Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Nhã Ca – Năm Ất Dậu ở Thuận An

(Nguồn: Lê Thy đánh máy từ tạp chí VĂN số 107 & 108 tháng 11 & 12-2005)

https://baovecovang2012.files.wordpress.com/2022/10/tranhaidai.jpg?w=300&h=225

Trấn Hải Đài

Năm Ất Dậu 1945 tôi chỉ mới bẩy tuổi. Lúc đó, ba tôi làm việc trong ngành Công Chánh tại Thuận An. Ông là trắc địa viên, vẽ, đo đạc đường sá. Lúc về sở công chánh Thuận An, ông có thêm việc đo mực nước biển hay các đập xây bằng đá để điều chỉnh nguồn nước cho cả hai làng Thái Dương Thượng và Thái Dương Hạ. 

Công việc ba tôi ra sao không rõ, chỉ biết gia đình tôi được cấp cho một ngôi nhà riêng trong Trấn Hải Đài. Đây là một khu thành lũy trên đồi cao, trước mặt là phá Tam Giang, sau lưng là nơi tận cùng của dòng sông tràn ra thành cái vịnh lớn có hình dạng như tên gọi là vịnh Khoanh Tay. Qua khúc sông cụt này là bãi cát, rừng dương, con đê và biển. 

Ngày xưa Trấn Hải Đài là nơi quân triều đình trấn thủ cửa biển. Đây cũng là nơi sử sách có ghi vào năm Quí Mùi, 1883, tướng Pháp Courbet và toàn quyền Harman đưa tầu chiến đánh vào Thuận An. Trấn Hải Đài thất thủ, quan trấn thành Lê Sỹ tử trận, đưa tới việc cả nước Việt Nam  phải chịu sự bảo hộ của Pháp. 

Đời sống ở làng Thái Dương Hạ thời trước yên ổn, bình lặng thế nào tôi hoàn toàn không nhớ. Chỉ mơ mơ hồ hồ trong ký ức một con bé gầy gò ốm yếu, cả ngày tha thẩn trong khu đồi rộng, dám leo lên cửa thành, chui ra khỏi hai cánh cổng sắt lớn, buộc lỏng lẻo một sợi dây xích to tướng. Hôm nào sợi dây xích nới không đủ để chui, con bé đi lối sau đồi, khom người bò qua một lổ hổng nhỏ, đeo những sợi dây của cây thuồng luồng mọc từ đầu tường thành, thả xuống tận dưới đáy lũy sâu, rồi lại leo lên ở đầu tường bên kia, ra ngoài được. Đôi chân nhỏ xíu của con bé phải chạy thật nhanh, đạp trên những đám cỏ khô cho đỡ rát chân, vì cát ban ngày bị mặt trời hun nóng như lửa. 

Qua bãi cát, rồi qua rừng dương, qua hồ cá mặt trăng. Gọi là hồ cá mặt trăng vì những cái hồ nhỏ nằm khuất giữa rừng dương, mặt nước dầy đặc lá dương liễu khô rụng xuống che mát cho đàn cá mặt trăng. Cá nhỏ li ti, màu trắng trong trong, hai mắt như hai điểm tăm đen. Gọi là cá mặt trăng, vì ban đêm, lúc có ánh trăng chan hòa trên cành lá liễu thì đàn cá ngoi lên mặt nước đớp trăng. Qua rừng dương, qua con đập bằng đá xây cao ngăn nước chạy dài không biết tới đâu, lại phải nhảy nhót đặt cho đúng chân lên những mảng cỏ hay lá khô tránh cát nóng, trước khi sung sướng dầm hai bàn chân xuống nước biển. 

Nhưng bỗng thú vui duy nhứt của con bé bị cấm. 

Quân lính Nhật chẳng biết từ đâu tràn vào Thuận An, đóng quân ngay trong Trấn Hải Đài. Những cái lỗ đá vỡ ở cửa thành sau và sợi dây xích phía trước buộc khít khao hơn. 

Ba tôi vẫn tiếp tục công việc cũ của Sở Công Chánh, lúc đó do người Nhật nắm giữ. Gia đình tôi vẫn tiếp tục ở trong đài (“đài” là tiếng tắt dân làng gọi Trấn Hải Đài) bên cạnh một binh đội Nhật. Lúc đầu, cứ chiều chiều là má đưa tôi ra ngoài nhà cậu mợ để ngủ, sáng hôm sau lại trở vào. Về sau, khi Ba tôi đã học nói được ít iếng Nhật, rồi giúp thêm việc thông dịch giữa người Nhật với dân làng, má tôi mới bớt sợ, chiều chiều khỏi phải đi lánh thân nữa. 


Từ đó, con bé đêm đêm thường nghe thấy ba má thì thầm… Chuyện ở đâu đó, trên cái đầu của nước Việt Nam , nạn đói đang xẩy ra, nhiều người chết vì không cơm ăn. Hết thời quan Tây rồi. Quân Nhật đã nắm mọi quyền hành. Ngay tại Thuận An, thuyền bè bị trưng dụng, trai làng Thượng làng Hạ bị quân Nhật lùa đi lao dịch. Đã có nhiều vụ bắt bớ, nhiều người bị bắn chết. 

Một đêm, con bé bỗng nghe má hỏi ba: 

“Trong cái hầm dê đó đang giam mấy người?” 

“Sáu bảy người gì đó.”

“Có đàn bà không?” 

“Không. Người đàn bà…” 

Má tôi hỏi dồn: 

“Nhốt ở đâu? Hả, ông nói đi.” 

“Thôi, bà biết làm gì cho mệt. Chuyện đó không phải chuyện của mình, bà đừng xía vô mà mang họa… “

Ba tôi dặn thêm: 

“Bà đừng tưởng thấy tụi nó tử tế mà mắc mưu. Tại tui làm thông ngôn cho nó nên nó nể.. Nể chứ không phải là tin.. Tui cực chẳng đã mà làm thôi, có vậy mới mong cứu được vài người vô tội.. Còn bà, tui can bà rồi đó nghe…” 

Má tôi không nói gì nữa. Nhưng ngày hôm sau, chờ lúc không có ai, gọi tôi. 

“Mi Ki, con đi chơi với mấy “tụi lùn” nhớ để ý coi giúp má, có nơi nào nhốt một người đàn bà.. một chị thôi… Con còn nít, không ai để ý.” 

Con bé ngớ ngẩn: 

“Kiếm làm chi, má. Ba nói kệ người ta… Con sợ mấy “chú lùn” không thương con, đánh con như đánh mấy người trong hầm dê.. Mà sao kêu mấy chú là tụi lùn má. Mấy chú cao… cao..này này…” 

Má tôi cười: 

“Thì người ta kêu sao mình kêu vậy. Má hỏi lại nè. Có giúp má không?” 

Con bé sợ ba nhưng cũng phải giúp má. Ba với má mà. Con bé miễn cưỡng gật đầu. Khó quá, xung quanh căn nhà lớn, hai tầng là đất rộng bao quanh. Hồi còn thong thả đi lại, con bé đã thấy không biết bao nhiêu căn hầm đào sâu dưới đất, miệng hầm là những tảng đá lớn hoặc những cây gô ghép lại để che chắn, làm sao biết được “chị đó” ở hầm nào mà kiếm. 

Có len lén đi rình, đi kiếm. Nhưng gần một tháng, con bé không tìm được gì cả. Vì hễ đi tới những khu cấm là thấy một người lính Nhật có súng đứng canh, đưa tay xua xua đuổi con bé đi.. chỗ khác chơi! 

Anh lính Nhật có cái tên dài lắm, con bé không thể nào nhớ nổi. 

Nghe đọc đã theo không kịp rồi. Cái gì mà như tô xô ba cô ba nô bà già gì đó, ba cũng bắt đọc đi đọc lại mấy lần, chịu thôi. Kệ, cứ gọi anh lính đó là Tô-Cô, chữ tô dễ nhớ vì nhà cậu có con cho tên Tô, chữ cô cũng dễ nhớ luôn, đi đâu má cũng bắt vòng tay: thưa cô đi con. 

Anh Tô-Cô trẻ hơn ba nhiều, cũng không thấy lùn như bị gọi vì đứng với mấy người trong làng bị bắt vô đồn để ba làm thông ngôn thấy anh Tô-Cô cao hơn. 

Bữa đó, có tới bốn người bị bắt vô đồn chẳng biết vì tội gì. Tất cả đứng trong sân sắp hàng, lính Nhật đưa súng lên nhắm như khi họ nhắm để bắn mấy con chim. Ba làm thông dịch, có anh Tô-Cô đứng bên. Ông Cử Sừng mặt mày đỏ tía: 

“Thây Thông dịch cho nó nghe. Tui chửi nó đó. Đồ quỷ la sát, đồ chó đẻ. Suốt ngày đi chọc ghẹo con gái trong làng, còn bắt bớ, giam cầm người ta. Giỏi thì bắn đi. Bắn chết thằng già này đi.” 

Ông Cử Sừng vạch áo ra lòi bộ ngực xương xẩu. Ông này dữ quá, dám thách thức đám lính Nhật có súng. Lỡ nó bắn thì sao? Con bé thấy tim đập thình thịch. Ba cười cười, nói một tràng tiếng Nhật. Kỳ chưa, mấy khẩu súng hạ xuống. Ba kéo ông Cử Sừng ra ngoài, thấy ba mạnh tay quá. Tối hôm đó, ba lại kể với má. 

“Ông Cử dữ dằn, thách thức chửi chúng nó làm gì. Tụi nó có quyền, có súng, sợ gì ai mà không bắn.” 

“Tui đứng trong nhìn ra sợ muốn đứng uim. Ông nói gì mà hay quá vậy?” 

“Không nghe nói gì sao biết là hay. Bà thiệt ba phải. Ừ, tui thấy ông Cử vạch ngực ra, tui phải dịch là dân làng rất quí người Nhật, người Nhật tốt, nhưng chỉ buồn là có người Nhật không tuân kỷ luật đã vạch áo chị Muồng ra để nhìn ngực.. Họ muốn trình bày sự phẫn uất của họ và xin xét xử cho chị Muồng thôi. Họ nói người Nhật tốt nên họ mới liều chết tới để xin..” 

“Bộ ông thấy tụi chó đó không đáng chửi sao mà nói trợt đi..” 

“Chớ dịch đúng cho nó bắn cái đùng, cái đùng, bốn mạng chết ngay đơ thì lợi gì. Đàn bà thiệt ngu.” 

“Ông nói tui ngu..” 

 “Chứ phải khen bà khôn sao. Đàn bà nhẹ dạ, hay tin người nên chuyện gì có đàn bà nhúng vô là hỏng bét.”

Má làm thinh không cãi nữa. Bốn người đã bình yên ra về rồi, nhưng câu chuyện hôm đó cứ khuấy động tấm lòng non nớt của con bé. Con bé hứa với má sẽ tìm cho ra chỗ giam chị Muồng. Nhưng hễ cứ quành ra phía sau là chân con bé chùn lại. Nó sợ cây súng của người lính Nhật lúc nào cũng đứng ở đó như hai chân đã chôn dưới đất và cái mặt như đúc bằng sáp đèn cầy. 

Một lần khác, lính Nhật giải vào đồn một bà già. Bà bị trói gô trong sân, trước cột cờ. Bà già chửi luôn cả ba: 

“Thầy Thông ơi là thầy Thông. Thầy làm thông ngôn làm chi cho xấu mặt dân làng. Thầy theo tụi Nhật lùn áp bức người ta, bắt bớ người ta… Tui thề, hễ thấy thằng Nhật lùn nào là tui chửi tui đào tui bới ba đời mười kiếp cả nhà nó.. Thầy nói nó giết tui đi, tui thà chết chớ không nhục. Thả con tui ra, trời ơi là trời..” 

Anh lính Tô-Cô nhìn ba tôi, chờ. Ba tôi lại nói một tràng tiếng Nhật. Ba tôi mới học thôi mà, nên có chữ ông phải làm dấu. Anh lính Tô-Cô gật gật, bỏ đi. Ba tôi tự tay cởi trói cho bà già, nói: 

“Bác chửi tui cũng phải. Tui không giận bác đâu. Nhưng tui làm gì thì tui biết, sau này mấy bác biết..” 

Bà già: 

“Bữa nay tui cố tình cho nó bắt vô để gặp cái thằng Nhật lùn khốn nạn, nhưng không thấy nó. Nó chọc con Muồng, con Muồng cự lại, nó bắt nó nhốt Thiệt tức, mình cả làng, cả hai làng Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, lâu nay vua biết mặt chúa biết tên, mà để cho mấy thằng “lùn” nó làm nhục…” 

“Lần sau bác đừng đứng trước đồn mà chửi, lỡ có thằng nó không biết, bắn ẩu bắn tả thiệt mạng mình…” 

“Nhưng tức quá thì làm sao… Đi biển có cá ngon thì phải nạp cho nó… Cái đồ ăn sống ăn sít.. Còn bắt bớ giam cầm… Ác chi mà ác dữ… thầy Thông còn binh..” 

Người ta chửi ba mà ba vẫn lặng thinh như khi ba nói má ngu, má cũng lặng thinh. 

Tối đó, con bé thấy ba má thì thầm nói chuyện nữa. Ba khoanh tay trên ngực, nhìn lên trần nhà. Má khóc. Con bé nằm ở cái giường nhỏ, bỏ đi sang nằm với người anh. 

“Anh, anh.. má khóc.” 

Người anh đã ngủ say, không biết gì hết. 

Một buổi chiều anh lính Nhật Tô-Cô tìm má đưa một gói cá. Anh làm dấu nhờ má kho mặn rồi bỏ vào một cái hũ đất nhỏ. Mấy người lính Nhật ở trong đồn rất cẩn thận việc ăn uống, không được phép ăn đồ ăn ngoài đầu bếp người Nhật nấu, không được ra ngoài la cà hàng quán uống rượu ăn hàng. Ba nói họ rất sợ bị thuốc chết như trong làng thường thuốc cho chuột chết. Vậy mà anh lính Tô-Cô này dám đưa đồ ăn cho má nấu. 

Con bé tò mò hỏi: 

“Má nấu cá cho cái anh Tô-Cô phải không?” 

Má quắc mắt: 

“Người ta nhờ. Này, người Nhật họ dữ lắm đó, biết anh Tô-Cô nhờ má kho cá, họ sẽ phạt anh đó.” 

“Thích ăn mà cũng bị phạt há má? Sao con thích ăn gì thì má nấu cho con ăn?” 

“Vì mình khác, người Nhật khác.” 

Má giải thích. Người mình, người Nhật, chẳng hiểu gì cả. Nhưng nhớ. 

Má dặn không được nói cho ai biết thì không nói. Biết anh lính Tô-Cô thích ăn cá kho, vì cứ nhờ má nấu hoài mà cứ tưởng con bé không biết. 

Rồi một thời gian sau, không thấy má nhắc tới việc nhờ con bé kiếm cái hầm nào giam chị Muồng nữa. Chắc má đã quên. Con bé thấy vậy cũng mừng vì hễ thấy cây súng chĩa tới trước mặt là con bé sợ muốn té. Mấy cái hầm đó, hồi chưa giam người, con bé cũng không muốn chui vô trong chơi rồi, vì trong đồn có nhiều rắn, chui vô mà thấy có một con rắn ở trong thì có mà nằm dài ra đó chết luôn, chớ đừng nói chuyện chui ra được. 

Đã quen với mấy chú Nhật lùn, nhưng con bé vẫn muốn có một lúc nào đó, không có mấy chú, cái lỗ nhỏ phía sau thành bị phá ra. Con bé nhớ chết được lúc đánh đu theo sợi dây cây thuồng luồng để xuống đáy hào, rồi đu lên sợi cây dây khác để được ra ngoài, thấy biển. 

Ở đưới đáy hào còn có nhiều thứ cây có trái ăn rất ngon, trái sim tím, trái chuột chuột thơm dòn, nhỏ bằng cái gai nhưng ăn còn ngon hơn trái dưa chuột má thường dọn ăn với cơm. Còn trái muồng muồng, chờ cho gần khô, tách ra lấy hột, rang lên ăn hay nấu nước uống, người làng nói uống nước này sáng mắt lắm. Còn nữa, trái bát bát chín đỏ đeo lủng lẳng theo dây leo, ăn ngọt như đường phèn. Con bé chỉ chừa một cây tên là Mạt Sát, có trái to, dày như trái quả bông, người làng nói đập ra lấy cái tim, nuốt cái tim vô khỏi họng là chết liền, ai dám. Nhưng ở dưới đáy hào, ba đã cho người chặt đi tuyệt giống, không thấy nữa. 

Lâu, con bé cũng chưa thấy ai bị lính Nhật bắt vô đồn. Ba vẫn làm “thầy Thông ” nhưng đi ra đường không ai chửi nữa, mà còn có người chào hỏi. Con bé hơi khó chịu vì thấy anh lính Nhật Tô-Cô thân với má quá. Con bé còn thấy má với anh Tô-Cô đứng ở một chỗ rất khuất nói gì nhiều lắm. Không biết có nên nói cho ba biết không? Con bé đi chợ với má, nghe người lớn nói, lính Nhật hay ve đàn bà con gái. Con bé không thích má chơi thân với anh lính Tô-Cô. 

Con bé cũng không thích anh lính Tô-Cô, không thích cả đám lính Nhật đóng trong đồn. Nó tha thẩn chơi một mình dù biết chơi một mình buồn lắm. Nhớ cây muồng muồng, trái sim, trái chuột chuột, cũng không thể ra ngoài. Có ra ngoài thì phải đi với ba, với má. Con bé nhớ tới cái cây nằm ở góc tít xa, trái giống trái sung mà nhỏ bằng móng tay, ăn có mùi vị chát. Lâu quá, quên luôn rồi, bữa nay nhớ, không thể không tới thăm. Nhưng tới đó, lại phải đi qua một trạm lính Nhật gác. Con bé nghĩ cách, đi vòng theo bờ thành, chui qua các bụi cây rậm. Con bé thoát được cặp mắt vẽ trên cái mặt sáp bủng của anh lính.

Đang mùa, trên cành, dưới lớp lá, chi chít trái. Thoắt cái, con bé đã lên tuốt trên một ngánh ba, có rất nhiều cành nhỏ, xúm xít lá che khuất luôn con bé.

Có vậy mà lâu nay bỏ quên nó. Leo lên, trốn trong tùm lá, yên ổn biết bao. Có thể tha hồ hái ăn những trái đang mùa, còn đang xanh, căng tròn. Con bé biết, loại trái này chín thì chỉ vứt đi. Bên trong trái chín muồi, lúc nhúc những con bọ chui vào trong đó. Con bé lay cành, một con chim vội vã bay đi, đậu tuốt trên cây bạc hà cao vút.

Thình lình, con bé nhìn thấy một bóng người đi tới. Đang buổi trưa.

Lính Nhật buổi trưa thường được nghỉ tới khoảng hai giờ mới dậy làm việc. Nếu người lính Nhật canh gác nghi ngờ, đi tìm thì con bé có trốn kỹ tới đâu cũng bị bắt. Con bé giữ chặt tay đeo cứng cành sợ rớt xuống. Thấy rồi, không phải người lính gác mà anh lính tên Tô-Cô.

Anh lính Tô-Cô cứ nhìn quanh quất, mắt lấm lấm lét lét. Đã là lính Nhật rồi mà còn sợ ai nữa chớ. Con bé tò mò rõi mắt theo.

Cách chỗ cây con bé đang trốn trong tùm lá không xa có một cái hầm. Anh lính Tô-Cô tới đó. Lúc anh quì trước miệng hầm, con bé thấy anh lính lấy ra một vật gì dấu trong áo như cái hũ. Nhớ ra rồi, đúng cái hủ đất anh lính thường nhờ má kho cá bỏ vô đó. Cái hũ đất biến mất trên tay anh. Rồi một bàn tay thò ra. Hai bàn tay nắm lấy nhau. Một lúc, hai bàn tay thả ra, anh lính Tô-Cô đứng dậy bỏ đi.

Chờ một lát, con bé tò mò tới bên miệng hầm. Qua miếng lưới sắt chặn cửa hầm, nhờ ánh nắng ban trưa, con bé nhìn thấy một người đang ngồi bó gối ở bên trong. Nhìn kỹ, con bé nhận ra là một người đàn bà.

Chị lết ra sát miệng hầm. Con bé lùi lại.

“Đừng sợ, em… em đừng sợ. Chị bị tụi Nhật bắt giam ở đây.” 

“Chị là.. Có phải chị là…” Con bé nhớ lại…

“Chị Muồng. Chị bị bắt mấy tháng nay rồi. Khổ lắm.”

Thì ra chị Muồng đây. Con bé cắn môi. Má đã từng bảo con bé đi tìm cho ra chỗ chị Muồng. Còn bây giờ má thân với anh lính Tô-Cô rồi, má không muốn giúp chị Muồng này nữa. Con bé thầm trách má ác.

“Cái anh Tô-Cô đó tới làm gì? Anh ta xấu lắm.” 

“Không phải đâu em. Anh ta giúp chị. Cho chị ăn.”

Chắc phải nói với má chuyện này. Ngoài chợ người ta nói lính Nhật rất xấu, hay mê đàn bà, con gái. Anh lính Tô-Cô này đã làm thân với má, còn bắt má kho cá để lấy lòng chị Muồng. Anh đó xấu quá, đâu có nên chơi. Con bé lắc đầu:

“Nhật lùn xấu lắm. Em ghét Nhật lùn.”

Chị Muồng nói gì thì nói, con bé vẫn lắc đầu, vẫn bĩu môi nói xấu là xấu. Chị Muồng hối hả bảo con bé nên đi đi, bị lính gác phát hiện sẽ ăn đòn. Con bé bỏ đi.

Advertisements

Report this ad

Có nên nói cho má biết không? Khi con bé biết chỗ chị Muồng thì má đâu có nhờ nữa. Con bé im luôn.

Một buổi tối, ba má nói chuyện thì thầm, giọng má:

“Ngày mai con Muồng được tha rồi..” 

“Biết”.

“Thằng Tô-Cô..” 

“Biết.”

Thấy không, con bé không nói nhưng chuyện gì ba cũng biết. Giọng má nhỏ quá, con bé nghe không kịp.

“Tôi biết bà… biết rồi, bà thiệt..”

Chỉ có vậy thôi? Sao không nghe ba la má gì nữa.

Hôm sau con bé chờ coi. Đúng là chị Muồng được thả. Chị ôm bọc quần áo đi ra. Bà già bữa hôm chửi bị bắt với mấy người nữa đứng đón bên ngoài cánh cửa sắt. Chị Muồng đi ra mà cứ quay lại nhìn lui hoài. Đâu có người ngu nhớ cái nơi giam giữ mình khổ sở mà ngoái đầu lại chớ!

Từ bữa đó con bé cố tìm cách để coi có còn bắt gặp cảnh anh lính Tô-Cô với má thì thầm ở một góc kín nào nữa không. Con bé định bụng, bắt được một lần nữa thì phải mét với ba. Nhưng con bé mất công. Má nhiều lần chạm mặt với anh lính Tô-Cô, hai người chào nhau như má vẫn chào những người khác. Anh lính Tô-Cô làm như bận việc lắm, ít thấy mặt trong đồn, nhất là ngoài giờ làm việc là anh biệt tăm biệt tích.

Cũng có một vài lần theo mẹ ra chợ, gặp chị Muồng. Sao lúc nào chị Muồng với má cũng thân thiết, cũng to to nhỏ nhỏ, cười cười nói nói. Chị Muồng còn tặng má quà, có bữa nấu xôi, có bữa mua bánh trái bắt má và con bé phải nhận. Con bé vẫn không quên nhắc chừng chị Muồng.

“Chị ơi, từ nay thấy thằng Nhật Lùn Tô-Cô, chị đừng tới gần nữa nghe. Nó xấu ghê lắm.”

“Chị nhớ. Chị nhớ.”

Chị Muồng vừa nói vừa cười. Má cũng cười theo nữa. Chuyện tới vậy mà không ai chịu tin. Vậy mà cứ nói người lớn khôn hơn con nít.

Đêm ngủ, ba lại có tin tức mới cho má nghe. Nhiều tin lắm, con bé không nhớ gì ngoài câu:

“Chắc tụi nó thua tới nơi. Chỉ nghe vậy là mừng…”

Mừng chớ sao không mừng. Tụi nó thua bỏ đi hết thì đâu có ai cản con bé đi học, ra ngoài làng chơi hay trốn ra biển tắm. Hôm sau con bé nhìn thấy anh lính Tô-Cô thì vác cái mặt lên, không thèm nhìn. Anh lính đâu biết, còn cho con bé bánh. Bánh thì phải lấy. 

 “Đúng rồi em. Tụi nó sắp rút đi thật..” 

Lại tin tức mới nữa.Giọng má như tắc nghẹn: 

“Nhưng con Muồng. Nó phải làm sao đây. Ngày mai làng họp về chuyện nó.” 

Giọng má nhỏ đi nhiều lắm: 

“Thì phải, nó có bụng rồi. Ba tháng… Thì tụi nó thương nhau thiệt.. Chắc chắn mà, với thằng Tô-Cô..” 

Con bé biết chữ có bụng là có một em bé. Em bé sẽ được đẻ ra. Chị Muồng đang có một em bé do tên Nhật Lùn gửi trong bụng chị. Sao chị lại dại dột cho một thằng Nhật lùn gửi em bé trong bụng chớ. Con bé thở dài y hệt một người lớn. 

“Đừng có cho mấy đứa con nó biết.” Má nói. 

Ba: 

“Mai cả hai vợ chồng mình phải ra ngoài làng. Tui cũng phải làm thông ngôn cho Tô-Cô.” 

“Ngủ đi. Đừng nói lớn mà con nó nghe.” 

Con bé đã nghe. Ngay sau khi ba má vừa ra khỏi đài là con bé lẻn theo. Không biết bằng cách nào, con bé đã lọt qua cái cổng sắt, ra tới được đình làng. 

Cả làng đang họp. Ông Cử Sừng ngồi trên ghế cao bắc trước một dãy ghế gồm nhiều người lớn trong làng ngồi trên thềm đình. Phía bên trái, một dãy ghế người Nhật ngồi. Ba đứng bên anh lính Tô-Cô và chị Muồng bị trói ở một cây cọc cắm giữa sân đình. Con bé đã nhanh nhẩu núp phía trong đình, dưới một chiếc bàn có trải khăn dài phủ tới đất. 

Chị Muồng như một người nào khác, không giống chị Muồng con bé thường gặp. Mặt mũi chị bị trát bùn. Đầu tóc không chải, rối bời, chị mặc một bộ quần áo cũ rách và người chị bị quấn dây thừng chặt cứng như khúc giò. Mắt chị sưng húp mở không ra, con bé chưa khi nào thấy một cô gái xấu xí tới phát sợ như vậy. 

Ông Cử Sừng là người lên tiếng trước tiên. Ông kể toàn là tội của chị Muồng. Tội thứ nhứt, thứ nhì cho tới mười hai tội mà tội nào cũng kèm theo câu đánh chết, thả bè trôi sông. Con bé nhớ lại, nó đã gặp ông đứng trước sân đồn, la lối, mắng chửi, không màng đến cái chết để bênh vực chị Muồng và ba đã thông dịch khác đi để lính Nhật không bắn ông. Rồi bà già, má của chị Muồng cũng đứng lên cho làng hỏi và bà cũng khóc lóc, chửi rủa con gái đã làm xấu nhục bà. Con bé càng ngày càng không hiểu, cho tới lúc ba dịch lại lời của anh lính Tô-Cô: 

“Tui thương cô Muồng. Tui muốn cưới cô Muồng làm vợ thiệt lòng.”

 Giọng ông Cử Sừng: 

“Thầy Thông, thầy phải thông ngôn cho đứng đắn, đừng thông ngôn sai giúp cho giặc. Thầy Thông phải thề trước tổ đình..” 

Ba đưa tay thề. Một người Nhật ngồi trên ghế đứng dậy đưa tay phản đối, bập bẹ nói tiếng Việt: 

“Khôn nấy được… Khôn cưới được.. Người Nhật.. người Nhật..” Ông nói một tràng tiếng Nhật và ba thông ngôn: 

“Ông sĩ quan này nói con gái Việt Nam  đổ cho lính Nhật, con gái Việt Nam  không tốt. Người Nhật không chịu trách nhiệm…” 

Chị Muồng khóc rấm rứt, mệt lả như muốn ngất đi. Nghe nói mấy ngày trước chị Muồng đã bị đánh đập và bỏ đói. Anh lính Tô-Cô muốn tới bên chị thì bị mấy người đàn ông trẻ giữ chặt lại. Đoàn lính Nhật ngồi yên không nói một tiếng nào. Mấy cây súng của họ đâu? Họ trở nên hiền lành từ khi nào vậy! 

“Con kia. Nghe làng hỏi.” 

Một mụ đàn bà mập mạp hùng hổ đi ra sân, cầm đầu tóc giựt ngược để cái mặt chị Muồng phải ngẩng lên. 

“Nghe hỏi đây. Mày có chửa với thằng nào?” 

Chị Muồng đưa khuôn mắt gần như nát bét trét bùn đất về phía anh lính Tô-Cô. 

“Có phải người này không?” 

Cái đầu chị Muồng gật nhẹ. Anh lính Tô-Cô lại nhào ra, anh bị giữ riệt lại. Một người Nhật đứng bật dậy hô khẩu lệnh. Cả đoàn đứng lên răm rắp, sắp hàng, bước ra. Anh lính Tô-Cô cũng vào hàng đi, không dám ngoái lại. 

“Đánh chết con chửa hoang.” 

Một mụ đàn bà la lên. Con bé nhìn ra, hoa cả mắt. Đàn bà nhẩy cỡn. Con nít reo hò. Đá, gạch, rác rưởi từ bốn phía đang ném về phía chị Muồng. Bà già, mẹ đẻ của chị, mới lên án chị đó, đã nhảy ra, khóc la, lấy thân che cho chị. Con bé cũng la lên. La thật lớn. 

Hai bàn chân con bé bị nắm lại, kéo ra khỏi gầm bàn. Má. Má kéo con bé, đẩy ra phía ngõ sau. 

“Đi về nhà. Đi.” 

Chưa bao giờ con bé thấy má giận dữ vậy. Má bóp tay con bé chặt quá. Con bé đau chảy nước mắt nước mũi nhưng không dám khóc thành tiếng. 

Tối hôm đó trăng sáng lắm. 

Trước nhà con bé ở có hai cây sầu đông rất lớn nhưng cái sân còn lớn hơn, nên ánh trăng vờn trên cành lá, tràn xuống, lênh láng cả sân. Hình ảnh chị Muồng ở đình làng làm con bé không thể ngủ được. Đứng ở cửa sổ, qua chấn song sắt, con bé thấy anh Tô-Cô đi tới. Đến khoảng giữa sân, bỗng thấy anh khụyu xuống, mặt ngước lên trời. Lát sau, thấy anh lăn lộn dữ đội trên mặt sân, rồi anh la lên một tràng tuiếng Nhật. Cho tới khi Tô-Cô rời khỏi cái sân, con bé còn nghe thấy tiếng la của anh lùng bùng trong tai nhưng nó không thể hiểu và cũng không thể nhớ. Phải chi con bé có thể nhờ Ba làm thông ngôn, coi anh ta la lối gì đêm đó. 

Ngày hôm sau, Tô-Cô lên đường về nước. Anh không từ giã ai, cả ba, cả má, cả con bé. Ba nói quân đội Nhật đã thất trận. 

Còn chị Muồng thì sao? Ba im. Má im. Con bé không biết thêm gì nữa. Nhiều năm về sau, khi đã thành người lớn, con bé có lần nghe má kể: 

Cả làng ghép chị Muồng vào tội chửa hoang. Chị Muồng bị đuổi ra khỏi làng, sống trong một cái chòi nhỏ ở ngoài độn cát với bà mẹ già. Má có tìm cách ra thăm. Lần nào chị cũng khóc rồi nói chỉ có chết, mẹ con em mới sang tới Nhật ở bên anh Tô-Cô. Anh Tô-Cô thương em thật mà. Tụi em thương nhau… Má cũng nói ngay từ lúc chị Muồng bị nhốt ở cái hầm phía sau, Tô-Cô đã lén giúp đỡ chị rồi họ thương nhau thật. 

“Tội nghiệp. Cái bầu của nó ngày một lớn. Ba má vẫn để đành chút gạo chút muối giúp nó. Ai dè, một buổi trưa, người ta tìm thấy nó chết ngoài đụn cát, bên bụi cây mạt sát. Nó ăn tim trái mạt sát để chết với đứa con trong bụng.” Má tôi nói. 

Thêm một năm Ất Dậu. Mới đó mà đã sáu mươi năm. Ba má tôi đã mất từ lâu. Làng Thuận An xưa chẳng biết ra sao. Xưa lắm thì có vụ Tây đánh, vào một năm Mùi. Sau đó có người Nhật và anh lính Tô-Cô tội nghiệp. Thuận An cũng từng thấy lính Mỹ và cảnh bể dâu Cộng hoà rồi Cộng sản. 

Còn Thuận An ngày nay? 

Nghe đâu cả con đê, rừng dương, hồ cá mặt trăng, cả cái vịnh Khoanh Tay phía sau Trấn Hải Đài nữa, đều đã bị biển lấn vào xóa hết dấu vết. 

Nhã Ca
2005

https://baovecovang2012.wordpress.com/2022/10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét