Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Chiến lược an ninh quốc gia của chính phủ TT Biden so với Đại hội Đảng lần thứ 20 của ông Tập

Tác giả Bradley A. Thayer 

Chiến lược an ninh quốc gia của chính phủ TT Biden so với Đại hội Đảng lần thứ 20 của ông Tập

Ảnh chụp Tòa Bạch Ốc lúc hoàng hôn ở Hoa Thịnh Đốn hôm 06/03/2021. (Ảnh: Erin Scott/Reuters) 

Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố “Chiến lược An ninh Quốc gia” (NSS) đầu tiên trong tháng này (10/2022), ngay trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). NSS nhấn mạnh âm mưu định hình chính trị thế giới của Trung Quốc và cảnh báo về “thập niên mang tính quyết định” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.  

Tài liệu cũng chỉ ra vấn đề Nga là một mối đe dọa “cấp bách” và “tiếp diễn”, nhưng không phải là mối đe dọa ngang hàng với Trung Quốc. Sau cùng, bản chiến lược nhấn mạnh về các vấn đề an ninh xuyên quốc gia, bao gồm biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu.  


NSS tuyên bố chiến lược của chính phủ TT Biden đối với Trung Quốc gồm ba trọng tâm sau: 1) đầu tư trong nước vào các nền tảng sức mạnh của Hoa Kỳ; 2) gắn kết các nỗ lực với các đồng minh và đối tác; 3) cạnh tranh một cách hợp lý với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ.  

Đọc tài liệu này, người ta được gợi nhớ tới câu chuyện đùa của cố danh hài W. C. Fields về cuộc thi mà giải nhất là một tuần ở Philadelphia và giải nhì là hai tuần — chúng ta nên biết ơn vì NSS đã không đề ra “giải thưởng” nhiều tuần hơn. Đó là một tài liệu thiếu sót một cách sâu sắc khi đề cập đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Điểm yếu của tài liệu này nằm ở chỗ không có năng lực nhận ra quy mô và phạm vi của mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Hoa Kỳ cũng như các lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh. 

Nhìn dưới góc độ lạc quan nhất, cách tiếp cận của NSS và của chính phủ TT Biden kể từ khi nhậm chức đối với mối đe dọa từ Trung Quốc là một sự kế thừa mờ nhạt từ chiến lược của cựu TT Donald Trump. Điểm khác biệt là, TT Biden không thực thi chiến lược đó mà lại duy trì các chính sách thất bại của các chính phủ trước thời cựu TT Trump — các chính sách vốn tìm cách thích ứng và ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc.  

NSS tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu và “chung sống hòa bình” hơn là đương đầu trực diện và đánh bại Trung Quốc. Tài liệu NSS là một cơ hội hiếm hoi và quý giá để trình bày bản chất của mối đe dọa đó — tại sao Trung Quốc là một địch thủ của Hoa Kỳ cùng các đồng minh và nên được đương đầu trực diện, và cách mà Hoa Kỳ cùng cách các đồng minh sẽ thực hiện điều đó.  

“Thập niên mang tính quyết định” được NSS định nghĩa, trên thực tế, là những thập niên trong quá khứ khi Hoa Kỳ còn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc bằng cách không thừa nhận nhà nước này có bất cứ tính hợp pháp nào, từ chối các khoản đầu tư và ngăn chặn Trung Quốc tiến nhập vào hệ sinh thái kinh tế của phương Tây. Thập niên này là hậu quả của chiến lược thất bại của việc thừa nhận chế độ [cộng sản] này và khuyến khích Trung Quốc tăng trưởng, điều mà ảnh hưởng tiêu cực của nó đã đản sinh ra sự cần thiết của NSS. 

Tài liệu này dự đoán rằng các quyết định của Hoa Kỳ hiện giờ sẽ hoạch định đường hướng tương lai. Thật vậy, thất bại trong việc chỉ rõ chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa và hành động thiếu kiên quyết khiến tương lai bị bủa vây bởi sự thiếu vắng chiến lược rõ ràng nêu rõ bản chất và mức độ nghiêm trọng của địch thủ của Hoa Kỳ, cũng như nhu cầu cấp thiết phải hành động ngay lập tức. Các hành động ứng phó cần thiết gồm có thông báo cho Wall Street, Thung lũng Silicon, giới truyền thông, các trường đại học, và toàn bộ công chúng về bản chất của mối đe dọa, khả năng thích ứng của nó, nâng cao nhận thức liên tục về mối nguy này, và bảo đảm rằng các tổ chức nói trên không hành động trái với lợi ích của Hoa Kỳ.  

Chiến lược an ninh quốc gia của chính phủ TT Biden so với Đại hội Đảng lần thứ 20 của ông Tập

Một nhà giao dịch theo dõi sàn chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở thành phố New York hôm 19/05/2022. (Ảnh: Seth Wenig/AP Photo) 

Các quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden cũng không khá hơn tài liệu này. Trong một lần trình bày về tài liệu này, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố rằng các công nghệ tối tân cần phải được bảo vệ thông qua chiến lược “hàng rào cao, sân nhỏ”, ý của ông là cần tạo một vị trí án ngữ cho các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ. Các công nghệ này phải nằm trong sân, và hàng rào phải đủ cao để bảo vệ chúng.  

Như ông Sullivan đã lưu ý, “Các công nghệ nền tảng phải nằm bên trong cái sân đó, hàng rào phải đủ cao bởi vì các đối thủ chiến lược của chúng ta không thể có cơ hội để khai thác, lợi dụng các công nghệ và phá hoại an ninh của Mỹ và đồng minh.” Đúng thế, các đối thủ không nên có cơ hội như vậy.  

Với kỳ vọng đó, dựa trên bảng thành tích thảm hại của Hoa Kỳ khi nỗ lực bảo vệ các công nghệ của mình khỏi sự xâm nhập liên tục từ bên ngoài, có vẻ điều này không thể thực hiện được. Tiếp nối ẩn dụ của ông Sullivan, hàng rào của Hoa Kỳ có những khoảng trống lớn mà qua đó Trung Quốc đã chiếm đoạt được các công nghệ của Hoa Kỳ và đồng minh thông qua cả cách thức hợp pháp lẫn bất hợp pháp trong nhiều thập niên. Cùng lúc đó, Wall Street lại hay rót tiền cho các tổ chức là thủ phạm. 

Nếu không thay đổi cách nghĩ, thì các công nghệ nền tảng sẽ tiếp tục bị đánh cắp. Lẽ ra ông Sullivan và NSS nên tuyên bố rằng việc chuyển giao tri thức và công nghệ phải dừng lại ngay hôm nay vì mối đe dọa này buộc [Hoa Kỳ] phải hành động như thế — và sẽ có vấn đề cho bất kỳ tổ chức nào của Hoa Kỳ hoặc của đồng minh đã cung cấp những tri thức và công nghệ này cho Bắc Kinh hoặc tài trợ vốn cho nhà nước đó.  

Có thông tin cho rằng Thủ tướng Anh Liz Truss sẽ cập nhật tài liệu chính sách “Đánh giá Tổng hợp” (Integrated Review) năm 2021, trong đó xem chính quyền Trung Quốc là một mối đe dọa đối với Vương quốc Anh. Cũng như Hoa Kỳ, Anh đã phớt lờ Trung Quốc trong nhiều thập niên trong bối cảnh nguy cơ giảm phát kéo dài và ác liệt. Việc gọi Trung Quốc là mối đe dọa thay vì là một địch thủ không phản ánh được chính xác độ nghiêm trọng của vấn đề và chỉ khiến người ta cảm giác rằng Anh và Hoa Kỳ không nghiêm túc trong việc đương đầu trực diện và đánh bại địch thủ của họ. 

Cách nửa vòng trái đất, Đại hội Đảng lần thứ 20 của ĐCSTQ chắc chắn sẽ không nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu. Đại hội cũng sẽ không bàn về “chung sống hòa bình” như NSS hoặc lãnh tụ Xô Viết Nikita Khrushchev 60 năm về trước. Đại hội sẽ giải thích tại sao Trung Quốc cần phải có được vị thế thống trị toàn cầu. Đó sẽ là một lớp học chuyên sâu về quyết tâm áp đặt ý chí của chính quyền Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới. 

Ông Tập và ĐCSTQ có sự rõ ràng trong việc định rõ ai là địch thủ của họ và quyết tâm đánh bại Hoa Kỳ cùng các đồng minh. ĐCSTQ vô cùng quyết tâm trong việc đánh bại địch thủ của họ, nhưng NSS và chính phủ TT Biden thì không như vậy. 

Ông Bradley A. Thayer là đồng tác giả của cuốn sách “Hiểu Về Mối Đe Dọa Trung Quốc” (“Understanding the China Threat”) và là Giám đốc Chính sách Trung Quốc tại Trung tâm Chính sách An ninh.

Thiên Thư biên dịch

https://www.epochtimesviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét