Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Nguyễn Cao Quyền - Tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.

Một cuộc tuần hành vì nhân quyền cho Việt Nam của cộng đồng người Việt tại Canada. 2018 (Ảnh chụp từ Youtube Thu Tran)

Chủ nghĩa Marx-Lenin cho rằng chỉ có chế độ cộng sản mới đem đến cho con người sự tự do thật sự chứ không phải tự do hình thức. Nhưng muốn đi đến chế độ ấy, cần phải qua một giai đoạn cách mạng với sự chuyên chính của giai cấp vô sản để hủy diệt giai cấp trưởng giả và tàn tích của xã hội tư bản. 

Tuy nhiên, cả Marx lẫn Lenin cũng như tất cả những lãnh tụ cộng sản khác đều không xác định là giai đoạn cách mạng này phải kéo dài bao nhiêu lâu. Thủ thuật lừa bịp của họ nằm trong điểm chính yếu này, và chính vì thế mà hệ thống cộng sản quốc tế đã tự động tan rã. 

Với lập trường nói trên Liên Xô và các nước cộng sản không chịu biểu quyết bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 mặc dầu các nước Tây Phương đã chấp nhận cho họ đưa vào bản Tuyên Ngôn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Chỉ đến khi chiến dịch Perestroika (tái tổ chức) được phát động tại Nga trước khi Liên Xô sụp đổ, Gorbachev mới chấp nhận “nhân quyền” theo kiểu Tây Phương và xác nhận điều này trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào tháng 12 năm 1988. 


Cùng với lập trường trên, những người cộng sản Việt Nam cũng không chấp nhận nhân quyền Tây Phương. Do đó, tại Việt Nam, về mặt nhân quyền, chế độ cộng sản đã thoái bộ hơn cả chế độ quân chủ lẫn chế độ thực dân. (1). 

Nhân quyền tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản

Ở Việt Nam, nhân quyền được quy kết vào quyền công dân. Điều 50, trong Hiến Pháp 1992 ghi: “Ở nước CHXHCNVN các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong hiến pháp và luật”.

Nhìn về dĩ vãng ta thấy những điều khoản quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam không ngừng gia tăng qua các bản hiến pháp: hiến pháp 1946 có 18 điều; hiến pháp 1959 có 21 điều; hiến pháp 1980 có 29 điều; hiến pháp 1992 có 34 điều. Tuy nhiên, quyền con người ở Việt Nam thì lại được khoán gọn vào đỉều 50 (HP1992) như đã nói ở trên. 

Trước hết phải thấy là quyền con người và quyền công dân không hề đồng nhất về cả hai phương diện chủ thể lẫn nội dung. Nhân quyền không loại trừ khái niệm quyền công dân, nhưng khái niệm quyền công dân không thể chứa đựng hết khái niệm nhân quyền. Vả lại trong điều kiện toàn cầu hóa của thế giới hiện đại, con người không chỉ tồn tại với tư cách thành viên công dân của một quốc gia mà còn là thành viên công dân của cộng đồng thế giới.

Advertisements

Report this ad

Sau nữa, quyền con người hay quyền công dân cũng đều phải được bảo đảm bằng một chế độ pháp luật. Thực tế của Việt Nam ngày nay là sự vắng mặt của luật pháp và sự sụp đổ của đạo đức cổ truyền. Dân chúng Việt Nam đang sống trong một cảm nhận mơ hồ về ý thức công dân. Còn đối với những người lãnh đạo cộng sản thì, từ mấy thế hệ nay, họ đều sợ luật. Họ sợ luật làm mất “tự do chuyên chính vô sản” của họ.

Gần đây, CSVN đã ban hành luật tố tụng hình sự. Mặc dầu vậy, kể từ khi luật này được ban hành, trong số những người bị bắt giam vẫn chỉ có chừng 30% được đưa ra xét sử, 70% còn lại, phần đông là bị bắt oan. Nhà nước pháp trị là nhà nước ban hành luật pháp áp dụng cho cả dân và đảng, nhưng cho đến bao giờ thì người dân mới được hưởng chế độ này nếu những người cộng sản Việt Nam vẫn còn ngồi đó. 

Các chế độ cộng sản đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Ngày nay, người dân đã ý thức rõ rệt là mục tiêu của “cách mạng” phải là nhân quyền chứ không còn là chủ quyền quốc gia như trước nữa. Nhân quyền đòi hỏi đảng CSVN phải chịu lột xác nếu muốn xứng đ̣áng ở vị trí lãnh đạo. 

*

Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên Hiệp Quốc và đã ký kết tham gia hoặc phê chuẩn nhiều công ước liên quan đến nhân quyền như: Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, Công Ước Quôc Tế Về Các Quyền Kinh Tế Văn Hóa Xã Hội, Công Ước Quốc Tế Về Phân Biệt Đối Xử Với Phụ Nữ, Công Ước Quốc Tế Về Quyền Trẻ Em, Công Ước Quốc Tế Về Phân Biệt Chủng Tộc, Công Ước Quốc Tế Về Ngăn Ngừa Và Trừng Trị Tội Diệt Chủng…và Việt Nam cũng đã tuyên bố với thế giới: “Các nguyên tắc cơ bản trong các văn kiện quốc tế đó là giá trị chung của nhân loại mà chúng ta cần bảo vệ”. 

Theo sự phân loại chung thể hiện trong các công ước quốc tế, nhân quyền bao gồm hai lãnh vực: lãnh vực các quyền dân sự và chính trị, và lãnh vực các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội.

Lãnh vực các quyền dân sự và chính trị gồm có:

Quyền được sống và không bị tước đoạt sinh mạng một cách độc đoán

Quyền có an ninh cá nhân và không bị bắt giữ vô cớ hoặc bị bỏ tù

Quyền không bị đối xử độc ác hay bị tra tấn trong tù

Quyền bình đẳng trước pháp luật và không bị áp dụng luật hồi tố bất lợi

Quyền tự do cư trú và đi lại

Quyền sở hữu tài sản

Quyền bất khả xâm phạm đối với đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín

Quyền được bảo vệ danh dự uy tín. nhân phẩm

Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng

Quyền tự do lập hội và hội họp

Quyền khiếu nại, tố cáo bất cá nhân, tổ chức nào

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Quyền tự do biểu tình

Quyền được tham gia quản lý xã hội, bầu cử, ứng cử

Advertisements

Report this ad

Lãnh vực các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội gồm có:

Quyền có việc làm và hưởng thụ thỏa đáng

Quyền được chăm sóc về y tế

Quyền được hưởng giáo dục miễn phí ở bậc tiểu học

Quyền có nơi cư trú

Quyền được sống cho bản thân và gia đình

Quyền được sống trong môi trường không ô nhiễm và độc hại…

*

Một hệ thống đồ sộ gồm hơn 70 bản văn quốc tế về nhân quyền đã đươc ban hành để tạo điều kiện thực thi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhằm bảo vệ hữu hiệu quyền con người. Tuy đã có đôi chút tiến bộ, nhưng ở các nước cộng sản người ta vẫn nguy biện và chối bỏ quanh co. Nếu trước kia nhân quyền bị những người cộng sản coi là tư tưởng phản động thì ngày nay họ lợi dụng triệt để cái gọi là Giá Trị Á Châu mà nội dung là sư phụng mệnh mù quáng vô điều kiện cho thể chế độc tài. 

Trên báo chí Việt Nam tại quốc nội, đã có một thời kỳ thấy xuất hiện thuật ngữ “nhân quyền chân chính”. Tuy nhiên chưa thấy ai định nghĩa rõ ràng thuật ngữ này. Vì thế nó được xếp vào kho tàng “giảo ngữ” của chế độ. Nó cũng giống như các thuật ngữ siêu bí ẩn: cạnh tranh lành mạnh, tài sản xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường với định hướng XHCN…

Người ta đang chờ đợi sự ra đời của thuật ngữ “nhân quyền XHCN” tương tự như khái niệm “dân chủ XHCN”, một loại dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư bản chủ nghĩa. Lý do viện dẫn có thể vẫn là làm mạnh thêm vũ khí chống lại chiến lược áp đặt các giá trị nhân quyền cũa Tây Phương. 

Đối với các thế hệ chủ lực của nhân loại vào lúc này, nếu một chế độ nào đối nghịch với nhân quyền thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc phế bỏ. Tư tưởng hiện đại này có từ ngày xuất hiện bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ vào năm 1776. 

*

Bạch Thư Nhân Quyền của Việt Nam

Ngày 18/8/2005 Bộ Ngoại Giao của nước CHXHCN Việt Nam đã công bố một cuốn Bạch Thư Về Nhân Quyền. Sách gồm bốn chương: chương 1, chính sách của VN về quyền con người; chương 2, thành tựu của VN trong việc thực hiện quyền con người; chương 3, hợp tác quốc tế trong lãnh vực bảo đảm và phát triển quyền con người; chương 4, một số luận điệu vu cáo VN trong vấn đề quyền con người.

1- Chính sách của VN về quyền con người 

Advertisements

Report this ad

Trong chương mở đầu, cuốn Bạch Thư nói trên viết: “…dân tộc VN đã khẳng định rằng quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình.”

Nhìn vào văn từ của câu viết này ta thấy đối với những người lãnh đạo CSVN hiện nay thì quyền thiêng liêng và cơ bản nhất của con người là chủ quyền quốc gia chứ không phải nhân quyền. So sánh với văn bản của các luật quốc tế về nhân quyền đã ban bố thì ta thấy quan điểm của những người CSVN vừa lầm lẫn vừa lạc hậu. Vào thời điểm này, mục tiêu tối hậu của cách mạng không phải là chủ quyền mà là nhân quyền. 

Khi Đảng CSVN ngang nhiên đặt vị trí độc tôn của mình trong điều 4 hiến pháp: “Đảng CSVN…là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và Xã Hội”, và cưỡng bức người dân bằng khẩu lệnh; “ yêu nước phải là yêu chủ nghĩa xã hội” thì Đảng đã trắng trợn chà đạp lên quyền con người của nhân dân.

Bạch Thư không nói lên được nhận thức căn bản là nhân quyền phải được tạo ra , được bảo vệ, được phát triển bởi lương tri, bởi trí tuệ chứ không phải bằng xương máu như được trình bầy trong phần mở đầu của tài liệu: “…nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu đễ giành lấy những quyền cơ bản của con người”. Vì có đầu óc tối tăm và lạc hậu như vậy nên những người lãnh đạo CSVN nhìn đâu cũng thấy đối thủ nhân quyền, cả trong lẫn ngoài nước. 

Tinh thần nhân bản cao cả và tính phổ quát được quốc tế công nhận đã khiến cho nhân quyền cao hơn chủ quyền quốc gia. Nhóm lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam không hiểu được điều này, mặc dầu Tổng Thư Ký LHQ Butros Butros Ghali đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Mỗi quốc gia phải là người bảo đảm tốt nhất cho các quyền con người; vấn đề hành động quốc tế cần phải được đặt ra khi các quốc gia tỏ ra không phù hợp với nhiệm vu… bất cứ hành động chống lại luật quốc tế nào của quốc gia cũng dẫn tới trách nhiệm quốc tế của quốc gia đó”. 

CSVN cố khuôn tất cả quyền con người vaào quyền công dân, rồi cái quyền công dân đó cứ được nhào nặn và cắt xén dần dần. Điều 10 Hiến Pháp 1946 công bố rõ ràng và rứt khoát như sau: “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và tự do hội họp, tự do tín ngường, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài…”. Đến Hiến Pháp 1980 thì bắt buộ̣c phải có thêm điều kiện: “phải phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội” và kèm theo lời răn đe: “không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để…”. Qua Hiến Pháp 1992 thì các quyền công dân nói trên được phân bố trong các điều 68, 69, 70 nhưng lại thêm cái xiềng: “theo quy định của pháp luật”.

Với cách quy định gian xảo và luộm thuộm như vậy Bạch Thư vẫn hãnh diện công bố: “hiến pháp và luật pháp VN đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền con người cơ bản..nêu trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Thế Giới năm 1948. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bực và cố gắng rất lớn của Nhà Nước VN trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người”.

Advertisements

Report this ad

2- Những thành tựu đem khoe với thế giới 

Những thành tựu đem khoe với thế giới là nội dung Chương II của Bạch thư. Dung lượng của chương này chiếm 70% toản bộ tài liệu. Chương này nêu các thành tựu rất tỉ mỉ và chi tiết. Phong phú nhất là mục “Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân”. Nghèo nàn nhất là mục “Bảo đảm quyền của người cao tuổi”. Ta hãy điểm qua một số thành tích đó .

3- Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước, xã hội.

Bạch Thư viết: “Nhà nước VN thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà Nước”.

Thực tế ra sao? Cho đến khi hiệp định biên giới, lãnh thổ và lãnh hải được ký kết với Trung Quốc, không chỉ nhân dân mà quốc hội cũng không được biết cụ thể về nội dung hiệp định. Những người lãnh đạo không chịu giải thích rõ cho nhân dân biết ta đã mất bao nhiêu kilômét vuông lãnh thổ, bao nhiêu kilômét vuông lãnh hải. Và quan trọng nhất, vì sao ta lại phải nhượng bộ Trung Quốc như vậy. 

Bạch Thư viết: “Nhà Nước VN không ngừng phấn đấu để tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà Nước và Xã Hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân…”.

Thực tế ra sao? Quốc hội VN chỉ là do Đảng cử dân bầu. Và trên thực tế thì nhiều đại biểu quốc hội không hề sinh ra, lớn lên, cũng như không hề làm việc tại địa phương. Những người sinh trưởng và làm việc tại Thanh Hóa lại đại diên cho nhân dân Vũng Tàu, và lề lối bầu cử này cứ tiếp tục được duy trì và lan rộng.

4- Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin.

Bạch Thư viết: “Nhà Nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Không một tổ chức cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà hoạt động…”.

Thực tế ra sao? Ở VN có khoảng 500 báo in và 200 báo điện tử. Tất cả đều bị kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ đạo chặt chẽ, buộc phải bốc thơm Đảng, ca ngợi chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống các luận điểm của bọn “cấp tiến phản động”. Tuyệt đối không hề có báo chí tự do. Năm 1999, ông Trần Độ, nguyên Trưởng Ban Văn Hóa-Văn Nghệ Trung Ương Đảng, nộp đơn xin ra báo tư nhân. Không những ông không được phép mà còn bị trù dập cho đến chết. 

5- Bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội.

Bạh Thư công bố: “Hiến pháp, bộ luật dân sự và nhiều văn bản khác của VN quy định cụ thể các quyền của người dân được tự do hội họp và lập hội”. 

Advertisements

Report this ad

Thực tế ra sao ? Ngày 2/9/2000 phóng viên Nguyễn Vũ Bình của tạp chí Cộng Sản nộp đơn xin lập đảng Tự Do Dân Chủ. Ngay trong năm đó, ông bị buộc thôi việc và ngày 2/3/2003 ông bị xử phạt 7 năm tù và 3 năm quản chế. Cuối năm 2002 đại tá Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê nộp đơn xin thành lập Hội Nhân Dân VN Ủng Hộ Nhà Nước Chống Tham Nhũng. Mấy tháng sau, cả hai ông đều bị bỏ tù về tội làm gián điệp. 

6- Bảo đảm quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể.

Bạch Thư công bố: “…mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về chổ ở; thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của luật pháp”. 

Thực tế ra sao ? Những người như Nguyễn Vũ Bình, Trần Độ, Phạm Quế Dương, Trần Khuê…đều đã bị lục soát nhà, lục soát thân thể, cắt điện thoại, đem ra phường xã để đấu tố. Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương Đảng dựng chuyện bôi xấu người này, bêu riếu người kia là phản động và gíán điệp. 

7- Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân

Bạch Thư nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế là một trong những tiêu đề quan trọng nhất cho việc thực thi dân chủ và quyền quyền con người. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của VN trong việc bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo”.

Thực tế ra sao ? Tiêu chuẩn nghèo VN là thu nhập 100.000 đồng/tháng, trong khi tiêu chuẩn quốc tế là I Mỹ Kim/ngày, nghĩa là gấp 5 lần tiêu chuẩn của VN. Sau hơn 70 năm cầm quyền ĐCSVN đã dìm đất nước vào cảnh tụt hậu so với thế giới bên ngoài. Đây chính là tội tước bỏ nhân quyền kinh tế rõ rệt nhất của Đảng đối với nhân dân. Trong khi đa số nhân dân vẫn tiếp tục nghèo đói thì Đảng và cán bộ nhà nước đã nhanh chóng trở nên giàu có một cách chóng mặt nhờ bóc lột và tham nhũng.

*

Món nợ nhân quyền của ĐCSVN đối với nhân dân là vô cùng to lớn và cứ mỗi ngày một phình lên mãi. Đảng đã làm chết từ 5 đến 10 triệu người VN để thực hiện chế độ toàn trị. Chế độ này làm nảy sinh ra tệ nạn tham nhũng không có thuốc chữa vì thiếu tinh thần trách nhiệm và vì tài năng không cân xứng với nhiệm vụ được giao phó. Đảng đã tồn tại quá lâu và đã trở thành một gánh nặng không còn chịu nổi đối với dân chúng./.

CHÚ THÍCH

(1) Việt Nam, Trung Quốc và Cuba , ngày 12/11/2013, vừa được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ với số phiếu cao. Kết quả bầu cử này đã gây phản ứng bất mãn khắp nơi. Cùng được chọn vào nhiệm kỳ 3 năm mới có : Algéria Pháp, Anh, Maldives, Macedonia, Mexico, Maroc, Namibia và Nam Phi. 

Advertisements

Report this ad

Human Rights Watch nói : “Các ủy viên như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Sê-Út, Việt Nam và Algéria có thành tích nhân quyền kém cỏi nên họ không thể là thành viên hữu ích trong Hội Đồng”.

UN Watch có trụ sở ở Genève nói : “Để cho các quốc gia như thế tham gia vào Hội Đồng Nhân Quyền có tác dụng như biến một kẻ chuyên phóng hỏa thành người đứng đầu một sở cứu hỏa”. 

Những phản đối gay gắt nhất chủ yếu nhằm vào các thành viên Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Algéria là những nước thường có nhiều đàn áp chính trị. 

Trích chương 22- VIỆT NAM TRONG THẾ GIỚI NHÂN QUYỀN (Nguyễn Cao Quyền)

https://baovecovang2012.wordpress.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét