, con rồng Lạc Long của Biển Ðông đã  u sầu câm nín

vì xác người làm bạt sóng kêu than.

 

Này đây biên giới

Này đây rừng nước với cù lao

Này đây những con người vất vưởng trong trại tù, trong nghèo đói

trong chính sách tiêu diệt hết một thế hệ phải buông súng, chịu cúi đầu.

 

Anh đã thấy, đã nhìn, và đã biết,

Ðã chua xót, đã đau lòng,

Ðã bất nhẫn, đã buồn hiu.

Ngày một ngày hai,

Anh đội đá vá trời,

Dầm mưa, dãi nắng,

Giã từ nhung lụa,

Chối bỏ vinh thân.

 

Tất cả

 

Ðưa bàn chân anh tới,

Lót đường cho anh đi,

Ðẩy anh về với cha,

Cho anh xa rời mẹ.

 

Ôi đường vào dân tộc là túi mật của kẻ tử tù.

 

Ôi Cửu Long, Cù Lao Cát, Đà Lạt, Sàigon, Paris, và Biên Giới.

 

Tuồng diễn trâng tráo nhà hát lớn, vách tường vô nhân cay nghiệt nhà lao, và tiếng súng nổ sau cùng …

 

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã nghe nhân loại kể chuyện những con người không chịu chết

chỉ biết khuất phục trước hai sức mạnh : Tình Yêu và Tổ Quốc.

 

Trong anh,

Tình Yêu chưa một lần đến,

Mà Tổ Quốc đã một lần đưa.

 

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã khóc ngày anh nằm xuống.

 

Anh nằm xuống như cha già đã nằm xuống,

Anh nằm xuống cho mẹ già đứng bên cạnh biểu ngữ trước nhân loại, khi nước mắt xót thân con phải chảy ngược vào lòng. 

 

Trên con đường Thiên Lý và Thiên Cổ

Bên vong linh những Thiên Tài không chịu chết ...

Anh đã đi vào Thiên Thu.

 

Tôi chưa hề biết anh 

Ðứng chơ vơ bên này bờ đại dương,

 

tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những thiếu nữ có ánh mắt làn môi Gina Lollobrigida ngoài lòng đất nước,  

 

con tim vẫn óng ánh đường gươm của rừng già Mê Linh, nơi mà tùng bách ngàn đời còn đứng vững,  

đôi chân son còn mang gu

ốc mộc của nàng Thanh Hóa, muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, trên con đường anh đã đi qua,

 

Trong âm thầm,  

Tôi sẽ gọi tên anh cho tất cả những nam nhân ở ngưỡng cửa học đường, mặc áo len, mang giấc mộng kinh bang tế thế,

 

Trên viền môi cong nghịch ngợm, nói tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng vẫn đánh vần chữ VIỆT,

 

Ðôi mắt hiền lương đọc Camus, Steinbeck, nhưng trên diện mạo vẫn còn phảng phất vầng trán vuông và chiếc cằm vuông Nguyễn Thái Học …

 

Ngày xưa, đã có người viết sử cho 13 người trai trẻ lên đoạn đầu đài ...

 

Nay mai, ai sẽ là người viết lịch sử do anh làm ra,

Nhánh thông non,

Cây cao của rừng già,

TRẦN VĂN BÁ

TRẦN VĂN BÁ

 

Vì thế

 

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng sẽ gọi tên anh

Những sáng tuyết trắng trời Tây

Những trưa nắng khét sa mạc bên này biển

Khi người nhac sĩ blue jazz đã buông kèn đồng trong hầm rượu tối

Khi tiếng réo rắt cuối, cùng Hồ Cầm đã ngừng giai điệu.

 

Tôi sẽ gọi tên anh,

Trong trầm tư mộng mị,

Trong thương nhớ u hoài,

Trong ánh nến lung linh tôi thắp trong lòng, ngọn nến không bao giờ tắt, cho riêng anh.

 

Tôi chưa hề biết anh

Nhưng đã gọi tên anh

TRẦN VĂN BÁ

TRẦN VĂN BÁ

TRẦN VĂN BÁ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét