Chính quyền kêu gọi ông Nguyễn Văn Tráng ra đầu thú khi đang tị nạn chính trị ở Thái Lan
Ông Nguyễn Văn Tráng và thư kêu gọi ra đầu thú /FBNV/ RFA edited
Một nhà hoạt động dân chủ người Việt Nam bị chính quyền truy lùng và kêu gọi ra đầu thú mặc dù ông này đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Tráng là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự đấu tranh bảo vệ quyền con người cho người dân Việt Nam nhưng không được chính phủ công nhận.
Hôm 25 tháng 1 ông này thông báo trên Facebook cá nhân, cho hay ông bị chính quyền tỉnh Thanh Hóa kêu gọi ra đầu thú để được hưởng khoan hồng sau ba năm bị phát lệnh truy nã.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Tráng cho biết thêm thông tin về sự việc:
“Ngày hôm qua, tức là ngày 24 tháng 1 năm 2022, thì lực lượng an ninh huyện cùng với chính quyền địa phương, họ có đến nhà và đưa giấy kêu gọi đầu thú.
Trước đó khoảng một tuần thì trên Fanpage Facebook của công an huyện Hậu Lộc, thì họ có đưa cái quyết định truy nã và yêu cầu người dân khi nào bắt gặp thì có thể bắt tôi, và giao cho cái cơ quan cảnh sát nơi gần nhất hoặc là chính quyền địa phương nơi gần nhất.”
Thư kêu gọi đầu thú của liên ngành công an, MTTQ, viện kiểm sát và tòa án Thanh Hóa
Ông Nguyễn Văn Tráng bị phát lệnh truy nã hồi tháng 12 năm 2018 với cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trong Thư kêu gọi người có quyết định truy nã ra đầu thú của liên ngành Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thì "đây là cơ hội tốt nhất cho những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, tránh được những ngày tháng lẩn trốn xa vợ, xa con, xa người thân để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình".
Thư kêu gọi đề ngày 3 tháng 1 năm 2022 được đánh máy sẵn nội dung cảnh báo cho rằng, "nếu tiếp tục lẩn trốn, phạm tội mới, khi bị bắt sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Nói về lý do chính quyền địa phương vẫn truy lùng mình mặc dù bản thân đã đi tị nạn, nhà hoạt động dân chủ này cho biết:
“Tôi cũng thắc mắc là tại sao tôi đã đi tị nạn rồi và bản thân lực lượng cảnh sát và an ninh cũng biết là tôi đi tị nạn, nhưng cái mức độ bố ráp và khủng bố gia đình tôi, và cái mức độ kêu gọi đầu thú nó lại diễn ra dưới quy mô lớn và quyết liệt như vậy.
Tôi không thể nói thay suy nghĩ của họ được, tuy nhiên tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là cái truyền thống bố ráp tôi khi còn ở Việt Nam, nó có thể là đặc trưng của địa phương mà cụ thể ở đây là chính quyền tỉnh Thanh Hoá.
Nguyên nhân thứ hai là theo tôi biết vào năm 2019, lực lương an ninh phát hiện và bắt giữ một người trong đó có những cái thông tin, bằng chứng cho thấy rằng tôi đang nỗ lực quay trở lại Việt Nam.
Và cái nguyên nhân thứ ba tôi cho rằng mặc dù tôi đã ở bên Thái Lan và cách xa Việt Nam, nhưng mà những nỗ lực đấu tranh cho Việt Nam vẫn còn trong khả năng của chính bản thân tôi. Thành ra đối với lực lượng an ninh, cái mối đe dọa do những hoạt động của tôi gây ra vẫn còn tồn tại.”
Ông Nguyễn Văn Tráng (bên phải) trong cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016
Ngoài truy nã, ông Tráng cho biết chính quyền địa phương còn tổ chức đấu tố ông thông qua các cuộc họp và các buổi phát thanh, với mục đích mà ông này cho là khiến người dân địa phương sợ hãi và xa lánh gia đình ông.
Theo nhà hoạt động này thì mục tiêu của chính quyền là ngăn cản không cho ông quay trở lại quê hương, ông Tráng cũng đồng thời bày tỏ lo lắng về sự an nguy của bản thân khi ở Thái Lan.
Rời Việt Nam vào tháng 5 năm 2018, đúng thời điểm nhà cầm quyền đang tổ chức chiến dịch bắt giam và kết án nhiều người thuộc Hội Anh em Dân chủ, ông Nguyễn Văn Tráng xin tị nạn chính trị và sinh sống ở xứ Chùa Vàng kể từ đó.
Khoảng chín thành viên của hội này đã bị bắt và kết án từ 7 tới 15 năm tù, tất cả đều bị cáo buộc dưới tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Làn sóng bắt bắt bớ ở quốc gia độc đảng này vào năm 2018 dẫn đến việc hàng chục nhà hoạt động phải chạy qua Thái Lan xin tị nạn chính trị để tránh bị đàn áp, trong đó có ông Nguyễn Văn Tráng.
Tháng 1 năm 2019, một blogger của RFA là ông Trương Duy Nhất bị mất tích chỉ một ngày sau khi nộp hồ sơ xin tị nạn ở thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền tố cáo chính quyền Hà Nội đã bắt cóc ông này.
Blogger nổi tiếng này sau đó xuất hiện trong nhà tù ở Việt Nam, và bị đưa ra toà vào ngày 9 tháng 3 năm 2020, và bị xử 10 năm tù với cáo buộc “lợi dụng chức vụ và quyền hạn”.
Công ty Mỹ kiện công ty Việt Nam vi phạm bản quyền trò chơi trên điện thoại
Trò chơi trên điện thoại League of Legends của Riot /AFP
Công ty Riot Games Inc của Mỹ hôm 20/1 vừa qua đã nộp đơn kiện lên toà liên bang ở Los Angeles, kiện công ty Imba Technology Co. Ltd của Việt Nam vì đã vi phạm bản quyền trò chơi nổi tiếng của hãng là League of Leagends. Reuters loan tin này hôm 24/1.
Riot Games cáo buộc Imba Network đã ăn cắp ý tưởng trò chơi để phát triển trò chơi của mình có tên gọi là I Am Hero: AFK Tactical Teamfight, tạm dịch là Đấu trường AFK.
Riot đòi bồi thường 150.000 đô la tiền vi phạm bản quyền đồng thời yêu cầu toà ở California giới hạn Imba Network bán trò chơi này.
Theo Reuters, Riot đã gừi thư yêu cầu Imba Network ngừng việc bán trò chơi ngay lập tức từ tháng 12 năm ngoái nhưng Imba từ chối và nói rằng mình không vi phạm.
Reuters trích phát biểu qua email của người phát ngôn của Imba là Anh Le hôm 22/1 cho biết tất cả mọi chi tiết bao gồm kiểu dáng nghệ thuật của trò chơi I Am Hero khác với League of Legends và Riot đã lờ đi những thay đổi mà Imba đã thực hiện đối với trò chơi của mình đáp ứng với những cáo buộc.
Giáo sư Ngô Bảo Châu bác thông tin gia nhập viện Toán của Trung Quốc
Giáo sư Ngô Bảo Châu hiện là giáo sư ở Đại học Chicago, Mỹ /AFP
Giáo sư toán học đoạt giải Fields năm 2010 Ngô Bảo Châu lên tiếng cho rằng mình lấy tên tiếng Trung là Wu Baozhu và làm việc cho viện toán của Trung Quốc là “tin vịt”.
Ngoài ra, trả lời trên Vietnamnet hôm 24/1, Giáo sư Ngô Bảo Châu còn nhấn mạnh rõ ràng thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền về việc ông trở thành thành viên của viện toán thuộc Học viện Cáp Nhĩ Tân-Trung Quốc hay có chức danh giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu là giáo viên chủ nhiệm, thuộc biên chế chính thức của Viện toán Trung Quốc là không chính xác.
“Tôi không có trong biên chế ở trường đại học nào ở Trung Quốc. Nói chung, tôi không có ý định đi làm việc lâu dài ở bất kỳ chỗ nào ở Trung Quốc mà chỉ đi thỉnh giảng, hợp tác khoa học”, Vietnamnet trích dẫn lời của GS Ngô Bảo Châu.
Vị giáo sư này còn cho biết hiện nay biên chế của ông là giáo sư ở Đại học Chicago, Mỹ và trách nhiệm ở Việt Nam là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.
Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu cũng cho biết thêm, trong năm năm từ 2020 đến 2025, ông sẽ thỉnh giảng ở College de France (Pháp) và việc đi thỉnh giảng các nơi khác sẽ không có định kỳ, chỉ là các chuyến đi ngắn.
Riêng về việc tại sao có lời đồn thổi không đúng về ông như trên, vị giáo sư này giải thích có lẽ do cách đây mấy năm ông có đi Cáp Nhĩ Tân vài lần để thỉnh giảng và tham gia hội đồng đánh giá hoạt động của viện nghiên cứu tại đó. Sau chuyến đi, ông có nhận lời mời của hiệu trưởng sẽ quay lại hợp tác nghiên cứu chứ không phải làm việc lâu dài hoặc đã lấy tên tiếng Trung.
“Có lẽ nhà trường đã đưa tin về buổi gặp của tôi với ông hiệu trưởng kia bằng tiếng Trung Quốc. Người Trung Quốc thường sẽ phiên âm tên người Việt Nam qua chữ của họ. Sau đó có thể do dịch qua Google thành như thế. Quay lại thì thành “tin vịt” trên mạng xã hội Việt Nam”. GS Châu chia sẻ.
Về chuyện sẽ tương tác lại với mạng xã hội hay không, giáo sư Châu cho biết trên tờ Tuổi Trẻ rằng ông vẫn chưa tham gia trở lại sau khi gửi lời chào với cộng đồng mạng Facebook từ vài tháng trước. Lý do ông đưa ra vì lúc này ông “không thấy có gì vui mà chỉ thấy nhức đầu”.
Cũng theo Tuổi Trẻ online, vào năm 2019, nhiều hình ảnh và bài báo tại Trung Quốc cho thấy giáo sư Ngô Bảo Châu được chào đón đến giảng dạy tại Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân (HIT) ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc
Trang web của Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân từng đăng thông tin rằng “Vào ngày 25-8-2019, giáo sư Ngô Bảo Châu, người đoạt giải Fields, được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng trường chúng tôi. Hiệu trưởng Chu Ngọc đã trao thư bổ nhiệm cho giáo sư Ngô Bảo Châu. Phó bí thư đảng ủy, phó hiệu trưởng nhà trường, ông An Thực đã chủ trì buổi lễ bổ nhiệm".
Ngoài ra, trang web Viện Nghiên cứu toán học của Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân còn hiển thị danh sách đội ngũ nhân viên, gồm giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều người khác. Trong đó hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu và thông tin về ông cũng hiển thị với dòng chữ (Long term visiting Professor- tạm dịch là Giáo sư thỉnh giảng dài hạn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét