Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Việt Nam: Thông tin Vạn Thịnh Phát - Chính quyền càng kiểm soát, tin đồn càng lan tràn

Thông tin Vạn Thịnh Phát -   Chính quyền càng kiểm soát, tin đồn càng lan tràn

Cháy ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát khuya 13/10. /Screenshot cand.com.vn 

Chính quyền đang cố gắng kiểm soát thông tin liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Điều này, theo nhận định của một nhà báo trong nước, không những không che đậy được thông tin mà còn gây ra một sự hoang mang không đáng có trong xã hội.

Bộ Công an hôm 7/10 ký Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan”. Cùng quyết định khởi tố là Lệnh bắt tạm giam đối với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng ba người khác là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Báo nhà nước im lặng

Trên mạng xã hội vài ngày qua xuất hiện thông tin về vụ cái chết, được cho là nhảy lầu tự tử, của ông Nguyễn Ngọc Dương (48 tuổi) - Chủ tịch Tập đoàn Sài Gòn Penninsula - một công ty con của Vạn Thịnh Phát.


Hình ảnh được cho là cáo phó, địa điểm nhảy lầu cũng như bức thư tuyệt mệnh của ông Dương được lan truyền nhanh chóng trên không gian mạng. 

Trong khi đó, báo chí Nhà nước và phía công ty Penninsula cho đến lúc này đều im lặng, không đưa ra bất kỳ phát biểu nào về lời đồn này trái với trường hợp về lời đồn tử vong của hai lãnh đạo SCB khác trước đó vài ngày.

Vào đầu tuần trước, hai lãnh đạo khác của ngân hàng SCB, là ông Lưu Quốc Thắng - Trưởng Ban Kiểm soát SCB và ông Diệp Bảo Châu - Phó Tổng Giám đốc SCB cũng bị đồn là đã chết.

Sáng 12/10, đại diện SCB có thông cáo báo chí công bố hai người này vẫn đang điều hành công việc bình thường.

Các thông tin trên trang mạng xã hội cho rằng SCB có dính dáng đến Vạn Thịnh Phát và điều này đã dẫn đến tình trạng người dân đổ dồn đến các chi nhánh của ngân hàng này để rút tiền sau khi có quyết định khởi tố vụ án ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

SCB đã phủ nhận thông tin bà Trương Mỹ Lan có liên quan đến việc quản lý ở ngân hàng.

Từ ngày 6 đến ngày 10/10, hai người khác liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đột ngột qua đời là ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng.

Ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cũng là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, qua đời tối 6/10 tại nhà riêng.

Bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị công an bắt giam hôm 7/10, được gia đình thông báo chết hôm 10/10. Cơ quan điều tra không đưa ra lời giải thích về cái chết của bà Hồng.

Một số mạng báo trong nước như Vietnamnet, Pháp luật TPHCM ban đầu có đưa tin về những cái chết bất ngờ này. Tuy nhiên, sau đó, các tờ báo này đều đồng loạt âm thầm rút bài mà không nêu nguyên nhân.

Nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tờ Tuổi Trẻ, nhận định rằng đương nhiên là chính quyền phải chỉ đạo hạn chế đưa tin liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay SCB. Bởi, đây là các vụ án nhạy cảm vì có nhiều “dây mơ rễ má”:

“Vì đây là vụ án nhạy cảm còn đang trong vòng điều tra, nhiều dây mơ rễ má nên chính quyền không muốn báo chí đưa tin sâu. Ví dụ như những cái chết bất ngờ của người liên quan vụ án. Việc báo chí phải lột bỏ tin về cái chết của cô Hồng là minh chứng.”

Xử lý cư dân mạng

Một người hiện đang ở TPHCM, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho biết ông bị công an “mời” làm việc gần đây vì các bài viết liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB trên trang Facebook cá nhân của mình. RFA không thể tiết lộ danh tính và thời gian Facebooker này bị mời làm việc để đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin.

Người này nói mình bị tra hỏi bởi các nhân viên an ninh trong suốt hơn năm giờ đồng hồ. Ngoài ra, có rất nhiều cán bộ, phóng viên báo chí có mặt để quay phim buổi làm việc.

An ninh cáo buộc người này đưa tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tập đoàn vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB. 

“Họ nói mình gây hoang mang dư luận. Hiện nay ngân hàng SCB có số lượng người đến gởi tiền rất nhiều, mà mình viết bài để người dân đi rút tiền, làm ảnh hưởng uy tín của người khác.

Họ hỏi mình viết như vậy để làm gì; Họ nói tôi vu khống người ta làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người khác. Vì vậy, họ ghép tôi vào tội vu khống và một số tội khác nữa mà tôi không nhớ rõ hết.”

Trước khi được thả về, người này bị yêu cầu mở điện thoại cá nhân và tài khoản Facebook. Một viên an ninh lướt Facebook kiểm tra, thấy status nào liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay SCB thì xoá ngay.

“Trước khi kết thúc buổi làm việc, họ nói là buổi làm việc chỉ kết thúc ngày hôm đó thôi, sau này nếu bị mời nữa thì yêu cầu tôi hợp tác làm việc.

Sau khi làm việc với an ninh xong thì tôi phát hiện ra rằng tên của tôi bị đưa lên trên báo.”

Theo thông tin từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP.HCM, trong hai ngày 12 và 13/10/2022, cơ quan này đã làm việc với bốn người bi cho là “Lợi dụng mạng xã hội đưa tin xuyên tạc về Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát.”

Tin về Vạn Thịnh Phát vẫn lan tràn

Việc chính quyền muốn kiểm soát, ngăn chặn thông tin không về Vạn Thịnh Phát và SCB càng làm dư luận thêm tò mò, tìm kiếm thông tin liên quan đến vụ án này.

Ngày 7/10, các từ khoá như Vạn Thịnh Phát, SCB hay Nguyễn Tiến Thành… đều dẫn đầu tìm kiếm trên Google. Từ ngày 9 đến 15/10, cụm từ Vạn Thịnh Phát đều được Google Trend (xu hướng) đánh giá là tăng đột biến.

Screen Shot 2022-10-18 at 3.45.50 AM.png

Tìm kiếm từ khoá "Vạn Thịnh Phát" tăng vọt từ đầu tháng 10. Ảnh: Google trend 

Năm bài viết thu hút được lướt xem đứng đầu của Đài Á châu Tự do vào ngày 17/10 đều liên quan đến Vạn Thịnh Phát. 

Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang, nhận định với RFA rằng chủ trương bưng bít thông tin về Vạn Thịnh Phát là một bước đi sai lầm. Càng ngăn chặn thì người dân càng tò mò, từ đó, càng nhiều tin đồn lan tràn trên mạng xã hội. Tin đúng có mà sai cũng nhiều. Như vậy Chính quyền càng khó kiểm soát hơn:

“Đúng ra thì những biện pháp như thế nó chỉ làm mất uy tín thêm cho các cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam mà thôi. Họ chưa cân nhắc kỹ khi ra quyết định như thế.”

Theo nhà báo này, nếu báo chí trong nước được đưa tin một cách tự do, thì họ đã xác minh được liệu thông tin đồn đoán về những cái chết liên quan đến Vạn Thịnh Phát có phải là sự thật hay không. Từ đó, tránh gây ra một sự hoang mang không cần thiết trong xã hội.

https://www.rfa.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét