Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Choe Sang-Hun * - Lý do Hàn Quốc cân nhắc tự phát triển vũ khí hạt nhân

Nguồn: Choe Sang-Hun, “In a First, South Korea Declares Nuclear Weapons a Policy Option”, The New York Times, 12/01/2023.

* Choe Sang-Hun là trưởng văn phòng Seoul của The New York Times, chuyên đưa tin về Bắc và Nam Triều Tiên.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

25/01/2023

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/01/Korean-missile.jpg

Hình: Vụ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Triều Tiên vào tháng 11/2022. Nguồn: Korean Central News Agency, thông qua AFP — Getty Images

Hôm thứ Tư, 11/1/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lần đầu tiên nói rằng nếu mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên tăng lên thì Hàn Quốc sẽ xem xét việc chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình hoặc yêu cầu Mỹ triển khai lại vũ khí hạt nhân tại miền Nam bán đảo Triều Tiên.

Ngay sau cuộc họp ngắn về chính sách chung do Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức hôm thứ Tư, ông Yoon nói thêm rằng chế tạo vũ khí hạt nhân vẫn chưa trở thành chính sách chính thức. Ông nhấn mạnh, Hàn Quốc giờ đây sẽ đáp trả mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên bằng cách tăng cường liên minh với Mỹ.

Một chính sách như vậy bao gồm việc tìm cách tăng độ tin cậy cho các cam kết của Washington. Mỹ đã cam kết bảo vệ các đồng minh bằng mọi năng lực phòng thủ, kể cả vũ khí hạt nhân.


Bình luận của ông Yoon đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Hàn Quốc chính thức đề cập việc trang bị vũ khí hạt nhân cho nước này kể từ khi Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi miền Nam bán đảo Triều Tiên vào năm 1991. Việc Washington rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc là một phần trong nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn cầu của nước này.

“Có khả năng vấn đề sẽ trở nên xấu hơn và nước ta sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tự chế tạo loại vũ khí đó“, ông Yoon nói, theo biên bản ghi chép các phát biểu do văn phòng của ông công bố. “Nếu như vậy thì với khả năng khoa học và công nghệ của mình, chúng ta sẽ có thể sớm có vũ khí hạt nhân riêng.”

Hàn Quốc là một bên ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cấm nước này tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 1991, Hàn Quốc cũng đã ký một tuyên bố chung với Triều Tiên, cả hai miền đều đồng ý không “thử nghiệm, chế tạo, sản xuất, tiếp nhận, sở hữu, tàng trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Nhưng Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận ấy bằng cách tiến hành 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Bất chấp nhiều năm đàm phán, Triều Tiên vẫn chưa loại bỏ bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào. (Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc nói rằng bất cứ lúc nào Triều Tiên cũng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.)

Trong những tháng gần đây, khi Triều Tiên tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và đe dọa sử dụng nó để chống lại Hàn Quốc, các nhà phân tích Hàn Quốc và những người trong Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền bảo thủ của ông Yoon ngày càng kêu gọi Seoul xem xét lại lựa chọn hạt nhân.

Các bình luận của ông Yoon trong tuần này dường như châm ngòi cho những cuộc thảo luận như vậy. Các cuộc thăm dò dư luận trong những năm gần đây cho thấy đa số người Hàn Quốc ủng hộ việc tái triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc, hoặc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng Hàn Quốc.

Trong nhiều thập niên, các nhà hoạch định chính sách ở Seoul đã từ chối lựa chọn đó, viện dẫn cái gọi là chiếc ô hạt nhân của Mỹ sẽ bảo vệ đất nước an toàn trước đe dọa từ Triều Tiên.

“Bình luận của Tổng thống Yoon có thể là một bước ngoặt trong lịch sử an ninh quốc gia của Hàn Quốc,” Cheon Seong-whun, nguyên giám đốc Viện Thống nhất Tổ quốc của Hàn Quốc, một viện nghiên cứu chính sách do chính phủ tài trợ ở Seoul, nói. “Nó có thể thay đổi nhận thức về việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.”

Những lời kêu gọi về vũ khí hạt nhân đã vang lên lúc mạnh lúc yếu tại Hàn Quốc trong nhiều thập niên, nhưng chưa bao giờ nhận được sự chú ý của ai, ngoại trừ một vài nhà phân tích và chính khách cánh hữu.

Vào những năm 1970, Hàn Quốc từng bắt đầu một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật dưới thời cựu độc tài quân sự Park Chung-hee, khi Mỹ bắt đầu giảm sự có mặt về quân sự ở Hàn Quốc, khiến người dân Hàn Quốc lo sợ về một cuộc tấn công của Triều Tiên. Washington buộc Park phải từ bỏ chương trình trên và cam kết bảo vệ đồng minh dưới chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Cho tới nay Washington vẫn duy trì 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc như một biểu tượng của liên minh. Nhưng trong những tháng gần đây, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, một số tên lửa được thiết kể để mang đầu đạn hạt nhân tới Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc đặt câu hỏi liệu Mỹ có ngăn chặn Triều Tiên tấn công nước họ hay không, đặc biệt là vì làm như vậy thì các thành phố và căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ có nguy cơ bị tấn công hạt nhân. Những cam kết lặp đi lặp lại của Washington trong việc bảo vệ đồng minh của mình, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân của chính mình nếu cần thiết, đã không xoa dịu được nỗi sợ hãi này.

Trong báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân năm 2022, một tài liệu phác thảo chính sách hạt nhân của Washington trong 5 đến 10 năm tới, chính Lầu Năm Góc đã lưu ý đến “tình thế tiến thoái lưỡng nan về răn đe” mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ. Báo cáo viết: “Một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể liên quan đến một số bên có vũ khí hạt nhân, làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn”.

“Nếu Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ không cần hỏi liệu họ có nên sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ các đồng minh hay không và liên minh sẽ không bao giờ bị thử thách“, Cheong Seong-chang, nhà phân tích cấp cao tại Viện Sejong Hàn Quốc nói. “Nếu Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ thực sự an toàn hơn.”

Ông Cheong cho rằng, bằng cách tuyên bố ý định tự trang bị vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc có thể buộc Triều Tiên phải xem xét lại chương trình vũ khí hạt nhân và có thể khiến Trung Quốc gây sức ép buộc Bình Nhưỡng rút lại chương trình ấy. Từ lâu Trung Quốc đã lo sợ về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực Đông Á.

Để xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình, Hàn Quốc cần phải rút khỏi hiệp ước NPT. Các nhà phân tích cho rằng việc rút khỏi NPT là quá rủi ro đối với Hàn Quốc, vì làm như vậy có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt quốc tế.

Một số nhà lập pháp liên kết với đảng của ông Yoon và các nhà phân tích như Cheong Seong-chang muốn tái tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ vào miền Nam bán đảo Triều Tiên và đạt được thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Hàn Quốc với Mỹ, tương tự như thỏa thuận cho phép máy bay NATO mang vũ khí hạt nhân của Mỹ trong thời chiến.

Đại sứ quán Mỹ không bình luận ngay về tuyên bố của ông Yoon. Chính sách chính thức của Washington là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, với lo ngại rằng nếu Seoul chế tạo vũ khí hạt nhân thì việc đó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, làm tiêu tan hy vọng giải trừ hạt nhân Triều Tiên.

Bản thân ông Yoon hôm thứ Năm đã nhắc lại rằng nước ông vẫn cam kết tuân theo NPT, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Ông nói vào hôm thứ Tư – và Bộ Quốc phòng của ông nhắc lại vào hôm thứ Năm – rằng sự răn đe chung cùng với Mỹ nên là một “cách tiếp cận thực tế” hơn đối với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Chính phủ của ông cho biết Hàn Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu tập trận vào tháng tới để kiểm tra khả năng phối hợp của họ nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên và giúp tái khẳng định cam kết của Washington với các đồng minh. Ông Yoon cũng nói quân đội của ông sẽ đẩy mạnh chương trình “trừng phạt và trả đũa quy mô lớn” bằng cách tự trang bị tên lửa mạnh hơn và các vũ khí thông thường khác để đe dọa ban lãnh đạo Triều Tiên.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên trong những tuần gần đây, với việc chính phủ của ông Yoon đáp trả các hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các động thái leo thang của mình, chẳng hạn như điều máy bay chiến đấu để phản ứng lại máy bay không người lái của Triều Tiên.

“Chúng ta phải đập tan mong muốn khiêu khích của Triều Tiên,” ông nói vào hôm thứ Tư.

https://nghiencuuquocte.org/2023/01/25


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét