Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Katsuji Nakazawa * - Tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt ở Trung Quốc năm 1972, và giờ cũng vậy

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s power struggles were ferocious in 1972 and remain so today,” Nikkei Asia, 06/10/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/10/24.-Chinas-power-struggles-were-ferocious-in-1972-and-remain-so-today.jpg

Bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản là một công việc rủi ro đối với tất cả những người liên quan.

Nỗ lực bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Nhật Bản nửa thế kỷ trước là một động thái cực kỳ rủi ro đối với tất cả những người tham gia, và đối với một vài trong số này, không chỉ sự nghiệp chính trị mà cả mạng sống của họ cũng bị đe dọa.

Tháng 09/1972, Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka bay tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau nhiều vòng đàm phán, Tanaka và Chu đã ký một tuyên bố chung vào ngày 29/09, chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương.


Năm thập niên trôi qua, Akitane Kiuchi, 95 tuổi, thư ký của Tanaka, người đã cùng ông đến Trung Quốc, kể lại những cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời điểm đó.

“Sau khi đàm phán kết thúc thành công, Tanaka muốn trở về Nhật Bản càng sớm càng tốt. Nhưng vì lý do nào đó, Thủ tướng Chu đã yêu cầu chúng tôi: ‘Hãy ghé lại Thượng Hải. Việc ông đến đó rất quan trọng.’ Vì vậy, chúng tôi quyết định đến Thượng Hải trước khi trở lại Nhật Bản,” Kiuchi nói trong một buổi lễ ở Tokyo vào ngày 29/09, nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

“Mãi sau này, chúng tôi mới biết Thượng Hải nằm dưới sự kiểm soát của Tứ nhân bang (Bè lũ bốn tên), những người như Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên,” Kiuchi nói. Tứ nhân bang đã dẫn đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, kéo dài từ năm 1966 đến năm 1976, và bao gồm cả vợ của Mao, Giang Thanh.

Kiuchi, người sau này trở thành Đại sứ Nhật Bản tại Pháp cho biết, “Tứ nhân bang chẳng hề quan tâm đến Thủ tướng Chu hay bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản.” Chu đã rất nỗ lực để thuyết phục họ rằng xây dựng quan hệ ngoại giao với Nhật Bản là điều đáng làm, Kiuchi nói.

Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka (phải), bắt tay Chủ tịch Mao Trạch Đông còn Thủ tướng Chu Ân Lai đứng cạnh. Cuộc gặp lịch sử diễn ra vào tháng 09/1972 trong phòng làm việc của Mao tại dinh thự Trung Nam Hải của ông gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. © Tân Hoa Xã/Kyodo 

Tanaka đã đồng ý với yêu cầu của Chu, bước lên máy bay của Thủ tướng Trung Quốc để đến Thượng Hải. Tanaka và Chu đã được chào đón tại sân bay bởi Trương Xuân Kiều, một thành viên chủ chốt của Tứ nhân bang, khi đó đang là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng của thành phố, vị trí cao nhất ở địa phương. Chu đích thân giới thiệu Trương với Tanaka để thể hiện sự tôn trọng với đối thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã thành công trong việc thuyết phục Trương và những kẻ thù chính trị khác chấp nhận quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Tối ngày 29/09, một buổi tiệc chiêu đãi đã được Ủy ban Cách mạng Thành phố Thượng Hải tổ chức. Tanaka, là một chính trị gia nhiệt thành, đã uống cạn mọi ly rượu Mao Đài mà những người chủ nhà Trung Quốc đưa cho mình. Đến cuối đêm, Thủ tướng Nhật say đến mức Chu phải cõng ông trên vai theo đúng nghĩa đen.

Nếu Tanaka không đến thăm Thượng Hải, Tứ nhân bang có thể sẽ tạo ra đủ thứ trở ngại, khiến quan hệ Trung-Nhật đi theo một hướng khác

Mao qua đời 4 năm sau đó, vào năm 1976, và do không còn người bảo trợ, Tứ nhân bang đã bị bắt giữ ngay lập tức. Trương phải nhận bản án tử hình – nhưng sau đó được giảm xuống tù chung thân.

Tứ nhân bang dẫn đầu Cách mạng Văn hóa 1966-1976, từ trái qua: Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, và Vương Hồng Văn. (Nguồn ảnh Kyodo và AP) 

Trong các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, không ai biết được tương lai sẽ ra sao. Đằng sau hậu trường là rất nhiều trò chơi chính trị chết người. Giữa tháng 5 – tức bốn tháng trước khi Tanaka đến – xét nghiệm nước tiểu hàng tháng cho thấy Chu Ân Lai đã bị ung thư bàng quang.

Mao là người có quyền biết về kết quả chẩn đoán trước Chu, và cũng cần phải có sự chấp thuận của ông thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể nhận bất kỳ phương pháp điều trị hoặc phẫu thuật nào. Theo cuốn Zhou Enlai: The Last Perfect Revolutionary (Chu Ân Lai: Nhà Cách mạng Hoàn hảo Cuối cùng), cuốn tiểu sử do Cao Văn Khiêm viết, Mao đã ra lệnh rằng Chu không được biết về căn bệnh ung thư của ông.

Chu là sếp của Mao trong những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Mao luôn quan ngại về sự nổi tiếng và năng lực của Thủ tướng. Chu trẻ hơn Mao 5 tuổi và đã trở thành nhân vật số 2 trong đảng sau cái chết của Lâm Bưu, người được chỉ định kế nhiệm Mao. Mao sợ rằng nếu Chu sống lâu hơn ông ta, những thành tựu của ông từ Cách mạng Văn hóa có thể bị đảo ngược.

Ngày 27/09, Mao gặp Tanaka trong căn phòng làm việc đầy sách của ông ta ở khu Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Rất có thể Chu, người ngồi bên cạnh ông, vẫn chưa hay biết về căn bệnh ung thư đang phát triển bên trong cơ thể mình. Nếu được điều trị kịp thời, ông có thể đã sống lâu hơn. Ông chết trước Mao tám tháng.

Trong khi đó, Tanaka đã đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào chuyến thăm Trung Quốc.

Makiko Tanaka, con gái của ông, đồng thời cũng là cựu Ngoại trưởng Nhật, gần đây đã phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ. Bà kể lại rằng vào buổi sáng Tanaka lên đường đến Bắc Kinh, ông nói với con gái, “Bố có thể bị đầu độc – bố thực sự đang liều mạng đấy.”

Tanaka thường cho Makiko đi cùng trong các chuyến đi nước ngoài, nhưng riêng dịp này ông lại để con gái ở nhà, vì rủi ro cá nhân mà ông tin là mình sẽ phải chịu.

Câu chuyện bí mật đằng sau quan hệ Trung-Nhật nửa thế kỷ trước đã nêu bật ba khía cạnh của các cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc mà cho đến nay vẫn không thay đổi.

Thứ nhất, các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng có thể liên quan đến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng.

Thứ hai, Thượng Hải thường là chiến trường của các cuộc đấu đá nội bộ, trong đó những người thua cuộc bị thanh trừng không thương tiếc.

Thứ ba, ngay cả những người có quyền lực tuyệt đối cũng vẫn thường xuyên nghi ngờ cấp phó của họ.

Đến nay, ba khía cạnh này vẫn còn quan trọng, vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho đại hội toàn quốc của đảng, sẽ khai mạc ngày 16/10.

Trong những năm sau khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Trung-Nhật tiếp tục trở thành công cụ trong các cuộc tranh giành quyền lực của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone đến thăm đền Yasukuni vào tháng 04/1984. 

Năm 1985, một thủ tướng Nhật Bản khác, Yasuhiro Nakasone, đã đến thăm Đền Yasukuni gây tranh cãi ở Tokyo, nơi chôn cất những người Nhật đã chết trong chiến tranh. Ông cũng đến thăm ngôi đền vào những dịp khác, nhưng ngày hôm đó đặc biệt nhạy cảm với Trung Quốc. Đó là ngày 15/08, ngày chiến tranh kết thúc, và Nakasone đến thăm đền với tư cách Thủ tướng Nhật, chứ không phải với tư cách cá nhân. Sự kiện này sau đó được sử dụng như một trong những lý do để thanh trừng Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, người có quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Tháng 09/2012, các cuộc biểu tình chống Nhật mạnh mẽ đã lan tràn khắp Trung Quốc, để phản ứng lại việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku. Chúng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có một khoảng trống quyền lực – khi đó Tập đang chuẩn bị kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, kẻ thù không đội trời chung của Tập, là người đứng đầu lực lượng công an và đứng sau các cuộc biểu tình, vốn do nhà nước tổ chức. Một số người tham gia biểu tình trên đường phố Bắc Kinh đã được huy động từ các vùng nông thôn lân cận, bao gồm cả huyện Cố An ở tỉnh Hà Bắc. Họ được trả thù lao hàng ngày và được nhận cơm hộp.

Trong khi đó, Thượng Hải vẫn là chiến trường hàng đầu của các cuộc tranh giành quyền lực. Khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị được bầu lại trong đại hội sắp tới, nhiều người đang chờ xem liệu Tập có bổ sung Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, đồng thời là phụ tá thân cận của ông, vào danh sách bảy nhân vật hàng đầu hay không.

“Phe Thượng Hải” do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đứng đầu vẫn giữ được ảnh hưởng lớn trong chính giới Trung Quốc.

Lý Cường được xem là ứng viên hàng đầu trong cuộc đua kế vị Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào mùa xuân năm 2023. Nhưng ông đã phải chịu một thất bại chính trị nặng nề khi Thượng Hải rơi vào hỗn loạn trong cuộc phong tỏa covid-19, điềm báo cho sự sụt giảm kinh tế gần đây của Trung Quốc.

Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập Cận Bình, nhưng ông đã bị chỉ trích nặng nề vì cách xử lý COVID-19 ở thành phố lớn này. © Reuters 

Giữa Tập và nhân vật số 2 của ông, Lý Khắc Cường, tồn tại căng thẳng. Cho đến năm 2007, Lý vẫn được coi là người có khả năng cao nhất sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới được tiết lộ, Tập đứng ở vị trí thứ 6, còn Lý ở vị trí thứ 7.

Tập đã vươn lên để giành lấy chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo tiếp theo. Và cuộc ganh đua này vẫn tiếp tục tồn tại trong tâm trí Tập suốt 15 năm qua.

Trong giai đoạn khó khăn kinh tế gần đây, Lý cũng đã thu hút sự chú ý khi lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc duy trì chính sách “cải cách và mở cửa.”

Giữa tháng 8, ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà, “thượng đỉnh mùa hè” thường niên của chính giới Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc, vị thủ tướng đã có một phát biểu khó hiểu trong chuyến thăm Thâm Quyến: “Sông Hoàng Hà và sông Dương Tử sẽ không chảy ngược dòng.”

Các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc luôn tỏ ra nghi ngờ nhân vật số 2 của mình, quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không phải ngoại lệ. © AFP / Jiji 

Lý Khắc Cường có danh tiếng nhất định, và phải được xử lý cẩn thận. Liệu Tập có đề nghị Thủ tướng Lý thuyên chuyển vị trí, chẳng hạn như trở thành Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, hay không?

Quyết định này có thể giúp bình ổn tình hình, nhưng Tập cũng có thể dễ dàng buộc thủ tướng phải nghỉ hưu, và sẽ không có gì lạ nếu Tập loại Lý khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nếu Lý và một số ủy viên thường vụ khác cũng đang trong độ tuổi cuối 60 chịu nghỉ hưu, Tập sẽ có thể lấp đầy bộ chính trị với những phụ tá thân cận của mình.

Danh sách đó có thể bao gồm Trần Mẫn Nhĩ, Đinh Tiết Tường và Lý Cường. Trần là quan chức cấp cao nhất của Trùng Khánh, trong khi Đinh là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng.

Tập đã củng cố quyền lực của mình đủ để thực hiện các thay đổi nhân sự theo ý muốn của ông. Bây giờ, việc cần làm là quyết định sẽ xử lý hai ông Lý – Lý Khắc Cường và Lý Cường – như thế nào.

*Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

https://nghiencuuquocte.org/2022/10/11


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét