Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Thời sự Việt Nam

07/02/2022

Viện thuỷ lợi: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm do thuỷ điện Trung Quốc hạn chế xả nước

Viện thuỷ lợi: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm do thuỷ điện Trung Quốc hạn chế xả nước

Vùng ĐBSCL được dự báo mặn xâm nhập sớm vào mùa khô 2021-2022 (Hình minh hoạ) 

AFP 

Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm vào đầu mùa khô 2021-2022 do các đập thuỷ điện ở Trung Quốc hạn chế xả nước khiền dòng chảy về khu vực này bị giảm mạnh.

Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam (Viện thuỷ lợi) đã thông báo tin trên trong bản tin dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và truyền thông Nhà nước đăng tải trong ngày 7/2.

Viện Thuỷ lợi cho rằng các hồ chứa ở Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện là một trong những nguyên nhân chính khiến khu vực ĐBSCL bị mặn xâm nhập sớm.


Cụ thể, tại thuỷ điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ ngày 23/1 đến nay chỉ trên dưới 700 m3/giây, tương đương một tổ máy phát điện.

Viện cũng đưa ra nhận định thời gian tới, các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó, dòng chảy còn giảm nhanh.

Với tình hình đó, theo Viện thuỷ lợi, trong mùa khô dòng chảy phụ thuộc khá lớn vào vận hành thuỷ điện ở thượng nguồn và có thể xảy ra các vận hành bất thường.

Do đó, Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam dự báo tháng 2 và 3/2022, mặn với nồng độ 4 gam/lít có thể xâm nhập sâu 50-65 km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước đối với vùng giữa ĐBSCL, tức phần đất thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Đối với vùng ven biển, bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập sâu 50-65 km, cho nên, cần tăng cường giám sát mặn.

Mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú-Tiếp Nhật.

Giáo sư Võ Tòng Xuân-Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định với truyền thông rằng xâm nhập mặn là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt do biến đổi khí hậu và tác động từ phía thượng nguồn. Do đó, ông cho rằng nếu không có quyền bắt TQ phải xả nước thì VN phải biết sử dụng nước ngọt theo cách thông minh hơn để giảm nguy cơ bị hạn mặn xâm nhập.

Năm ngoái, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã thông báo mực nước sông Mekong đang thấp ở mức “đáng lo ngại”, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn.

Qua đó, MRC cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy.

Được biết, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong. Các chuyên gia môi trường từng nhận định, những con đập này không chỉ khiến mực nước ở đây thay đổi thất thường mà còn làm giảm dòng phù sa, giảm luồng cá xuống hạ nguồn và làm mất đi tính đa dạng sinh thái của con sông.

Thành phố Trung Quốc gần Việt Nam bị phong tỏa vì COVID-19

Thành phố Trung Quốc gần Việt Nam bị phong tỏa vì COVID-19

Hình minh hoạ: Bảo vệ phía Việt Nam canh tại một điểm biên giới với Trung Quốc ở tỉnh Lạng Sơn hôm 7/1/2022 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Thành phố Bách Sắc (Baise) thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, cách Việt Nam chừng 100 kilomet, bị phong tỏa kể từ không giờ ngày thứ hai 7/2 do phát hiện người dân nhiễm COVID-19.

Reuters và AFP trong cùng ngày cho biết, thành phố với hơn 3,5 triệu dân thuộc khu tự trị dân tộc Choang giáp với Việt Nam ban hành lệnh phong tỏa sau khi có gần 100 ca qua sàng lọc ban đầu được xác định dương tính với vi-rút corona.

Tin dẫn thông báo của Ban Chỉ huy Phòng/chống COVID-19 Thành phố Bách Sắc rằng trong thời gian phong tỏa, tất cả các trường học và cơ sở đào tạo phải đóng cửa, các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động. Các siêu thị, chợ nông sản và tất các các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Riêng các cơ sở ăn uống được thực hiện dịch vụ giao hàng.

Biện pháp của thành phố Bách Sắc được đưa ra vào khi chính phủ Bắc Kinh đang cảnh giác cao độ đối với dịch COVID-19 trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông đang diễn ra tại nước này.

Trung Quốc hiện duy trì chiến lược ‘zero COVID-19’ một cách nghiêm ngặt với mục tiêu triệt tiêu vi-rút corona trong cộng đồng. Tin cho biết có ít nhất mười địa phương tại Hoa Lục có trường hợp nhiễn biến thể omicron trong cộng đồng; tuy nhiên con số chính xác bao nhiêu ca vẫn chưa rõ.

UNDP thông qua gói tài chính 120 triệu đô la cho Việt Nam


UNDP thông qua gói tài chính 120 triệu đô la cho Việt Nam

Hình minh hoạ: Người dân đi qua vùng nước lũ do mưa lớn ở Thừa Thiên - Huế hôm 15/11/2020 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa phê duyệt Văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2022 -2026 và một gói hỗ trợ tài chính trị giá 120 triệu đô la cho Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam loan tin này hôm 6/2/2022.

UNDP đánh giá, sau hơn 30 năm có tăng trưởng kinh tế không gián đoạn, Việt Nam đã đạt được những tiến triển đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra.

Tỷ lệ nghèo đa chiều của VN giảm từ 8,23% vào năm 2016 xuống còn 4,8% vào năm 2019, với 5,6% dân số có nguy cơ nghèo đa chiều.

Năm 2019, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có mức độ phát triển con người đứng thứ 117 trên tổng số 189 quốc gia.

Tuy nhiên, UNDP đánh giá, tình trạng chưa đồng đều về thu nhập, bất bình đẳng giới và sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, khu vực thành thị và nông thôn ở Việt Nam vẫn tồn tại.

Cũng theo UNDP, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất thế giới do thiên tai. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hoá thạch, suy thoái môi trường và hệ sinh thái đang góp phần làm Việt Nam mất đi cơ hội phát triển kinh tế bền vững.

Chương trình quốc gia mới đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân Việt Nam sẽ đóng góp và hưởng lợi từ chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện, môi trường an toàn và sạch hơn, xã hội công bằng, an toàn và bao trùm hơn.

UNDP cũng đặt ra mục tiêu mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, sẽ được hưởng lợi và đóng góp vào môi trường an toàn, sạch hơn từ việc VN giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro của thiên tai…

Các ca nhiễm vi-rút COVID-19 gia tăng ở Châu Á trong dịp Tết


Các ca nhiễm vi-rút COVID-19 gia tăng ở Châu Á trong dịp Tết

Người dân đi chơi Tết vào sáng mùng 1 ở TPHCM 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngPhoto: RFA 

Nhiều nước ở Châu Á đang phải đối mặt với tình trạng các ca nhiễm COVID-19 gia tăng sau những ngày nghỉ Tết âm lịch trong khi giới chức y tế tại các quốc gia này đang phải vật lộn tìm cách đối phó với các ca nhiễm biến chủng omicron cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Theo AP, lễ Tết là dịp nghỉ lễ lớn nhất tại nhiều nước Châu Á bắt đầu từ ngày 1/2 vừa qua. Dịp lễ này bắt đầu vào khi các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch vẫn được áp dụng ở nhiều nước, bao gồm cả việc tập trung đông người.

Tại Hong Kong, giới chức y tế đang phải tìm cách đối phó với các ca nhiễm COVID-19 vốn đang là một thách thức với chính sách không COVID của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, trong bảy ngày qua, Việt Nam ghi nhận trung bình 11.257 ca/ ngày. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 192 ca nhiễm biến thể omicron, trong đó TPHCM, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội là những địa phương có nhiều ca nhiễm biến thể mới nhất.

Trong ngày mùng 6 Tết, Việt Nam đã ghi nhận 14.112 ca nhiễm mới, tăng gần 2.000 ca so với hôm trước. Hà Nội là thành phố có nhiều ca nhiễm nhất với gần 2.800 ca. Trong ngày, số ca tử vong do COVID ở Việt Nam là 63 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 2.300.000 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca tử vong tính đến nay là hơn 38.000 ca.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét