Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Nguyễn Ngọc Chính - Thế Uyên và “những người từ Tuyệt Tình Cốc”

Chân dung Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà văn Túy Hồng và Nhà văn Thế Uyên

Tháng 9/2012 tôi có một bài viết trên Blogspot với nhan đề “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Lính tráng (2)” (xin xem tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/ngon-ngu-sai-gon-xua-linh-trang-2.html).

Bài viết nói về các nhà văn quân đội VNCH, trong đó có Nguyễn Xuân Vinh (với “Đời phi công” và Thế Uyên với nhiều tác phẩm xoay quanh đời lính như “Mười ngày phép của một người lính”, “Tiền đồn”, “Đoạn đường chiến binh”, “Nỗi Chết Không Rời”... Trong bài có đoạn viết về Thế Uyên:

“Tôi biết Thế Uyên khi còn học tại Ban Mê Thuột. Khi đó ông lưu lạc đến cao nguyên đất đỏ trong vai trò một giáo sư dạy môn Công dân Giáo dục và Triết trước khi bị động viên vào khoá 14 Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, cùng một lượt với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

“Thầy trò chỉ hơn nhau có 11 tuổi nhưng, đối với tôi, thầy Dũng mang dáng dấp của một người từng trải với điếu thuốc lúc nào cũng gắn trên môi. Thế Uyên, bút hiệu của thầy Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, bà cũng là chị nhà văn Thạch Lam.

“Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan của miền Nam, ông bị đi tù cải tạo một thời gian, trước khi đến định cư tại Mỹ. Cách đây vài năm ông bị “stroke”, tê bại một nửa người, phải ngồi trên xe lăn để di chuyển trong nhà. Tuy nhiên, bằng một nghị lực phi thường, ông đã tập viết lại bằng tay trái, và đã viết bài cho các tạp chí văn học hải ngoại.

(hết trích)

 

 

Nhà văn Thế Uyên (1935-2013) qua nét vẽ của Đinh Cường

Mới đây, tôi gặp lại một bài viết của Thế Uyên trên trang “Sáng Tạo” có tựa đề “Những người từ Tuyệt Tình Cốc” trong đó tác giả kể lại cuộc gặp gỡ nhà văn nữ Túy Hồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những lãnh tụ sinh viên tranh đấu. 

Thế Uyên và Hoàng Phủ Ngọc Tường quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Việt Hán năm thứ hai. Vóc người Tường nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc.

Cả hai thường bị các giáo sư “không ưa”, nhất là giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Toản “trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua” là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân.

Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo, đường mòn, có lẽ chỉ hợp với một thời “thái bình thịnh trị”. Dĩ nhiên là những thanh niên khó có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn Thế Uyên đi con đường riêng với nhiều sóng gió để trở thành một người lính viết văn, hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế.

Thời đó thế hệ thanh niên đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ không thiếu người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Gặp nhau tại “Tuyệt Tình Cốc”, một cái tên từ truyện của Kim Dung, Thế Uyên kể lại buổi gặp gỡ tại Huế: 

“Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ ba người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng.

“Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú – tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa…

...

“Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ, nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.

“Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc...

(hết trích)

Buổi gặp mặt “đầy sóng gió vì những bất đồng”, nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế đều ghét Mỹ, có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ “nổi gai”!. Khi đó, những người lính Mỹ muốn đến thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Thế Uyên viết:

“Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sài Gòn cũng có chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam – thứ policy chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến tranh này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp mà thôi!”

Với tư cách bạn cũ, Thế Uyên đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh, đâu có thay đổi được tình hình. Ông cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra ngoài mật khu với Mặt trận Giải phóng Miền Nam…

Thế Uyên cũng thuyết phục Tường nên tách thầy Trí Quang ra khỏi phong trào bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh như mong muốn.

 

Hoàng Phủ Ngọc Tường

 Sau 30/4/1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng. Không rõ anh giữ những chức vụ gì ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng người ta đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. 

Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ liên lạc hay tới thăm Thế Uyên. Cái tệ của chủ nghĩa Mác Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù. Có hai nhân vật được Thế Uyên nói đến nhiếu nhất sau 30/4/1975:

“Trong những người từ “Tuyệt Tình Cốc” đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa.

“Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng. Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa.

“Vẫn xềnh xoàng với chiếc áo sơ mi kaki hay trắng ngắn tay với chiếc quần không mấy khi thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được.

“Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng…có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.

(Hết trích)

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)

Chỉ sau ngày Sài Gòn sụp đổ có vài hôm, Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn tại vỉa hè gần ngã tư Phan Thanh Giản-Lê Văn Duyệt. Hai người tay bắt, mặt mừng và Thế Uyên kể lại: 

“Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là ngụy quân ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn: “Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu?”.

Thế Uyên cũng có hỏi anh về vụ anh hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” trên đài phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chủ, anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không...

Có một lần, Sơn đã tâm sự với Thế Uyên, giọng buồn rầu: “Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi, từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho đảng!” Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao”.

Thế Uyên hỏi đùa Sơn:

“Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi dưới ánh sáng gì? Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ”

Đó là lần cuối cùng Thế Uyên gặp Trịnh Công Sơn, một con người ra đi từ “Tuyệt Tình Cốc” năm xưa.

*** 

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2022/10

Thế Uyên - Những người từ Tuyệt Tình Cốc

2016

the_uyen-dinh_cuong
Nhà văn Thế Uyên (1935-2013)
dinhcuong

Mùa hè năm đó tôi quyết định ra Huế. Một phần vì suốt đời tôi đã nghe nói nhiều về thành phố này, bạn bè xuất xứ nơi đây cũng đông, một phần vì tình hình chính trị và tôn giáo miền Trung đang bắt đầu sôi động dữ dội, có thể tác động tới tình hình chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, tôi được biết người bạn đồng môn cũ tại Đại học Sư Phạm và Văn Khoa Sài Gòn, là Hoàng Phủ Ngọc Tường đang là một trong những lãnh tụ sinh viên thanh niên ngoài đó. Chính Tường, qua một bạn chung, đã nhắn tôi ra chơi.

Tường và tôi quen nhau khi bắt đầu học ban Cử nhân Triết và ban Việt Hán năm thứ hai. Vóc người anh nhỏ nhắn, đầy sức sống, thích tranh luận và dĩ nhiên là tràn đầy lý tưởng, muốn đóng góp tối đa cho dân tộc. Con người là như thế, lại có nhiều tư tưởng đi ra ngoài đường mòn của khuôn sáo Đại học, anh thường bị các giáo sư không ưa…như tôi vậy. Hơn nữa, tôi bị giáo sư Nghiêm Toản kỵ bao nhiêu thì Tường cũng bị y như thế. Thầy Toản trụ trì cửa ải bắt buộc phải đi qua là chứng chỉ Văn chương Việt Nam tại Văn khoa. Không có chứng chỉ này, dù có đỗ tới đâu, cũng không được cấp bằng cử nhân. Tường và tôi cộng lại, hai đứa rớt tới xấp xỉ bảy kỳ thi mà không đứa nào lấy nổi chứng chỉ này. Quan điểm văn học của giáo sư Nghiêm Toản quá cổ điển, quá khuôn sáo đường mòn, có lẽ chỉ hợp với một thời thái bình thịnh trị. Làm sao hai đứa thanh niên như bọn tôi có thể ép mình vào khuôn sáo đó.

Các cụ xưa thường bảo ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Tôi với Tường sớm thân nhau cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng hai đứa cũng lắm lúc bất đồng ý kiến hơi nhiều. Tôi đã bắt đầu viết văn, có lẽ vì thế nên nhìn cuộc đời và con người bao dung, nhân bản hơn Tường. Đương sự lúc nào cũng cực đoan, không đầu này thì đầu kia. Sau khi ra trường, Tường trở về Huế dạy học, còn tôi đi con đường riêng của mình, với nhiều sóng gió, và đã trở thành một người lính viết văn – hay là một nhà văn đi lính thì cũng thế. Nhưng dù là gì, đến mùa hè năm đó, tôi đã là một nhà văn thành danh, bắt đầu hơi ồn ào về một đường lối văn nghệ cũng như xã hội mới. Tôi biết Tường có đọc hết những bài văn của tôi, và vì thế, anh muốn tôi ra Huế để tranh luận, và nếu có thể, kéo tới gia nhập phong trào đấu tranh dữ dội sắp phát động tại miền này.

Tôi đi cùng hai người bạn. Một người là chủ bút tập san chính tôi đang hợp tác. Người thứ hai là một sĩ quan không quân đang giữ chức vụ chánh văn phòng tại Bộ Thanh Niên – với cái gốc lính tàu bay chính cống, anh bạn này bao sân tất cả việc đi về của bọn tôi bằng máy bay quân đội. Sau khi phi cơ nhỏ đáp xuống sân bay trong Thành Nội, anh bạn không quân đã tách ra đi lo việc của anh, quẳng cho tôi cái xe jeep cũ xì của Ty Thanh Niên địa phương.

Được báo trước ngày giờ, anh bạn chủ bút và tôi kiếm ra Tường không khó khăn gì. Kể từ ngày chia tay nhau ở sân trường lạo xạo đá ong đầy bóng mát của Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, đây là lần đầu tiên hai đứa mới gặp lại nhau. Không kịp hàn huyên gì cả vì Tường cho biết Tổng Hội Sinh Viên đã họp mặt đủ để đón tôi tại trụ sở. Tất cả leo lên cái jeep cũ. Tôi lái, Tường chỉ đường cùng giới thiệu những địa danh nổi tiếng của Huế. Điểm đặc biệt làm tôi chú ý là cách kiến trúc các nhà, nhất là trong khu Thành Nội. Cái gì cũng nho nhỏ nhưng đầy tách biệt với nhau trong một thứ trầm lặng đầy sóng ngầm. Những con đường cũng thế, nhỏ, êm vắng nhưng không thanh thản. Tất cả như toát ra một cái vẻ vừa trì kéo của quá khứ, vừa muốn vùng lên mà bung ra dữ dội. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao con gái xứ Huế có phong thái vừa khép nép giữ gìn, ngoan ơi là ngoan, lại vừa đam mê cuồng nhiệt khi đã lâm vào thế buông thả.

Buổi trao đổi ý kiến tại Tổng Hội Sinh Viên chưa chi đã đầy sóng gió của bất đồng. Nếu cá nhân tôi đồng ý dễ dàng với những người bạn trẻ xứ Huế về điểm để chính quyền tiếp tục trong tay các tướng lãnh quân đội, thì tương lai dân tộc khó khá nổi, thì bọn tôi lại không đồng ý với nhau về chính sách chống lại Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tấn công miền Nam. Cùng là lớp trẻ nên dù thảo luận có gay go, cái bụng cũng thấy đói. Cả bọn đồng ý hoãn tới ngày hôm sau, để cùng nhau đi ăn ở một quán cơm khá bình dân, sinh viên hay lui tới gần giòng sông Hương.

Rồi sau đó là theo Tường đi thăm những người bạn xứ Huế có uy tín đấu tranh, hoặc có ít nhiều chất văn trong người. Tôi đã đến thăm nhà của Trần Quang Long, căn nhà nghèo nhưng có vườn cây chanh nho nhỏ đủ để tác giả đặt tên tập thơ của mình là Hoa Chanh. Tôi đã ngồi trong căn phòng học nhỏ xíu của Nguyễn Đắc Xuân nghe những bài tâm ca mới làm của Phạm Duy, thu vào tape đêm ông bạn già lênh đênh trên sông Hương cùng lớp trẻ này – đây là lần đầu tôi được nghe mười bài Tâm Ca, và đã thấy xúc động vô cùng khi nhìn xuống giòng sông nhỏ kề sát có bụi tre xơ xác buông rũ. Tôi đã được đưa đến một quán cà phê nhỏ xíu trong Thành Nội, ngay giữa lục bộ thời xưa của triều Nguyễn, đã vào điện Thái Hoà đứng cạnh ngai vàng để hiểu rằng các nhà lãnh đạo thời quân chủ của Việt Nam thường vô cùng khiêm tốn, tránh xa hoa, nếu so với các vị vương gia khác trên thế giới cùng thời. Tôi đã leo lên cửa Ngọ Môn uy nghi nhìn xuống quãng trường rộng phía dưới để hiểu rằng các vương triều thời xưa phải trọng võ đến mức nào. Làm người Việt Nam, lỏng tay cung kiếm là mất nước như không.

Tôi đã cùng Tường và các bạn khác nữa đã có lúc ngồi ở một quán cà phê do một đại gia suy sụp mở. Bàn kê ngay trên thềm hiên cạnh ngạch cửa của một ngôi nhà lớn cổ kính rêu phong và tôi có giương mắt lên quan sát, dù ở đây hay trên các con đường của Vĩ Dạ, ít khi thấy bóng dáng một giai nhân tha thướt ẩn hiện. Có lẽ tôi chỉ được nhìn thấy nhiều cô gái Huế trong quần áo trắng mỏng manh vừa mời mọc vừa thủ thế che dấu tại cầu Trường Tiền giờ tan học. Có lần tôi đã nửa đùa nửa thật hỏi Tường : Huế như thế này thì yêu đương làm sao đây ? Coi bộ muốn tán một cô thì phải lập kế hoạch ngũ niên chăng ? …Điều bất ngờ nhất là cả Tường và các bạn đi cùng đều xác nhận thời gian này là đúng. Họ đều biết nàng của mình, quen nàng từ lâu, rất lâu, trước khi có thể ôm lấy tấm thân mảnh dẻ với vòng eo nhỏ bậc nhất thế giới để mà hôn lên môi hay rước nàng về làm vợ. Sự khẳng định này làm tôi nhục chí thấy rõ, không còn mơ tưởng sẽ có một cô bạn gái hay người tình xứ Huế nữa.

Cuộc thảo luận sau đó cũng không dẫn tới đâu. Bất đồng quá sâu đậm giữa hai bên. Nhất là về sự tham chiến của quân đội Mỹ. Những người bạn xứ Huế của tôi ghét Mỹ một cách tổng quát, rất thể xác. Có thể nói ngửi thấy mùi Mỹ, trông thấy người Mỹ là họ nổi gai lên rồi – dù những người lính Mỹ thời kỳ này muốn đến thăm Huế đã phải mặc thường phục theo yêu cầu của thượng cấp để khỏi chọc giận thanh niên nơi này. Những người bạn Huế nhắc quá nhiều tới chuyện một cô gái điếm trẻ bị lính Mỹ hiếp chết quăng xác vào bãi rác, thậm chí một lần khi tổng cộng tám người cùng leo lên chiếc xe jeep cũ tôi lái, đã có bạn buông ra một câu : “Tám người mình đâu có nặng bằng bốn thằng Mỹ ha !”. Có thể nói họ có phong cách như các cụ xưa thời Minh Mạng Thiệu Trị và Tự Đức, coi người da trắng mắt xanh đều là bọn “Bạch quỷ”, hoặc tệ hơn, như Nguyễn Huệ đã có lần coi người Tây phương là những cái xác trắng bệch trôi từ biển Bắc xuống.

Về điểm nào chứ điểm này tôi bất đồng dữ dội. Tôi trình bày thẳng thắn là tôi và các bạn ở Sài Gòn cũng có chống Mỹ, nhưng là chống chính sách Mỹ đang áp đặt cho Việt Nam. Nói kiểu bây giờ, là chống cái policy của chính quyền Mỹ đang theo đuổi trong chiến tranh Việt Nam – thứ policy chắc chắn sẽ đưa miền Nam đến thảm bại trong tương lai. Cuộc chiến tranh này là của chúng ta mà, người Mỹ lúc này có mục tiêu tạm thời trùng hợp với Việt Nam Cộng Hoà, thì họ mang quân tới giúp. Ngày nào họ hoà được với Trung Quốc, ngày ấy họ sẽ rút khỏi phần đất Việt không vương vấn. Nước Mỹ nói chung, đâu có quyền lợi kinh tế và văn hoá nào đáng kể ở Việt Nam để vương vấn. Tôi trình bày thẳng thắn những ý nghĩ đó và nói thêm đối với tôi, sự hiện diện của quân đội Mỹ là cái mộc tốt, đỡ đòn cho ta để người Việt quốc gia có đủ thì giờ chấn chỉnh lại nội bộ một cách toàn diện, nghĩa là làm Một cuộc cách mạng không Cộng Sản, để sau đó mới có đủ sức giữ vững miền Nam. Đến đây thì Tường và các bạn Huế không có gì phản đối. Nhưng khi tôi nói rõ thêm rằng như thế quân đội Mỹ là một thứ bạn đồng minh thực sự, dù là giai đoạn, thì tất cả những bạn này phản đối. Tôi cũng chẳng chịu, tôi cũng trẻ như họ, hăng hái kém gì trong ngôn từ và tranh luận, nên đã tuyên bố đại khái :

“Tôi đã từng chiến đấu cạnh những quân nhân Mỹ, và trong tương lai nếu cần, tôi sẽ còn tiếp tục như thế !”.

Đến đây cuộc thảo luận bế tắc. Chẳng ai chịu nhường ai điểm nào. Người bạn chủ bút liền đề nghị chấm dứt mọi thảo luận chính trị để khỏi bất hoà. Tường và tôi là bạn học cũ nhiều năm, không ai muốn tan vỡ tình thân hữu đó. Cả hai bên đồng ý kể từ nay chỉ gặp gỡ nhau trên bình diện thân hữu và văn nghệ mà thôi. Tường liền đề nghị một buổi gặp gỡ thuần tuý văn nghệ tại Tuyệt Tình Cốc đêm hôm sau.

Tuyệt tình cốc ? Nội cái tên nghe cũng đã được rồi. Thời đó thế hệ thanh niên bọn tôi đều mê kiếm hiệp Kim Dung, đến độ ở Sài Gòn thiếu gì người cầm bút đã mượn tên các nhân vật của Kim Dung làm bút hiệu, và các bạn Huế của tôi sau này mở một quán cà phê nhỏ, cũng đặt tên là Doanh Doanh. Tối hôm sau, tôi lái cái jeep cũ một mình tới điểm hẹn đón Tường. Thành phố Huế còn xa lạ với tôi, Tường bảo quẹo đâu thì tôi quẹo đó để rồi ngừng ở một con đường u tĩnh – bây giờ bảo tôi nhớ tên hay kiếm lại, chắc không nổi. Đã thế, Tường dắt tôi đi bộ trên đường nhỏ len giữa các hàng rào cao.

Tuyệt Tình Cốc là một căn nhà tranh vách gỗ giản dị nằm sau một sân rộng. Cả ba gian nhà đã đầy người dưới các ánh nến chập chờn. Hầu hết là thanh niên, ngoại trừ ba người là nữ. Và người nữ lớn tuổi nhất nơi đây được Tường giới thiệu dưới cái tên Tuý Hồng. Tuý Hồng thì tôi biết vì mới đọc vài truyện ngắn đầu tiên của cô đăng trên Bách Khoa. Lối viết mạnh bạo, nhất là về địa hạt tình dục của cô gái này làm tôi thích thú – tôi vẫn nghĩ từ lâu tình yêu bao giờ cũng bao gồm cả tình cảm lẫn thân xác, viết văn mà chỉ lãng mạn nhìn nhau qua hoa lá cỏ cây thôi không đủ. Phải nhìn thấy và thèm muốn thân thể nhau nữa…

Tôi không có thì giờ để nói nhiều với Tuý Hồng đêm đó ngoài vài câu chào hỏi vì số người hiện diện khá đông. Là khách phương xa nên tôi được mời ngồi trên chiếu giữa trải ngay trên nền đất, và khỏi nói cũng có thể biết ly cà phê được pha thật ngon, đậm sánh. Dưới ánh nến mờ ảo khói thuốc bay mù mịt thân ái quyện vào nhau. Bọn tôi đã giao hẹn trước, đêm nay không một ai được nói đến chuyện chánh trị, cách mạng, xuống đường, đấu tranh chi hết.

Sau cùng đến mục văn nghệ. Tường giới thiệu với tôi người bạn trẻ nhỏ và gầy, đôi mắt dịu dàng sau làn kính cận, hầu như không nói gì từ lúc bắt đầu dù anh ngồi đối diện tôi. Đó là Trịnh Công Sơn.

Lúc ấy nhạc của anh chưa được in ra, ở miền Nam chưa ai biết tới anh, kể cả tôi. Từ hôm tới Huế, Tường đã vài lần nhắc tới Trịnh Công Sơn và khen rất nhiều tài năng của người nhạc sĩ trẻ này. Tôi đã chỉ ừ à cho phải phép. Nhưng đêm nay, ngay sau khi Sơn ôm đàn hát lên một bài của mình về một vết lăn trầm, tôi đã thấy ma lực của lời cũng như nhạc. Sơn càng hát thêm, tôi càng cảm thấy bị quyến rũ. Có lẽ đây mới là thứ nhạc của thế hệ trẻ chúng tôi, thế hệ lớn lên trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài. Cuộc chiến do thế hệ cha chú phát động, nhưng bọn tôi phải cầm súng, chiến đấu và chết, dù chết như một nạn nhân vô danh trong một cuộc pháo kích tầm thường tăm tối. Tôi đã thành thực khen tài Trịnh Công Sơn đêm đó, anh vẫn chỉ cười nhẹ nhàng và hiền lành sau đôi kính cận. Có thể nói trong những bạn Huế của tôi thời đó cũng như sau này, không ai hiền lành, khiêm tốn bằng anh.

Khi rời Tuyệt Tình Cốc đêm đó, tôi với Tường tách ra đi riêng trong đường hẹp tăm tối. Với tư cách bạn cũ, tôi đã hết sức khuyên Tường đừng phát động cuộc đấu tranh dự trù, bởi vì dù có lật đổ được tướng lãnh này hay kia, đâu có thay đổi được tình hình. Tôi cũng e ngại rằng sau khi thất bại, Tường và các bạn sẽ không còn đường chạy nào khác là ra ngoài mật khu với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam…Những con người cộng sản Việt Nam trước sau cũng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin tới cùng và đó chẳng phải là một giải pháp tối ưu – có thể nói thêm đó là một giải pháp chót, tệ nhất cho dân tộc Việt.

Tôi cũng nói đã thấy thấp thoáng cạnh Tường người của Mặt Trận cài vào. Tường năn nỉ chỉ giùm những người đó, dĩ nhiên tôi từ chối vì bản thân cũng không biết chính xác. Tôi cũng rán thuyết phục Tường đưa phong trào tách khỏi thầy Trí Quang bởi vì trong những vị sư lãnh đạo thời đó, tôi e dè thầy này nhất, vì ông tuy có uy tín, có tài lãnh đạo, nhưng lại không có một chính sách nào đáng kể và dài hạn cho miền Nam cả. Về điểm này, Tường cương quyết lắc đầu vì anh cho rằng không có thầy Trí Quang, anh và các bạn trẻ sẽ không đủ sức phát động cuộc đấu tranh mong muốn.

Những người muốn quá giang xe tôi, trong đó có Tuý Hồng, đã lên xe ngồi đợi nên hai đứa không thể nào kéo dài câu chuyện. Tôi đưa tay bắt Tường thật thân hữu, Tường đáp lại nồng nhiệt không kém, vì cùng ý thức được rằng cả hai sắp lao vào những cuộc chiến đấu lớn lao, phải trả giá bằng sự tự do và cả sinh mạng của chính mình. Mỗi người một con đường.

Tôi một lần nữa lái xe trong đêm khuya của thành phố cổ kính trầm lặng nhưng sôi sục ngấm ngầm. Ai bảo tôi quẹo đâu thì tội quẹo đó, bảo ngừng cho xuống thì tôi ngừng. Sau cùng chỉ còn Tuý Hồng ngồi cạnh tôi. Nàng đã nhỏ nhẹ chỉ đường cho tôi về nhà nàng, gần một con sông nhỏ xíu có một bến nổi danh từ lâu trong thi ca Việt Nam, nhất là trong những đêm trăng. Và đêm nay cũng có trăng, dù trăng hơi mờ. Khi tôi ngừng xe ven đường có con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Tuý Hồng, trong một khoảnh khắc, cảnh đẹp nơi này đã làm người tôi ngẩn ngơ. Tôi im lặng và Tuý Hồng cũng thế. Nhà văn mới viết này rụt rè, ít lời trong giao tế – sau này nổi tiếng khắp nước với bút pháp độc đáo, lối sử dụng chữ nghĩa tiếng Việt khéo léo như phù thủy có ma thuật, cũng vẫn dịu dàng, rụt rè trong giao tế thường nhật như thế thôi.

Sau cùng tôi xuống xe, đi vòng sang phía bên kia đỡ cô gái xuống. Hai đứa từ giã nhau giản dị như hai người bạn cũ và tôi châm một điếu thuốc đợi Tuý Hồng đi khuất vào trong hẻm, dưới ánh trăng nhạt tràn đầy trên tất cả…Tôi cho xe chạy ra bờ sông. Một đêm như thế này, làm sao có thể ngủ được. Hai người bạn đồng hành từ Sài Gòn đã hẹn tôi ở một quán để cùng nhau ngủ đò trên sông Hương đêm nay. Tới Huế, dù có lang thang tới đâu, thăm đủ các lăng tẩm chùa chiền, nhưng nếu là nam nhi, chưa ngủ đò, thì kể như chưa trọn vẹn là đã tới Huế.

Bến đò ba đứa bọn tôi hẹn nhau có cảnh cũng tầm thường thôi, nhưng khi con thuyền đã tách bến, neo gần giữa giòng sông, thì cảnh thay đổi hẳn. Những ánh đèn bên trong bờ loé sáng thơ mộng hơn, không lấn át ánh trăng tỏa trên thuyền, trên giòng sông có nước hầu như không chảy. Ba đứa tôi bàn đủ thứ truyện, các đề tài sôi động của thời ấy, xen kẻ với những lúc gọi các hàng quà, gọi bia. Chưa nơi nào hàng rong thơ mộng như trên giòng sông này. Mỗi một hàng là một con thuyền nhỏ, dáng thon mảnh như lá tre, một ngọn đèn dầu nhỏ tỏa một vòng nhỏ ánh sáng cạnh một bếp đỏ than hồng. Món gì cũng nóng hổi, thơm lừng và dĩ nhiên cay xè. Ăn xong một tô bún bò nhỏ cay bỏng lưỡi để rồi sau đó tu một chai bia 33 ướp lạnh, không gì thú vị bằng.

Nhưng rồi cũng như bao cuộc ăn nhậu giữa các nam nhi xa nhà với nhau, đề tài cuối cùng được đưa ra vẫn là kiếm một bạn đồng sàn một đêm. Cái gì chứ cái đó trên sông Hương thì dễ có thôi…Nhưng các nàng kiều nữ xuất hiện cũng khác tại bất cứ nơi đâu : tất cả đi bằng những chiếc thuyền nhỏ thanh mảnh từ từ đậu sát vào chiếc thuyền lớn. Cô nào cũng mặc đồ bộ may bằng vải nylon mỏng nhất phủ ra ngoài những bộ đồ lót nhỏ xíu, mỗi người một màu sắc khác nhau. Bọn tôi đỡ các cô lên thuyền, đặt ngồi cạnh trên khoang phía trước, nhưng chưa ai thấy hứng thú dục tình. Cảnh trí đẹp, đề tài ba đứa đang thảo luận quá hào hứng, nên bọn tôi chỉ tháo gở hết toàn bộ áo quần hai cô gái rồi để nằm dài bên cạnh dưới ánh trăng. Ngay tôi cũng vậy, vừa uống bia vừa thảo luận, tay kia vuốt ve thân hình đầy đường cong êm ái của cô gái nằm cạnh, thấy cũng quá đủ thú vị, không cần phải có mục sau cùng. Nhưng các cô thì khác, thời gian với họ là tiền bạc. Mỗi đêm họ cần cho thuê thân xác tối đa…Bởi thế cô gái nằm cạnh tôi sau cùng đã nói nhỏ : Các anh đi đi cho tụi em còn về..

Đã được nhắc thì phải mang nhau vào khoang trong nhập cuộc mây mưa thôi, và quả thực đêm đó khoái cảm tôi thu nhập được thật nghèo nàn. Ra ngoài khoang trước tiếp tục uống bia hút thuốc ngắm trăng còn thú vị hơn nhiều.

Đêm thức khuya nhưng bọn tôi vẫn dậy sớm vì những tiếng cười nói nô giỡn của phái nữ ngay trong giòng sông. Tôi thò đầu ra ngoài đúng lúc mặt trời bắt đầu tỏa những ánh hồng đầu tiên trên những kiều nữ từ tất cả các thuyền có thuê thân xác các cô qua đêm. Họ cứ mặc nguyên bộ đồ mỏng như thế mà bơi trong nước, thỉnh thoảng lại leo lên một tảng đá ngầm, đứng thẳng người lên tắm gội. Cả ba đứa tôi cùng đột nhiên để ý tới một cô gái mặc đồ xanh đứng trên đá ngầm gần thuyền. Bộ đồ mỏng ướt nước đã bày lộ rõ một thân hình đẹp, chắc chắn nhưng mảnh mai của con gái thành thị – không ngắn và háng chắc quá to như các cô gái điếm thông dụng khác – người bạn tôi đưa tay vẫy, cô gái mĩm cười, bơi lại. Bọn tôi đưa tay kéo cô gái lên thuyền, đưa vào khoang trong. Sau một đêm nhậu nhẹt và một giấc ngủ ngon, lòng trai bây giờ mới nổi sóng dữ. Nhất là dưới ánh nắng đầu tiên chiếu qua cửa sổ khoang thuyền, thân hình cô gái tuyệt đẹp, trắng không một vết gợn. Cả ba đều giành nhau nhập cuộc trước nên tôi đề nghị rút thăm. Nghe lời đó, đột nhiên cô gái chua chát nói với tôi : “thân em đã đến như thế này mà anh còn nỡ đưa ra làm đồ vật để bắt thăm sao?”

Từ khi lớn lên, Tôi đã gặp gỡ thiếu gì gái điếm và chưa bao giờ tôi khinh bỉ họ. Đối với tôi, họ đáng thương và dù có làm điếm, cũng vẫn là một con người. Tôi thường bao giờ cũng dịu dàng và thân hữu với họ. Bởi thế, sau khi nghe câu trách của cô gái, tôi buông ngực nàng ra, ngỏ lời xin lỗi, rồi bỏ ra ngoài mũi thuyền, uống ly cà phê nóng đầu tiên của một ngày trên giòng nước đã chuyển sang màu xanh thẵm dưới ánh nắng của một ngày mới bắt đầu.

Bọn tôi rời chiếc thuyền và giòng sông đi Đà Nẵng, lên máy bay quân sự trở về Sài Gòn vào lúc đêm đã khuya. Từ đó chưa lần nào tôi gặp lại Tường nữa.

Cuộc chiến đấu của Tường và những thân hữu xứ Huế đã bùng ra sôi nổi vô cùng sau đó. Nhiều năm, rất nhiều năm về sau, nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở Hoa Kỳ đã lấy nhân vật Hoàng Phủ Ngọc Tường này, thêm phần hư cấu tạo ra nhân vật Tường trong truyện dài Mùa Biển Động. Trên thực tế, đúng như tôi đã lo ngại, khi cuộc chiến đấu thất bại, đa số những người bạn này, kể cả Tường, chỉ còn con đường chạy ra ngoài khu với Việt Cộng. Sau 30 tháng tư 1975, Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng và thống trị mới. Tôi không biết anh giữ những chức vụ gì ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tài văn chỉ đại khái thôi. Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ liên lạc hay tới thăm tôi nữa. Cái tệ của chủ nghĩa Mác Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù.

Trong những người từ Tuyệt Tình Cốc đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa. Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng . Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa. Vẫn xềnh xoàng với chiếc áo sơ mi kaki hay trắng ngắn tay với chiếc quần không mấy khi thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được. Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng…có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.

Vợ tôi, y hệt trăm ngàn phụ nữ khác của thế gian này từ thời khai thiên lập địa tới giờ, rất quan tâm tới việc xem ai là người tình của Trịnh Công Sơn. Và quả thực tôi đã không trả lời được. Tôi không thấy dấu vết đâu là người tình của Sơn. Tôi chưa bao giờ gặp anh đi thân thiết với một cô gái nào. Có thời kỳ tôi tưởng Khánh Ly có thể là ” người tình trong bóng tối ” của Sơn, vì Sơn hay nhắc tới cô du ca này với giọng trìu mến. Anh khen Khánh Ly có một thông minh tuyệt vời về âm thanh, dạy qua một vài lần là đã hiểu, nắm vững được bản nhạc cùng cách thế diễn tả. Nhưng tôi biết là không phải từ hôm đang đứng nói chuyện với Sơn ở thềm hiên Hội Hoạ Sĩ Trẻ Sài Gòn. Khánh Ly tới, cần hỏi anh điều gì gấp. Nhìn cách thế cô du ca này đặt tay lên cánh tay Sơn, nhất là nhìn ánh mắt nàng nhìn Sơn, tôi hiểu giữa hai người chưa bao giờ có chuyện ái ân. Phụ nữ, khi họ đã từng làm tình với một đàn ông nào trong yêu thương, ánh mắt họ nhìn người đàn ông ấy sẽ hơi có tính cách sở hữu thân thuộc khá dễ nhận ra. Nhiều năm về sau, trong một bài phỏng vấn ở Hoa Kỳ, nữ ca sĩ này cũng xác định là trước sau không có quan hệ thân xác nào với Sơn cả.

Vậy ai là đối tượng yêu đương để nhạc sĩ này làm ra những bản tình ca tuyệt vời như thế ? Tôi không biết và e rằng cũng chẳng còn cơ hội nào để biết.

Cùng ở Sài Gòn, nhưng tôi quá bận nên thỉnh thoảng mới gặp Sơn. Một lần nhóm Thái Độ tổ chức một buổi ra mắt sách tại quán Hầm Gió của Nam Lộc. Phạm Duy, Miên Đức Thắng và Trịnh Công Sơn đều đến tham dự. Khi men bia đã ngà ngà, một người đề nghị cả ba nhạc sĩ lên hát chung một bài. Đứng giữa Phạm Duy mập mạp và Miên Đức Thắng đẹp trai to khỏe, Sơn thật mảnh mai, thư sinh. Sơn đề nghị hát một bài của Phạm Duy, nhưng ông bạn già này tế nhị từ chối. Sau cùng cả ba cùng đàn và hát một bài của Sơn, trong lúc đó tôi ngồi ngay trên bục gỗ dưới chân, tay cầm một ly bia lớn. Tôi đã thích thú vô cùng vì bài nhạc được lựa là một trong những bài tôi ưa thích nhất thời đó.

Vài hôm sau 30 tháng tư 1975, tôi đang đạp xe tới trường thì gặp Sơn đang đứng ở vĩa hè gần ngã tư Phan Thanh Giản Lê Văn Duyệt. Hai đứa mừng rỡ bắt tay nhau. Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là ngụy quân ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn. “Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu ?”. Nghe kể, tôi phì cười và hỏi ông bạn nhạc sĩ hiền lành đã kiếm ra cơ quan nào phụ trách cấp giấy tờ chứng nhận trốn lính hay chưa…Tôi có hỏi anh về vụ anh hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chế độ, thì anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không.

Sau khi tôi được tha khỏi trại cải tạo, tình hình phía Trịnh Công Sơn đã khá hơn. Trước hết anh không phải đi cải tạo – trong ba diện chính phải đi là sĩ quan, công chức từ cấp phổ thông trở lên và đảng phái cũ, thì anh đều không dính. Hơn nữa, anh đã được hội nhạc sĩ thành phố kết nạp làm hội viên. Trụ sở hội đặt tại một toà nhà nhỏ trong khuôn viên của Hội Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh đường Trương Minh Giảng. Mỗi lần tôi ghé câu lạc bộ nơi này thăm bạn bè như Sơn Nam hay Vũ Hạnh, tôi đều gặp anh.

Có lần được đọc một bài Sơn viết đăng trên một tạp chí của Đảng trong đó anh tuyên bố rằng trước tháng tư 75 anh đã đi trong bóng đêm và làm những lời than khóc, còn bây giờ anh đã được đi trong ánh sáng mặt trời…Nhưng đọc thì đọc thôi, tôi không có ý kiến gì bởi vì trong chế độ cộng sản, ai cũng có thể bị ép buộc để nói ra những lời không thật, lắm khi trái cả với ý nghĩ hay lập trường chân thật của mình. Ngay cả báo chí phỏng vấn cũng vậy. Bất cứ ai khi được phỏng vấn, đều được mớm sẵn câu trả lời cho đúng bài bổn. Giả thử ai có tuyên bố bất ngờ khác với bài bổn qui định, thì toà báo cũng không đăng. Chưa kể trong nhiều trường hợp, nhà báo còn ghép cho mình những câu không hề nói.

Bởi thế trong thời kỳ cắp sách đi học Văn và Sử tại trường Sư Phạm Bồi Dưỡng, khi giáo sư chủ nhiệm bấm cho biết hôm nay sẽ có nhật báo Sài Gòn Giải Phóng đến kiếm để phỏng vấn, tôi đã khá đau đầu để kiếm cách tránh né. Đang là sinh viên, đâu có cúp cua ở nhà dễ dàng được – nhất là khoá học này quan trọng đặc biệt cho toàn thể gia đình : tôi có học xong và được bổ nhiệm làm giáo sư trở lại thì cả nhà mới khỏi phải đi vùng kinh tế mới An Biên tít mãi miệt Rạch Giá sình lầy…Cứ nghĩ tới cảnh vợ tôi phải lội sình ngang lưng với đỉa như bánh canh, thì quả thật tôi không đùa với ban giám đốc trường đang học được. Sau cùng tôi đã phải dùng một kế rất trẻ con là giờ đầu kiểm danh, tôi có mặt đàng hoàng, nhưng đến giờ thứ hai thì tôi rủ một người bạn nữa phóng qua cổng chui vào quán cà phê túi gần đó núp. Giờ chót lại có mặt trong lớp. Giáo sư chủ nhiệm túm lấy tôi, than là đã phải để phóng viên trở về tay không vì không kiếm ra tôi…Tôi mượn vài lời nói khéo xin lỗi cho qua, còn hơn là để bị phỏng vấn rất tức cười. Tránh không được thì bà con Sài Gòn sẽ được đọc một bài Thế Uyên tuyên bố bí beng giống y chang một nhà văn chính cống từ miền Bắc mới vào. Ngay về sau Tin Sáng của Ngô Công Đức phỏng vấn cũng vậy, chỉ có một phần lời tuyên bố là của tôi, còn lại là nhà báo tự tiện thêm vô cho “đúng bài bổn”.

Tuy ở vị trí khá hơn tôi nhiều, nhưng về phương diện tác phẩm thì Sơn cũng chịu chung cùng một số phận. Toàn thể những bản nhạc anh sáng tác trước 30 tháng 4, 1975 đều bị xếp loại “văn hoá thực dân mới” (Đảng gọi toàn bộ văn hoá văn học của miền Nam bằng từ ngữ như vậy), bị cấm phổ biến, tàng trữ và lưu hành. Toàn bộ đây là tất cả, kể cả bài Sơn hát về Nối vòng tay lớn để cùng xây dựng lại đất nước.

Thật cũng kỳ lạ, nhiều năm về sau, sau khi định cư ở Hoa Kỳ, tôi lại thấy trên một số báo chí hải ngoại có những bài hô hào đừng nghe đừng hát nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác trước tháng 4-75 nữa vì đương sự là cộng sản. Những người cộng sản khi phủ nhận nhạc Sơn, họ có một hệ thống kinh điển và bài bổn lập luận đàng hoàng. Còn những người cầm bút ở hải ngoại kia…

Nhưng như trên đã ghi, Sơn ở vị trí khá hơn, thoải mái hơn anh em văn nghệ sĩ miền Nam cũ. Anh bị xoá bỏ toàn bộ quá khứ, nhưng đảng cho anh tiếp tục tồn tại như một nhạc sĩ. Anh vẫn được ôm đàn đi hát những nơi anh được mời. Còn về sáng tác, anh vẫn được phép làm nhạc. Nhưng bài nào được phổ biến, bài nào bị vứt vào ngăn kéo, đó là quyền của đảng, không phải do Sơn. Tôi có theo dõi những bài Sơn mới làm, một số bài khá hay, được phổ biến từ Bắc tới Nam và thu vào tape cho cassette. Bước vào một quán cà phê nào có để nhạc, khách hàng cũng được nghe một vài bản của anh. Đề tài của nhạc Trịnh Công Sơn bây giờ thường là đề cao tình yêu thương giữa các người đồng loại, lòng say mê lao động tại các nông trường công trường xa.

Và đúng như lời Sơn tuyên bố, bây giờ anh không làm những lời than thở nữa. Nhạc anh mới làm, vui và hào hùng một cách nhẹ nhàng. Tôi ở lại với chế độ cộng sản hơn mười hai năm mới ra đi, trong suốt thời gian dài này, chưa bao giờ tôi thấy anh làm một bài nào ca tụng Hồ Chí Minh, ca tụng đảng cả.

Về nghệ thuật, bản thân tôi cũng như lớp trẻ mới lớn lên sau này, đều nhận thấy anh làm không hay bằng trước. Trước mười phần thì bây giờ chỉ còn chừng sáu bảy phần. Nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ để nhạc anh tiếp tục được ưa chuộng, và lần này, suốt từ Nam ra Bắc.

Đó là nói về văn chương chính thống, được phổ biến công khai. Còn trên thực tế, dân chúng cả hai miền vẫn thích nhạc trước tháng 4-75 của Sơn. Đảng cấm gắt gao thì ta hát nho nhỏ, nghe thì thào. Từ những người bộ đội trẻ của miền Bắc tới cán bộ lớp trung niên trở xuống, đều mua lén những tape nhạc cũ của Sơn để nghe một cách say mê, say mê hơn cả những người miền Nam chính cống nữa. Khỏi nói khi nghe và nghe say sưa những bản nhạc vàng đầy tình người này, tâm hồn những con người tưởng đã sắt đá trong chủ nghĩa ấy đã bắt đầu thay đổi.

Phía tôi, càng ngày tôi càng lánh xa con đường chữ nghĩa văn chương. Tôi không thể tiếp tục viết nếu những bài văn tôi viết không phục vụ cho dân tộc tôi. Thậm chí có lần tôi đã chua chát trả lời đại diện một tờ báo đảng mời tôi viết rằng “Bây giờ tôi viết cho ai đây. Viết cho nhân dân thì các anh không cho. Còn viết để ca tụng đảng, ca tụng chế độ xã hội chủ nghĩa thì các anh đã có quá đông người. Tôi rất tiếc không thể chen chân vào hàng ngũ ấy…”

Vào thời đó, lối ăn nói kiểu này gây mất lòng mất bề kinh khủng. Bởi thế ngay đến Hội Văn Nghệ Thành Phố cũng không chịu cho tôi gia nhập, dù chỉ với tư cách dự khuyết. Theo cách tổ chức của chế độ cộng sản, không được kết nạp vào hội văn nghệ nào, kể như văn nghiệp bị xoá bỏ cho cả tương lai.

Kể từ đó tôi ít lui tới trụ sở hội văn nghệ ở đường Trương Minh Giảng, và nếu có theo bạn bè đến, chỉ để uống cà phê khá rẻ ngoài sân cỏ rộng đầy cây cao bóng mát. Một lần, Sơn đã tâm sự với tôi, giọng buồn rầu : “Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho đảng !” Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao.

Nhiều năm nữa trôi qua tôi mới lại uống cà phê nơi trụ sở hội này. Không còn là nhà văn nữa, lui tới nhiều làm chi. Lần đó, tôi cũng gặp Sơn. Tình hình lúc đó đã thay đổi nhiều. Chủ nghĩa Mác Lê Nin đã tỏ ra thất bại trong việc mang lại tự do và cơm áo cho toàn dân, hàng ngũ đảng viên cán bộ đã thoái hoá nhiều, biến thành một thứ quan lại Bắc Kỳ tham ô hống hách. Đa số các đảng viên đã hết là con người cách mạng, mơ thực hiện một giấc mơ thiên đường hạ giới cho toàn dân.

Tôi hỏi đùa Sơn : “Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi dưới ánh sáng gì ?”. Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sơn, một con người ra đi từ Tuyệt Tình Cốc năm xưa.

Đêm đầu tiên tại trại tị nạn bên xứ Phi, cả gia đình tôi dùng những đồng tiền cuối cùng mang theo ra quán cà phê do dân tị nạn mở trong trại. Xứ Phi cũng có mùa đông nên trời khá lạnh. Quán lại bày bàn ghế giữa trời nên bọn tôi mặc thêm áo lạnh và tape nhạc đầu tiên bọn tôi yêu cầu chủ quán để cho nghe là một tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn. Ở Việt Nam, mọi người vẫn đàn và hát nhạc Trịnh Công Sơn cũ, nhưng bao giờ cũng mắt trước mắt sau xem có công an hay cán bộ nào ở trong tầm của âm thanh hay không. Ngay lũ con tôi cũng vậy, thường tới đêm khuya, tôi đã ngà say với xị rượu, chúng mới mang đàn ngồi chiếc ghế đối diện đàn những bản nhạc cũ xưa cho tôi nghe…Bây giờ đến được vùng đất tự do, phải nghe cho lớn và công khai cho đã.

Sau khi đã định cư ở Mỹ, tôi mượn tất cả những tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn của các bạn bè đi trước, để vừa uống bia vừa nghe lại hết những âm điệu cũ trong mùa đông dài đầu tiên nơi quê hương mới còn đầy xa lạ. Nhưng dĩ nhiên cả nhà dần dà không còn thấy hay, rung động như thời ở quê hương cũ nữa.

Con người phải thay đổi để hội nhập vào xã hội mới. Chúng ta phải xa dần nếp sống ngày xưa với nền văn hoá cũ quen thuộc. Người Việt hải ngoại mỗi ngày một nghèo đi về di sản văn hoá mang theo. Bởi thế tôi không đồng ý với những người bạn cực đoan kia đang đòi hỏi xoá bỏ nhạc Trịnh Công Sơn khỏi gia tài văn hoá cũ. Là một giáo sư dạy Việt văn hơn hai mươi năm xuyên hai chế độ, đã soạn sách giáo khoa cho học sinh trung học, có bao giờ tôi thắc mắc về những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến đâu.

Chúng ta đã giảng dạy trong bao nhiêu năm văn thơ của những Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng…trong khi những người này đã ở lại miền Bắc sau 1954. Chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã có lý vô cùng khi cho rằng những tác phẩm trước 1954 đã thuộc về gia tài văn hoá chung của người Việt Nam. Sau 1954, họ có theo đảng Cộng Sản thì là chuyện chọn lựa riêng của họ. Chúng ta chống Cộng thì con em sẽ không học những tác phẩm sáng tác sau 1954 .

Trong nhiều trường hợp, chúng ta còn mở rộng tới nền thi ca trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954, nếu những tác phẩm đó hay và không đề cao Cộng Sản. Từ bao nhiêu năm trước 30 tháng 4-1975 có ai thắc mắc về việc phổ biến những bài thơ của Quang Dũng, Hoàng Cầm….Đến độ bài Màu tím hoa sim được phổ biến thành nhạc phổ thông khắp hang cùng ngõ hẻm cũng đâu gây ra một thắc mắc trở ngại văn học nào.

Bởi thế tôi nghĩ rằng sống ở hải ngoại trong tới bốn mươi quê hương rải rác trên trái đất này, chúng ta không nên khó khăn quá đối với di sản văn hoá cũ còn mang theo được. Tất cả những nhạc Trịnh Công Sơn trước tháng 4-75 hãy để chúng thuộc vào gia tài văn hoá của Việt Nam. Một mình đảng Cộng Sản Việt Nam phủ nhận, đốt bỏ, cũng là quá đủ rồi. Còn với những bản nhạc nhạc sĩ này sáng tác sau 75, nếu hay và đầy đủ tình người, thì chúng ta cứ nghe.

Nhưng là vì người đã nghe nhiều nhạc mới của Trịnh Công Sơn, tôi cũng thành thực ghi nhận rằng loại nhạc này chẳng có bao nhiêu hy vọng được ưa chuộng trong thế hệ sau của Việt Nam hải ngoại. Bản thân chúng ta đã thay đổi dần, con cháu chúng ta còn thay đổi hơn. Nếu còn một chút góc tai nào muốn lắng nghe âm thanh của Việt Nam, cũng còn là điều đáng mừng cho tất cả.

Trời miền Tây Bắc nơi tôi cư ngụ về mùa Thu mùa Đông nhiều khi rất buồn. U ám, mây bay, sương mù, mưa dầm, không khí giá lạnh. Nhiều buổi sáng, khi kéo cổ áo cho mưa bớt rơi vào cổ, ngậm điếu thuốc, tôi đi như chạy trên những con đường nhỏ trong khuôn viên trường Đại Học đang theo học cho kịp giờ học kế…những lúc ấy thật thấy nhớ nhà và thèm cái nắng ấm của Sài Gòn, của Việt Nam nhiệt đới. Tâm hồn bay bổng đôi lúc về quê hương cũ, về những người thân yêu còn ở lại, về dân tộc mình bên kia biển Thái Bình Dương rộng lớn, tôi đôi lúc thở dài.

Trịnh Công Sơn đã có lý khi anh chọn ở lại quê hương. Nơi này, anh có đất nước, có dân tộc và dĩ nhiên có cả quê hương đích thật. Anh vẫn được làm một nhạc sĩ, mặc dù mười bài làm ra thì quá nửa không được chính quyền cho phổ biến. Nhưng với những bản còn lại, nhạc điệu và lời ca đẹp như thơ của anh vẫn được vang lên khắp từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đầy bùn lầy và phù sa. Anh được làm nhạc sĩ cho dân tộc hơn sáu mươi triệu của mình, trên quê hương mình. Anh chọn lựa ở lại là phải. Bởi vì ai danh tiếng cho bằng người bạn già Phạm Duy thân ái của tôi, nhưng hay đến mười bài Rong Ca thì cũng chỉ phổ biến trong có một triệu người xa quê phân tán trên khắp hành tinh trái đất này.

Trịnh Công Sơn ở lại là phải. Nhưng còn tôi, tôi ra đi cũng là phải. Tôi không thể ở lại để viết những bài trái với lương tâm mình, không phục vụ cho dân tộc mình. Ở lại, tôi trở thành một người già vô dụng, không giúp ích gì được cho bất cứ ai, và cũng chẳng còn là nhà văn tiếp tục. Ra đi, tôi có tự do và được làm nhà văn theo ý mình một lần nữa, dù chỉ là nhà văn cho có một triệu người.

Rốt cuộc mỗi người một hoàn cảnh. Chọn lựa nào cũng có cái lý của nó, và cũng có một nỗi buồn riêng. Một kết luận có vẻ nhiều bi quan. Có lẽ tại mùa Đông đang đến, tại buổi sáng sương mù, tại mưa rơi trên những con đường dẫn tới lớp học chăng ?

Tôi cũng không biết nữa.

Thế Uyên
Trích VĂN, Số 81, tháng 3-1989
Nguồn: Bài do nhà văn Nguyễn Thạch Giang gửi

https://sangtao.org/2016/07/14


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét