Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ
Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi
Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi
Tùa tám cõi ném về trong một túi
Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế
Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ
Nắm địa cầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà
Hai vai gánh vác sơn hà
Đã chơi chơi nốt, ố chà chà xuân.
Phan Bội Châu (1905)
Đầu xuân 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ Phan Bội Châu 60 tuổi. Đây là bài thơ ông đáp từ. Báo Tân thế kỉ số ra ngày 3-2-1927 đã giới thiệu toàn văn bài thơ.
Phan Thành Khương – đọc lại "Bài ca chúc tết Thanh Niên"
Bài ca chúc tết thanh niên
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.
Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.
Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót,
Trời đất may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh.
Thưa các cô, các chị, lại các anh:
Đời đã mới, người càng nên đổi mới.
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội,
Xúm vai vào xốc vác cựu giang sơn.
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại.
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi,
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần.
Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn,
Dựng gan óc lên để đánh tan sắt lửa.
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ,
Mới thế này là mới hỡi chư quân!
Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân...
Huế, 1927
Phan Bội Châu
Phan Bội Châu (1867-1940) là một Nhà yêu nước, một Nhà văn, một Nhà thơ, một Nhà văn hóa lớn của Dân tộc. Mùa xuân năm 1927, Phan Bội Châu tròn 60 tuổi và đang bị thực dân Pháp giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Nhân dịp học sinh các trường Quốc Học, trường Nhà Dòng (Pellerin) đến thăm và chúc tết, Phan Bội Châu đã “đáp lễ” bằng một bài hát nói. Đấy là bài “Bài ca chúc tết thanh niên” trứ danh. Với bài thơ này, Phan Bội Châu đã đổi mới việc chúc tết vốn có truyền thống lâu đời. Thay vì chúc lắm tiền nhiều của, chúc thăng quan tiến chức, chúc sinh năm đẻ bảy, ..., Phan Bội Châu chúc yêu Nước, chúc đổi mới, chúc xả thân cứu Nước. Bài thơ gồm 21 dòng với 2 nội dung cơ bản: tâm sự riêng của Phan Bội Châu và khát vọng chung của cả Dân tộc.
1. Tâm sự riêng của Phan Bội Châu:
Là một Người yêu Nước nhiệt thành, sôi nổi, Phan Bội Châu rất đau xót trước tình cảnh Đất Nước bị giặc ngoài thống trị. Đối với Phan Bội Châu, không có cái nhục nào lớn hơn cái nhục mất Nước, cái nhục làm nô lệ. Trước thực tế không ít kẻ mê ngủ bởi mấy chữ vàng “khai hóa văn minh”, “bảo hộ” của thực dân Pháp, Phan Bội Châu đã giục giã gọi họ, đánh thức họ: “Dậy! Dậy! Dậy!” . Bài thơ đã bắt đầu bằng những tiếng gọi, tiếng thét ấy. Nhiều người quá mê ngủ nên Phan Bội Chậu phải réo, phải thét to như thế!
Tiếng gà, tiếng chim báo hiệu một ngày mới, một mùa xuân mới . Cảnh trí Đất nước vào xuân có đổi thay, có tươi tắn hơn. Và, Phan Bội Châu, vì thế, càng buồn khổ, xót xa hơn. Đẹp tươi mà chi khi Nước mất nhà tan, khi vẫn phải sống kiếp nô lệ! Phan Bội Châu thấy “Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng” . Sông, núi, trăng ở đây chính là Đất nước, là Tổ quốc. Thẹn, buồn, tủi của Phan Bội Châu là những tình cảm lớn, tình cảm của một Người anh hùng yêu Nước nồng nhiệt, sôi nổi và cảm thấy gần như bất lực vì tuổi cao sức yếu, vì những phong trào yêu Nước lần lượt bị cản phá, bị dập tắt.
Nhưng, Phan Bội Châu không vì thế mà thất vọng, tuyệt vọng bởi hơn ai hết, Phan Bội Châu tin tưởng tuyệt đối ở tuổi trẻ. Phan Bội Châu tin tưởng tuổi trẻ có thể làm nên việc lớn, có thể lay thành chuyển núi. Có lẽ vì thế mà Phan Bội Châu đã phần nào khuây khỏa, an tâm! “Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh”. “lũ đầu xanh” là lời lẽ thân mật của cụ già 60 gọi các cô, các cậu, các anh lứa tuổi 18-20.
2. Khát vọng chung của cả Dân tộc:
Trước hết, ta thấy Phan Bội Châu rất trân trọng tuổi trẻ, trân trọng thực lòng, không hề đóng kịch như ta vẫn thường thấy ở các chính trị gia “chuyên nghiệp”. Phan Bội Châu đã “Thưa các cô, các cậu, lại các anh” để mở đầu cho lời chúc tết nghiêm trang, hệ trọng của mình. Đã thế, Phan Bội Châu còn gọi “các cô, các cậu” và “ các anh” ấy là “chư quân” ta có thể dịch là các ngài, quí vị!
Nội dung chúc tết thanh niên của Phan Bội Châu thật phong phú nhưng nói chung là thanh niên phải lo cứu Nước, phá tan xích xiềng nô lệ. Cụ thể là thanh niên phải biết đổi mới, phải nhận thức rõ vận hội mới, phải đoàn kết lo việc Nước, phải quyết tâm, phải có bản lĩnh, phải từ bỏ những ham muốn thấp hèn, phải dũng cảm, mưu trí và phải dám hi sinh để cứu Nước, xóa bỏ tình cảnh nô lệ nhục nhã. Phan Bội Châu đã sử dụng hàng loạt từ ngữ giàu tính kích động như “xúm vai vào”, “xốc vác”, “dựng gan óc”, “đánh tan sắt lửa”, “xối máu nóng”,... Rõ ràng lời chúc tết thanh niên của Phan Bội Châu cũng chính là khát vọng, là hoài bão một đời của Phan Bội Châu. Và, đấy cũng chính là khát vọng của cả Dân tộc, khát vọng tự do, độc lập.
Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới chậm chạp và không ít chệch choạc, lại đứng trước nguy cơ bị kẻ đã thống trị Dân ta hơn 1000 năm thôn tính. Chúng đã in đường lưỡi bò lên hộ chiếu, đã lại cắt cáp tàu Bình Minh, đã bắt bớ Ngư dân ta, đã cướp bóc tài sản của Ngư dân ta. Rõ ràng nhiệm vụ của Thanh niên Việt Nam hiện nay là rất nặng nề. Những gì Phan Bội Châu “chúc” Thanh niên 85 năm về trước vẫn hãy còn phù hợp, vẫn rất thời sự!
Đọc lại “Bài ca chúc tết thanh niên” của Phan Bội Châu, chúng ta càng hiểu rõ hơn lòng yêu Nước nhiệt thành, sôi nổi của Phan Bội Châu, Thanh niên ta càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm rường cột của mình, Thanh niên ta quyết không phụ lòng tin của cha ông, Thanh niên ta quyết không hổ thẹn với các thế hệ Việt Nam mai sau.
Ninh Thuận, 10-12-2012
PHAN THÀNH KHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét