Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

 Wilhelm Schmid - Tỉnh thức từ một giấc mơ hoang tưởng

https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2016/03/bn_sc3bcdpark_02.jpg

01/01/2023

Tác giả Wilhelm Schmid, 69 tuổi là giáo sư triết học thuộc tầm vóc quốc tế, giảng dạy ở các đại học Đức, Pháp, Litva, Gruzia. Trọng điểm nghiên cứu của ông là nghệ thuật sống trước những biến động của thời đại. Trong chủ đề này, ông thường xuyên phân tích để tìm một cách sống phù hợp cho mọi người trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hạnh phúc và đau khổ, giữa xung đột và an lành thư giãn.
Người phỏng vấn: Kurt-Martin Mayer, tuần báo FOCUS
Người dịch: Tôn Thất Thông

Người dịch giới thiệu: Chiến tranh Ukraine đã kéo cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng hiếm có. Nạn lạm phát lên cao trong hầu hết các nước. Giới trung lưu thì lo lắng cho túi tiền eo hẹp của mình, nhiều người còn giận dữ phàn nàn. Trong lúc đó, GS Wilhelm Schmid, triết gia về nghệ thuật sống, thì tỉnh táo hơn và xem đây là cơ hội để mọi người thay đổi lối sống, vừa đối phó hiệu quả với giá cả ngày càng tăng, vừa góp phần gián tiếp giải quyết tệ nạn tàn phá môi trường. Nghe thì có vẻ hoang đường, nhưng xin mời quý vị thưởng lãm bài phỏng vấn. Và nếu quý vị có thể làm được vài chuyện mà bài này nêu ra, như tiết chế nhu cầu tiêu thụ, cắt giảm chi tiêu, hạn chế du lịch đường xa, bớt sử dụng ô tô hàng ngày v.v… thì quý vị đã góp phần đáng kể để ngăn chặn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ, bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau.

 

***

Wilhelm Schmid đã mang lại sự an bình thư giãn cho hàng triệu độc giả suốt thời gian dài từ thập niên 1990. Sách của ông thường cảnh báo sự chờ đợi quá đáng về đời sống sung túc và thường xử lý các đề tài như tình thương và sự lão hóa. Với tư cách là triết gia về nghệ thuật sống trong một thời đại bất định như hiện nay, ông có thể khuyên chúng ta điều gì trong nỗi lo sợ về vật chất và nỗi giận giữ vì bị ép buộc phải từ bỏ nhiều thứ trong đời sống? Nhà tư tưởng có xu hướng thực tế Wilhelm Schmid, trước khi trở thành triết gia đã từng làm thợ sắp chữ, đã từng ở trong quân ngũ bốn năm, đặt cho chúng ta một con đường khắc nghiệt: Chúng ta phải vượt qua hết, nếu muốn tồn tại trong một thiên nhiên lành mạnh.

https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/12/2022-11-25-photo-schmid.jpg?w=1024

Mayer hỏi: Trong tình huống hiện tại, ông có cảm thấy bị ép buộc phải từ bỏ một ít trong đời sống?

Schmid đáp: Các bạn hãy nhìn căn phòng khách sáng sủa này. Nó sáng như thế chẳng qua vì hôm nay tôi tiếp các bạn. Bình thường thì tôi chỉ cần một nửa các bóng đèn này là đủ. Trong tình trạng giá năng lượng lên cao, sự tiết kiệm đó vừa tốt cho túi tiền, vừa giảm gánh nặng cho môi trường. Tôi có một nhiệt kế trong phòng. Nó chỉ 20 độ, và tôi vẫn không có nhu cầu phải vặn thêm lò sưởi.

Phòng của tôi cũng không có lò sưởi. Nhưng nó có vẻ lạnh hơn.

Vậy thì tôi khuyên bạn mặc thêm áo ấm vào, và mang thêm quần lót dài xuống dưới chân. Như thế sẽ ấm hơn, khỏi cần lò sưởi.

Là nhà viết sách rất thành công, có lẽ ông không cần lo lắng cho túi tiền của mình. Ông tiết kiệm vì tinh thần đoàn kết?

Mỗi một người nên và phải tiết chế chi tiêu của mình. Nhưng vì tôi là nhà bảo vệ môi trường và vì thế có thể rút tỉa vài lợi ích từ cuộc khủng hoảng hôm nay. Tác động bảo vệ môi trường có vẻ đang tăng tốc, vì điều đó là cần thiết đối với chúng ta.

Cuộc khủng hoảng này thực chất từ đâu đến?

Nguyên nhân chủ yếu là, châu Âu bỗng nhiên bị đe dọa vì một cuộc chiến tranh ngu ngốc. Không chỉ có vũ khí quy ước mà người ta còn sử dụng năng lượng làm vũ khí. Bất chấp bao nhiêu cảnh báo đã có từ nhiều năm qua, chúng ta người Đức đã tự mình điều động đến tình trạng bị động hôm nay. Chúng ta đã trở thành quá thoải mái với mọi chuyện trong đời sống.

Vậy cuộc khủng hoảng này cũng đáng được chào mừng?

Tất cả chuyện gì đưa nhân loại tiến về phía trước đều đáng được chào mừng. Xét về mọi mặt, chúng ta đã đối xử với hành tinh này theo cách không ích lợi cho chính chúng ta. Nhiều người đã biết điều đó, nhưng rất ít người có hành động thích hợp. Nhưng hiện nay đã có sự thay đổi. Bây giờ, nhiều người bắt đầu phản ứng, tại vì sự đe dọa về môi trường đối với loài người đã trở thành sự đe dọa về kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống sung túc của chúng ta. Theo tôi, đó là một sự tiến bộ lớn. Cuộc khủng hoảng vĩ đại rình rập sau mọi cuộc khủng hoảng, chính là khủng hoảng khí hậu.

Chiến tranh đã ảnh hưởng chính xác lên điều gì?

Trong quá khứ, có nhiều thế lực chính trị đã cố gắng ngăn cản việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng tái tạo. Hôm nay, cũng chính từ những người đó, chúng ta nghe rằng năng lượng tái tạo là năng lượng của tự do. Với họ, chúng ta nên tán đồng. Ý thức đó đến trễ vẫn tốt hơn là không bao giờ đến. Về điểm này, mỗi người đều thấy rõ hơn, giữa cuộc chiến tranh này và môi trường có sự liên hệ thế nào.

Ông nghĩ thế nào đến những người đang rơi vào tình trạng khó khăn vật chất, vì họ phải trả một giá năng lượng cao hơn?

Nếu tôi hiểu đúng các biện pháp hiện nay của chính phủ, thì mọi người đều hưởng phần trong đó. Và theo tôi, thật không có gì đáng phàn nàn, nếu mỗi người tự suy xét là phải vặn lò sưởi xuống dưới 20 độ để giảm bớt phí tổn năng lượng. Người ta cũng có thể từ bỏ bớt một nửa ánh sáng trong phòng, và thay các bóng đèn bằng đèn LED tiêu thụ ít năng lượng.

Ông có hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ tạo thêm sức mạnh cho chúng ta?

Thực tế là tôi đang làm chuyện đó. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ ngày càng khỏe mạnh hơn và không chỉ là mập mạp hơn. Điều này không khác nhau giữa các giai cấp giàu hay nghèo. Chúng ta cần nâng cao khả năng đề kháng, thay vì chỉ biết ngụp lặn trong phồn vinh.

Và bây giờ là thời điểm thích hợp?

Không ai muốn sống trong một cuộc khủng hoảng. Nhưng khi nó đến, thì tốt nhất là tìm xem có cách gì để rút ra lợi ích từ đó.

Nhiều cuộc thăm dò và các phân tích tâm lý nói rằng, cuộc khủng hoảng và việc bắt buộc phải từ bỏ bớt nhu cầu đã gây nên sự giận dữ trong nhiều người. Triết lý sống nào của ông có thể giúp cho họ?

Chúng ta đang chứng kiến một sự tỉnh thức rất tích cực để thoát khỏi một giấc mơ hoang tưởng.Trong quá khứ, chúng ta chỉ mơ đến những giấc mơ phồn vinh được tăng trưởng không ngừng. Điều đó đã dẫn chúng ta đi lạc lối. Phải mua thêm món hàng này, đi du lịch vùng kia – và như thế, chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc hơn. Đã 15 năm nay, tôi phải đấu tranh chống lại những ý nghĩ cuồng loạn về hạnh phúc đó. Tôi đã xuất bản một cuốn sách tên là “Sung sướng” với tiểu tựa “Tất cả những gì bạn nên biết – và tại sao nó không phải là điều quan trọng nhất trong đời sống”. Không phải ai cũng thích nó. Nhưng điều đó đã đến như mọi người lo sợ. Thanh chắn phồn vinh chúng ta đã nâng lên thật cao, thì bây giờ nó được hạ thấp xuống, để chúng ta có thể hiểu thêm thế nào là sự chờ đợi vừa phải về phồn vinh cuộc sống.

Nhưng chẳng lẽ việc không ngừng vươn lên không phải là điều rất nhân bản?

Đã từ hai hoặc ba thập niên qua, người ta được rỉ tai rằng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu biết suy nghĩ tích cực. Ngay từ đầu, điều đó thật vô nghĩa. Không ai đến nói cho chúng ta biết rằng, cũng tất yếu có nhiều chuyện tiêu cực – thí dụ, có ai đó bỗng nảy sinh một ý nghĩ đần độn và vì thế đi giết người khác. Nghệ thuật sống hay nhất là sống rất tích cực, đồng thời biết làm quen đương đầu với những chuyện không tốt lành.

Chủ nghĩa khoái lạc có đáng ghét không?

Không, chủ nghĩa khoái lạc thật tuyệt vời. Nhưng nó không cần đến những phương tiện quá lố.

Mức độ nào là chủ nghĩa khoái lạc lành mạnh?

Điều quan trọng là, có sự vui thú lớn lao được phép quan hệ với những người đáng tin cậy. Đó thuần là sự vui thú. Và điều đó không tốn kém gì hết, ngoại trừ ý thức rõ rệt rằng, quan hệ đáng tin cậy không phải từ trên trời rơi xuống, mà phải được ân cần nuôi dưỡng. Đó chính là ưu điểm của mọi cuộc khủng hoảng: nó làm cho chúng ta ý thức hơn, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống.

Có phải liên hệ cộng đồng là sự thay thế cho sự quay cuồng bất định?

Tôi đã trải nghiệm một sự bất hạnh lớn lao, cái chết của người vợ. Để giúp cho ký ức sống mãi, cần những quan hệ đáng tin cậy.

Có phải lối thoát ra khỏi khủng hoảng là một loại khổ hạnh?

Chúng ta đang sống trong thời đại khổ hạnh. Trong chừng mực nào đó, điều này không tránh được, bởi vì chúng ta phải tự tiết chế. Không ai ném túi tiền đến cho chúng ta tiêu xài. Ngôn ngữ Hy Lạp gọi đó là phép tu khổ hạnh [Askese]. Chúng ta phải tự đào luyện trong một bối cảnh đã thay đổi, thí dụ như có thể nào sống trong căn phòng sưởi 20 độ, thay vì 23 hoặc 24 độ như mọi mùa đông thuở nào. Chính những thói quen tự tạo ra trong quá khứ đã làm chúng ta ngày càng mềm yếu.

Mềm yếu, nghe ra có hơi hướm quân sự. Ông có cảm thấy yên lòng với khái niệm đó?

Chúng ta sống trong một thời kỳ mà vai trò của quân sự ngày càng lộ rõ. Điều đó chắc chúng ta không cần thảo luận nhiều. Tôi đang viết một cuốn sách có lẽ sẽ xong trong vài năm nữa. Có một chương trong đó đã viết xong từ lâu có mục đích làm nổi bật vai trò của quân sự trong cộng đồng. Nhiều lúc tôi có băn khoăn là nếu xuất bản, tôi sẽ nhận được bao nhiêu búa rìu dư luận? Nhưng kể từ hôm 25.2 năm nay [Nga tấn công vào Ukraine], tôi không còn cảm nhận băn khoăn đó nữa.

Đâu là tiền đề dẫn đến một cuộc sống thành đạt?

Tôi chưa hề bao giờ nói về một cuộc sống thành đạt. Chúng ta không có quyền hạn về nó. Và thật là vô nghĩa, khi cho rằng chỉ có thành đạt thì cuộc sống mới có giá trị. Người ta thường nói về những chuyện vô nghĩa như thế khi nói về hạnh phúc, phồn vinh. Tôi có cảm tưởng như người ta muốn treo trước mũi chúng ta một củ cà-rốt. Và cứ thế chúng ta miệt mài chạy theo một cuộc sống thành đạt và sẽ cực kỳ đau khổ, khi có điều gì không đạt không thành. Nhưng dù thích nó hay không thì nói cho cùng, đó là thực tế cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta không thể tự nguyện học cách từ bỏ hay sao?

Tự nguyện là điều khó khăn hơn lúc bị ép buộc. Trải nghiệm cá nhân của tôi về sô-cô-lat giúp cho tôi hiểu điều đó hơn. Tôi chỉ có thể từ bỏ nó khi bác sĩ riêng của tôi ra lệnh. Bây giờ thì chúng ta bị ép buộc phải xem xét lại, điều gì là thực sự thừa thãi. Chắc chắn mỗi người chúng ta sẽ tìm thấy vài điều. Ít ra là tôi cũng đọc được trên báo rằng, nền công nghiệp đã thành công trong việc giảm 30 phần trăm nhu cầu năng lượng.

Ông có lời khuyên nào đến những người đang thành đạt, vẫn muốn nâng thanh chắn về phồn vinh ngày càng cao, và cũng đạt được?

Không sao, cứ làm. Một cộng đồng lành mạnh sẽ không bao giờ có tình trạng là mọi người đều đi theo một chiều hướng. Điều bạn nói cũng không xấu xa gì. Quả thực, tôi không hề có ý muốn sống trong một cộng đồng mà mọi người ai cũng giống như nhau.

./.

Thống kê 1: Sau đây là kết quả một cuộc phỏng vấn hơn 2000 người mới đây của Simon-Kucher/YouGov, DSGV/Kanta về câu hỏi: Trong một cuộc suy thoái, lĩnh vực tiêu pha nào bạn sẵn sàng tiết kiệm?

58% số người sẵn sàng giảm mua sắm thời trang
55% giảm du lịch (du lịch ngắn ngày, hoặc nội địa, ít xa hoa).
52% giảm hoạt động giải trí (Cinema, nghe ca nhạc kịch)
49% giảm đi ăn nhà hàng.
32% giảm mua thực phẩm hàng tuần
20% bỏ xe ô tô để chuyển qua giao thông công cộng.

Thống kê 2:

https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/12/2022-11-25-photo-chart.jpg?w=1000

Nguồn bài viết: Gutes Erwachen aus einem bösen Traum. FOCUS số 47/26.11.2022, trang 78-79 (báo giấy). Phỏng vấn và biên tập: Kurt-Martin Mayer.

Chuyển ngữ: Tôn Thất Thông, 10.12.2022

Bổ sung: Thống kê mới nhất hôm nay (WELT 10.12.2022): Bốn trong số mười người tiêu dùng ít có ý thích mua hàng hiệu và gần một nửa (49 phần trăm) thường giảm chi tiêu cho các mặt hàng phi thực phẩm. Ngoài ra, người ta chú ý nhiều hơn đến giá ưu đãi và giảm số lượng tiêu thụ. “Mọi người mua sắm cẩn thận hơn, việc mua sắm tự phát và bốc đồng đang trở nên ít quan trọng hơn,” Giám đốc điều hành HDE Stefan Genth cho biết, mô tả một xu hướng khác đang phổ biến. Quả thật là một tin vui nho nhỏ từ cơn khủng hoảng.

https://diendankhaiphong.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét