Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Chuyện Việt Nam ngày 14 tháng 12 năm 2022

Quê Hương tổng hợp

Báo Mỹ: VinFast VF8 giá 52.000 USD chỉ chạy được 180 dặm, khó cạnh tranh 

14/12/2022 

VOA Tiếng Việt 

Một bài báo về VinFast VF8 trên trang dot.LA hôm 13/12/2022.

Một bài báo về VinFast VF8 trên trang dot.LA hôm 13/12/2022. 

Ô tô điện VF8 của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ, theo hai bài báo được đăng hôm 13/12 trên trang MotorTrend chuyên về ô tô và trang dot.LA chuyên về công nghệ.

Theo dot.LA, 999 xe của VinFast xuất sang Mỹ sẽ cập cảng ở California vào ngày 15/12. Dot.LA và MotorTrend dẫn thông tin chính thức từ hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho hay rằng toàn bộ số xe đó là bản City Edition của dòng VF8 có tầm chạy 180 dặm (290 kilomet) khi pin được sạc đầy.

Vẫn dot.LA đưa tin rằng những chiếc VF8 đó có giá 52.000 đô la, trong khi MotorTrend nói rằng giá khởi điểm của xe là 55.000 đô la. Cả hai hãng truyền thông đặt ở Mỹ này đều cho rằng với mức giá như vậy, VF8 sẽ có một sự khởi đầu khó khăn.


Trang dot.LA nhận định chiếc xe này sẽ khó cạnh tranh, khó thuyết phục khách hàng ở Mỹ khi xét đến thực tế rằng VinFast là một hãng xe của Việt Nam không mấy người biết tiếng và chưa được kiểm nghiệm. Còn MotorTrend bình luận rằng đó là “viên thuốc khó nuốt”.

Để so sánh, dot.LA đưa ra một số sản phẩm của các hãng khác đã có lịch sử hoạt động nhiều năm và đã thành danh, bao gồm Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm 42.745 đô la, loại chạy được 303 dặm có giá 60.000 đô la; Kia EV6 bản thấp nhất có giá 49.795 đô la, tầm chạy 206 dặm; hay Mustang Mach E có giá thấp nhất là 46.895 đô la, chạy được 224 dặm.

Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về hai bài báo do dot.LA và MotorTrend đăng. VOA cố gắng liên lạc với VinFast để tìm hiểu phản ứng của hãng nhưng chưa nhận được hồi đáp.

(VOA đang tiếp tục cập nhật các chi tiết.)

Những kỳ vọng về quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam và Úc

Phan Minh /RFI

14/12/2022

Ảnh minh họa: Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (P) tiếp đồng nhiệm Úc Penny Wong tại Hà Nội, Việt Nam ngày 27/06/2022. AP 

Việt Nam và Úc sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. Trang mạng Nhật The Diplomat ngày 12/12/2022 đăng bài viết nói về mối quan hệ song phương của hai nước, trong bối cảnh chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ vừa hoàn thành chuyến công du Úc vào tuần trước. RFI xin trích dịch. 

Tuần trước, chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã có chuyến thăm thủ đô Canberra và hội đàm với một số quan chức cấp cao của Úc, trong đó có thủ tướng Anthony Albanese. Ông Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị và là người đứng thứ 4 trong “tứ trụ” quyền lực nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm Úc trong 4 năm qua. Chuyến thăm của ông Huệ nhằm đặt bước đệm tiếp theo hướng tới việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện khi hai quốc gia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới. 

“Đối tác chiến lược toàn diện” là cấp độ cao hơn “đối tác chiến lược” mà Úc thiết lập với Việt Nam vào năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ý tưởng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lần đầu tiên được cựu thủ tướng Úc Scott Morrison đề xuất vào tháng 01/2021, trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, giờ đây là chủ tịch nước. 4 tháng sau, ông Morrison lặp lại đề xuất này trong cuộc điện đàm đầu tiên với thủ tướng Việt Nam mới đắc cử Phạm Minh Chính. Khi ông Morrison gặp riêng ông Chính bên lề hội nghị COP26 ở Glasgow vào tháng 11 năm đó, ông gọi quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước là “năng động”. 

Các nhà ngoại giao Việt Nam coi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phản ánh mức độ tin cậy chính trị và chiến lược, và Ngoại trưởng Úc Penny Wong gần đây cho biết quan hệ đối tác Việt Nam-Úc là “dựa trên sự tin cậy” và “mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam rất sâu sắc”. Quan hệ Việt Nam – Úc ngày càng được đánh dấu bằng sự hội tụ của các lợi ích cốt lõi và chiến lược. 

Trên nhiều phương diện, Úc nổi bật là “nước đầu tiên” và “duy nhất” trong nhiều động thái tích cực liên quan đến Việt Nam. Úc là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (1973) trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Úc là một trong những nước phương Tây duy nhất ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (1977). Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, cơ quan ngoại giao Úc tại Hà Nội trở thành cầu nối liên lạc duy nhất giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây khác không có đại diện ngoại giao tại Hà Nội. 

Năm 1994, Paul Keating trở thành thủ tướng Úc đầu tiên và là người đứng đầu chính phủ phương Tây thứ 2 thăm Việt Nam thống nhất sau chiến tranh (1994). Úc viện trợ cho Việt Nam xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Mekong ở miền Nam. Khi Việt Nam bắt đầu chương trình Đổi Mới về cải cách kinh tế, Úc là một trong 5 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. ANZ là ngân hàng đầu tiên đến từ quốc gia nói tiếng Anh, mở chi nhánh và cung cấp dịch vụ ATM đầu tiên tại Việt Nam. Phillips Fox của Úc là công ty luật nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động tại Hà Nội và đi tiên phong trong việc xuất bản quyển “Pháp luật Việt Nam về đầu tư nước ngoài” bằng tiếng Anh. RMIT được trao giấy phép trở thành trường đại học nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam và đại học Swinburne là một trong những trường đại học nước ngoài đầu tiên được phép thực hiện các chương trình đào tạo tại Việt Nam vào những năm 1990. Úc là quốc gia phương Tây đầu tiên đón chủ tịch Quốc Hội Việt Nam vào năm 1990 và tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam vào năm 1995. 

Các cuộc thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện dường như đã bị chậm lại trong những tháng gần đây, do hai quốc gia phải vật lộn với Covid-19 và cuộc bầu cử liên bang của Úc vào tháng 5. 

Cuộc bầu cử đã đưa đảng Lao Động Úc lên nắm quyền. Không giống như chính phủ Morrison, chính phủ Anthony Albanese dường như có một đường lối ngoại giao nhẹ nhàng, yên tĩnh và thận trọng hơn. Trong những tháng đầu tiên sau khi ông nhậm chức, cụm từ “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” đã không được nhắc đến trước công chúng để mô tả tương lai của quan hệ đối tác Úc – Việt Nam trước chuyến thăm của ông Huệ. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trong chuyến thăm tuần trước. 

Mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được lặp lại trong các cuộc gặp giữa ông Huệ và các quan chức Úc khác, bao gồm ông Albanese, bà Wong, toàn quyền David Hurley, bộ trưởng Quốc Phòng Richard Marles và lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton. Đại sứ Việt Nam tại Úc, ông Nguyễn Tất Thành nhận xét, quan hệ Việt Nam – Úc đã đạt đến độ chín muồi để bước sang một giai đoạn mới về mức độ tin cậy, bao hàm việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. 

Bà Wong thì nói cụ thể hơn, như được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông Việt Nam rằng “việc thảo luận về khả năng nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ là một bước tiến, một bước đột phá và là thành tựu quan trọng”. 

Câu hỏi hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Úc và Việt Nam sẽ bao hàm những gì? 

Vào tháng 9, ông Thành, đại sứ Việt Nam đã tóm tắt mối quan hệ song phương hiện nay bao gồm 3 cột trụ chủ chốt và 8 chủ đề quan trọng. 3 cột trụ chủ chốt là hợp tác kinh tế, hợp tác quốc phòng, an ninh và đổi mới sáng tạo. 8 chủ đề quan trọng là giáo dục và đào tạo, năng lượng và tài nguyên, nông-lâm-hải sản, công nghiệp chế tạo, du lịch, khoa học – công nghệ, kinh tế số và dịch vụ. 

Trong khi đó, ông Huệ, trong một bài phát biểu trước Viện Chính Sách Úc – Việt Nam vào tuần trước, đã nhấn mạnh đến 3 ưu tiên chính sau : tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại ; thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược, an ninh và quốc phòng ; xây dựng các nền tảng về hợp tác chiến lược trong việc chia sẻ kiến thức, giáo dục, đào tạo và đổi mới sáng tạo, đặc biệt chú trọng đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ. Ông Huệ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các địa phương và giao lưu giữa người dân, coi đây là những chủ đề thiết yếu của quan hệ Việt Nam – Úc. 

Hiển nhiên là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực nêu trên, hướng tới việc củng cố và mở rộng phạm vi hợp tác. Nhìn chung, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có thể được xây dựng trên 5 vế chính sau : tin cậy và hợp tác chính trị ; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và nông nghiệp ; hợp tác quốc phòng, tình báo và an ninh ; giáo dục, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ; giao lưu giữa người dân. 

Cho đến nay, việc thực hiện năm vế nói trên đã có những bước tiến đầy ấn tượng, nhưng từng lĩnh vực vẫn còn những thiếu sót, nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chiến lược của quan hệ đối tác. Hãy lấy hợp tác kinh tế và quốc phòng, hai trong số các lĩnh vực hợp tác chiến lược quan trọng nhất làm ví dụ. 

Về kinh tế và thương mại, hai nước đã ký kết bản Chiến Lược Tăng Cường Hợp Tác Kinh Tế Việt-Úc vào năm 2021, giúp nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên gần 14 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng 33% so với cùng kỳ vào năm 2021, đưa Úc và Việt Nam lần lượt trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 và thứ 10 của nhau. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế tập hợp các quan chức cấp cao của cả hai bên để thảo luận và tìm cách tháo gỡ những nút thắt và thách thức trong bộ máy quan liêu và văn hóa kinh doanh khiến cho hợp tác song phương không tiến xa hơn được nữa. Theo dự kiến, một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng thương mại sẽ được tổ chức vào năm tới và sẽ cần phải được duy trì. 

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh, Việt Nam và Úc đã ký Bản Ghi Nhớ Hợp Tác về Quốc Phòng vào năm 2010, được thay thế bằng Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về Tăng Cường Hợp Tác Quốc Phòng năm 2018. Hai bên đã thiết lập và duy trì hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng thường niên, đối thoại Chính Sách Quốc phòng cấp thứ trưởng, tham vấn hợp tác quân sự và đối thoại Chiến Lược Ngoại Giao và Quốc Phòng hàng năm. Tuy nhiên, sự hợp tác cho đến nay vẫn chưa bao gồm việc đào tạo nhân sự, quân y, an ninh hàng hải... 

Hai bên hiện đang nghiên cứu khả năng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh mạng. Chính sách quốc phòng của Việt Nam loại trừ việc thành lập bất kỳ liên minh quân sự nào, nhưng điều này không hạn chế sự hợp tác nhằm tăng cường khả năng tự vệ của quốc gia. Việt Nam và Úc đều là quốc gia có biển và coi an ninh hàng hải là an ninh quốc gia.  

Để đối phó với những thách thức chiến lược ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà cả hai bên đều nhất trí là cần phải dựa trên luật lệ thay vì cưỡng bức, hợp tác quốc phòng Việt-Úc trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nên bao gồm các cuộc diễn tập quân sự, tuần tra hàng hải chung, chia sẻ thông tin tình báo. Bên cạnh các cuộc đối thoại hiện tại, có lẽ hai bên nên nghiên cứu khả năng kết hợp và nâng cấp các cơ chế này thành Hội Nghị Bộ Trưởng 2+2 thường niên do các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng cùng đăng cai và chủ trì. 

Cả Việt Nam và Úc đều bày tỏ mong muốn nâng quan hệ lên mức « Đối tác chiến lược toàn diện ». Điều này có thể sẽ thành hiện thực vào năm tới khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, điều quan trọng là tên của quan hệ đối tác cần phải phù hợp với thực chất, trong trường hợp quan hệ giữa Hà Nội và Canberra đạt đến “tầm cao mới” mà cả hai nước đều mong muốn.

https://www.rfi.fr/vi

Nguyễn Thông - Một vụ mất củi tươi 

Báo chí mậu dịch, và cả dư luận mạng xã hội nữa, đang chê cười tay giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi y “ní nuận” giải thích về vụ đá lát vỉa hè kém chất lượng. Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo thằng í vừa ngu vừa thật thà, chắc nó nghĩ cứ đổ cho trời là xong, trời ở xa, ai leo lên đó mà hỏi được.
Nhưng báo chí (của chế độ) và mạng (của dân chúng) lại rất thờ ơ hoặc nhanh chóng cho qua vụ lắp camera trăm tỉ ở Bình Dương. Cũng có thể người ta ngại đụng vào “thanh kiếm và lá chắn”, mà cũng có thể họ hiểu rằng công an (chủ đầu tư) đã cãi thì ngược cũng thành xuôi, kiểu như đầu va vào gậy quơ lên (chứ không phải vụt), chân giơ quá cao (chứ không phải đá), bắn chỉ thiên không may trúng (chứ không phải cố ý)…, đôi co làm chi cho mất công dã tràng.
Cứ theo dự án do công an tỉnh trình, được báo chí loan tin, 421 chiếc camera sẽ được lắp đặt, với tổng chi ngân sách 469 tỉ đồng. Thiên hạ giật mình, chả nhẽ ca mê ra bằng vàng nạm kim cương, có thể nhìn tới sao Hỏa hay sao, mà dững hơn tỉ đồng một chiếc. Kinh. Có vấn đề, có yếu tố tham nhũng? Thiên hạ nghi ngờ. Công an đành phải cử một chú “Lê Lai” đứng ra trần tình, giải thích thế lọ thế chai.
Vậy là vụ việc có vẻ êm. Nói thực, thời nay ai mà cãi lại được công an. Nhưng công an cũng cần mua đèn nhang trái cây mà tạ ơn dư luận. May mà vụ việc vô tình bị phát lộ sớm và dư luận tò mò mau mắn lên tiếng, chứ đợi lắp xong, quyết toán xong cả 421 chiếc camera vàng nạm kim cương, thì lại chả tênh hênh như vụ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, như test kit Việt Á, rồi ối anh “tay đã nhúng chàm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây”, lúc ấy có mà cãi đằng giời.
Thế là lò tôn của bác cả bị mất một đám củi. Cha tiên sư bố bọn dư luận, chỉ được cái cầm đèn chạy trước ô tô là không ai bằng.


Nguyễn Thông - Thích thì làm 

- Cái bến xe miền Đông mới ở Sài Gòn, nói toẹt, đang như cục xương mắc trong cổ, khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào. Thử hỏi, chỉ đi Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước lại phải bắt xe ôm, taxi, grab lặn lội mười mấy cây số lên bến mới, chẳng thà ở nhà hoặc đi thẳng mẹ nó xe ôm cho rồi. Xe buýt thì bất tiện, chạy rề rà, nhan nhản trộm cắp móc túi; xe đưa rước được chăng hay chớ, chuyển qua chuyển lại lích ca lích kích; xe sắt trên cao chửa thấy đâu mới chỉ có mấy cột xi moong; vậy mà đòi, bắt người dân phải mò ra bến mới, không khác gì cuộc đày ải, hành xác. Đến khổ với cách làm ăn của các ông các bà, kiểu như tao thích thì tao cứ làm đấy, ế hay không kệ mẹ tao, can gì tới chúng mày.

- Cách nay vài chục năm, chính quyền định dồn hầu hết trường đại học ra ngoại thành, khu đại học gần 1.000ha ở đất giáp ranh Sài Gòn-Bình Dương, thu hồi những cơ sở cũ tại nội thành để dùng vào việc khác. Giờ đã mấy chục năm trôi qua, chẳng dồn chẳng thu hồi được mét vuông nào, trái lại trường nào cũng nở ra hoành tráng bề thế cao ngất, đua nhau giữ đất chiếm đất vàng đất kim cương (không tin các cụ cứ đi một vòng chiêm quan xem tôi nói có đúng không). Đánh trống bỏ dùi, vụ này là rõ nhất.

- Cứ vài ba hôm, lại thấy ông to bà nhớn lên tivi, lại thấy báo chí mậu dịch tán tụng về chương trình kế hoạch đến năm 2030, dự định đến 2045, tầm nhìn đến 2050. Cơ khổ, con người ta chỉ sống có một đời, kề miệng lỗ đến nơi rồi, chết thèm chết nhạt đủ thứ, bắt họ ăn bánh vẽ tới bao giờ. Cứ lo cho dân cái đời thực này đi, tầm nhìn tầm nhiếc quái gì. Mà dân đói thôi, chứ các quan hưởng chế độ tầm nhìn 2050 từ hồi nảo hồi nào.

Ở xứ này, ai bảo rằng dân là gốc, sai, sai toét. Quan mới là gốc, dân chả là gì. 


Nguyễn Thông


Ảnh chống trôi (nguồn internet): Chiếc cầu bắc qua sông Tô Lịch ở thủ đô, dài rộng chỉ vài bước chân, nhưng được quyết toán hơn 30 tỉ đồng. Tiền như vỏ hến. Đã bị chìm xuồng.

https://thongcao55.blogspot.com/2022/12/mot-vu-mat-cui-tuoi.html#more

VinFast nhắm mục tiêu có hàng nghìn xe điện trên đường phố Hà Lan vào cuối năm 2023 

13/12/2022 

VOA Tiếng Việt 

Một logo của hãng xe điện Việt Nam VinFast trên màn hình ở Triển lãm Auto Show ở Los Angeles, California, của Mỹ hôm 17/11/2022.

Một logo của hãng xe điện Việt Nam VinFast trên màn hình ở Triển lãm Auto Show ở Los Angeles, California, của Mỹ hôm 17/11/2022. 

Hãng xe ô tô khởi nghiệp của Việt Nam, VinFast, mới công bố nhắm mục tiêu sẽ có 2.600 ô tô điện do hãng này sản xuất lăn bánh trên đường phố Hà Lan vào cuối năm 2023, theo truyền thông trong nước.

Mục tiêu, được cho là tham vọng lớn, được hãng xe của tập đoàn Vingroup, do tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng đồng sáng lập, công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan hôm 12/12, ở thành phố La Haye, được xem là thủ đô trên thực tế của Hà Lan.

Diễn đàn là một phần trong chương trình thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và việc VinFast sản xuất xe điện được nêu ra tại diễn đàn này như một ví dụ về đầu tư hướng tới xu thế phát triển xanh và bền vững, theo Tuổi Trẻ.

VinFast, hãng xe đầu tiên của Việt Nam mới bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 2019, nhắm vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sau khi ra mắt các mẫu xe điện đầu tiên tại các triển lãm ô tô ở Los Angeles và Las Vegas của Hoa Kỳ hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay.

Trong khuôn khổ triển lãm Paris Motor Show 2022 hồi tháng 10, VinFast công bố kế hoạch kinh doanh tại châu Âu và mở trụ sở chính ở Pháp, Đức và Hà Lan nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh tại thị trường này.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan hôm 12/12, bà Nguyễn Thanh Thúy, Tổng giám đốc VinFast tại châu Âu, cho biết hãng này có 30 đại lý tại Hà Lan và sẽ đầu tư 12 triệu euro để thiết lập 4 phòng trưng bày với 100 nhân viên tại đây. Theo Tiền Phong, bà Thúy còn nói rằng văn phòng đầu tiên của hãng ở Hà Lan sẽ được mở tại Amsterdam, thủ đô chính thức của Hà Lan, trong tháng 12 này.

Tổng giám đốc VinFast tại châu Âu được Tiền Phong trích lời cho biết rằng hãng xe điện Việt Nam đặt mục tiêu có 2.600 ô tô VinFast trên đường phố Hà Lan và cũng tiết lộ rằng Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội là một trong các đơn vị đã đặt mua xe đầu tiên.

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển của Hà Lan, Liesje Schreinemacher, cho biết bà đã lái thử xe điện VF8 của VinFast trong chuyến thăm Việt Nam cách đây 2 tuần và rằng chiếc xe này sẽ được bán sang Hà Lan vào năm sau.

Bà Schreinemacher bày tỏ sự thán phục khi Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển nhưng hiện đã có thể cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện, theo Tuổi Trẻ.

Ngoài Hà Lan, VinFast còn có các trung tâm bán hàng ở Paris và Nice của Pháp; Berlin, Munich, Franfurt và Hamburg của Đức. Trong năm tới, hãng xe này cho biết sẽ khai trương các trung tâm bán hàng ở Den Haag, tức La Haye, và Rotterdam ở Hàn Lan cùng nhiều nơi khác ở Đức và Pháp.

Tại thị trường Bắc Mỹ, VinFast đã đặt trụ sở chính tại Los Angeles và mở một loạt cửa hàng tại California cũng như công bố kế hoạch xây dựng nhà máy tại North Carolina ở miền đông Hoa Kỳ. Cuối tháng 11 vừa qua, VinFast đã xuất khẩu lô xe VF8 đầu tiên tới thị trường Mỹ và tiếp sau đó sẽ là tới thị trường Canada và châu Âu.

“Trong tuần tới, 1.000 xe VinFast đầu tiên sẽ cập bến bờ Tây Hoa Kỳ, kịp bàn giao cho khách hàng Hoa Kỳ trước thềm năm mới”, bà Thúy nói tại diễn đàn ở Hà Lan hôm 12/12 và khẳng định đây chỉ là khởi đầu vì sau đó sẽ tiến sang thị trường châu Âu vào năm tới.

Hãng xe khởi nghiệp của Việt Nam hôm 6/12 thông báo rằng đã nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) để tiến tới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Mỹ vào năm 2023. Tuy nhiên, một bản cáo bạch của VinFast nộp cho SEC cho thấy hãng này có tổng tài sản 4,4 tỷ USD nhưng lại đang nợ gấp đôi trị giá tài sản, tức 8,8 tỷ USD.

VinFast nói rằng tầm nhìn của hãng xe thành viên thuộc tập đoàn Vingroup là “trở thành thương hiệu xe điện thông minh thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu”. Hãng cho biết đã nhận được tổng cộng gần 65.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu và dự kiến sẽ bán được 750.000 xe điện hàng năm vào năm 2026.

Vì sao triển lãm 'Ảnh Báo chí Thế giới 2022' bị Hà Nội hủy vào phút chót?

BBC News

14/12/222

Tiển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 bị hủy sát giờ khai mạc

Nguồn hình ảnh, World Press Photo

Chụp lại hình ảnh, 

Tiển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 bị hủy sát giờ khai mạc

Chỉ vài tiếng trước giờ khai mạc triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022 vào ngày 9/12/2022, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu hủy bỏ sự kiện cho dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất. 

Các bức ảnh đoạt giải đã được treo tại phố đi bộ ven hồ Hoàn Kiếm một ngày trước đó. 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 13/12, ông Andrew Davies, giám đốc truyền thông của World Press Photo Foundation cho hay giới chức Hà Nội rút giấy phép vì cho rằng triển lãm vi phạm điều 5.3 và 5.5 của Nghị định 72/2016/NĐ-CP về Nhiếp ảnh.

Theo hai điều luật này này thì các tác phẩm triển lãm "không được kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hằn giữa các dân tộc, giữa nhân dân các nước; không tuyên truyền phản động", và "không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự công cộng; không tuyên truyền bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội xâm hại sức khỏe con người, hủy hoại môi trường sinh thái và các hành vi vi phạm pháp luật khác".

Nhưng ông Davies nói rằng ban tổ chức triển lãm không được giới chức cho biết những bức ảnh và câu chuyện nào đã vi phạm.

"Chúng tôi chỉ có thể đoán,” ông Davies nói với BBC.

'Đoán' lý do kiểm duyệt

Đây lẽ ra đã lần thứ năm sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam.

'Đoán' lý do bị kiểm duyệt, ông Davies nói: “Năm nay, chúng tôi tổ chức mô hình cuộc thi mới, với các giám khảo từ các khu vực nhằm lựa chọn ra những bức ảnh mang tính đại diện toàn cầu hơn. Có thể một số bức ảnh và câu chuyện trong số này mang lại cảm giác thân thuộc với cả công chúng và chính quyền”.

“Có thể số tác phẩm về các cuộc biểu tình và bất ổn trong năm nay nhiều hơn so với triển lãm năm 2021."

Năm ngoái, chính quyền Hà Nội đã yêu cầu các nhà tổ chức triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2021 phải loại bỏ một bức ảnh về biểu tình vào phút chót.

Bức ảnh này sau đó đã được trưng bày trong khuôn viên Đại sứ Hà Lan tại Hà Nội. 

Trong thông cáo báo chí của tổ chức Tổ chức Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo Foundation) có trụ sở tại Hà Lan, giám đốc điều hành Joumana El Zein Khoury phát biểu: “Thật đáng thất vọng khi sau bốn năm cho phép tổ chức triển lãm thường niên của chúng tôi tại Hà Nội, chính quyền lại quyết định chặn sự kiện vào ngày khai mạc năm nay.”

“Mắt thấy những câu chuyện quan trọng từ khắp nơi trên thế giới giúp chúng ta hiểu nhau hơn. Thật đáng xấu hổ khi một số nhà chức trách ở Việt Nam không nhìn thấy lợi ích đó”, bà Khoury phê phán.

Phóng viên của BBC đã gọi đến UBND quận Hoàn Kiếm nhiều lần để hỏi thêm thông tin, nhưng cho đến nay vẫn chưa liên hệ được. 

Truyền thông Việt Nam không đưa tin về sự kiện này.

Kiểm duyệt giờ chót 

Bức ảnh bị chính quyền Việt Nam kiểm duyệt trong triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2021

Nguồn hình ảnh, World Press Photo

Chụp lại hình ảnh, 

Bức ảnh bị chính quyền Việt Nam yêu cầu loại bỏ trong triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2021

Nhiều sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài thời gian gần đây đã bị chính quyền Việt Nam yêu cầu hủy vào phút chót.

Tháng trước, liveshow Chế Linh phút chót bị hủy do không được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch cấp phép khiến hàng ngàn khán giả đi xem tại nhà hát Hòa Bình, TP. HCM ngỡ ngàng vì phải xếp hàng đổi lại tiền vé.

Trước đó không lâu, một số đêm nhạc nằm trong chuỗi chương trình chia tay khán giả của Khánh Ly dự định diễn ra tại nhiều tỉnh thành cũng bị yêu cầu hủy vào đúng ngày diễn, khi vé đã bán hết, với nhiều lý do, trong đó có 'cắt điện để kiểm tra an toàn'.

Gần bốn năm trước, đêm nhạc của ca sĩ Tuấn Hưng cũng bị hủy trước khi mở màn vừa đúng hai giờ vì "lý do đặc biệt" được cho là có "quốc tang". 

'Ưu tiên hàng đầu là cam kết tự do báo chí'

Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, đơn vị tổ chức của sự kiện cho đến nay vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể từ chính quyền Việt Nam về việc triển lãm có được tiếp tục diễn ra hay không. 

Cuối Facebook tin

“Chúng tôi đang trao đổi với một số nhà chức trách về khả năng trưng bày toàn bộ triển lãm năm nay trong không gian của đại sứ quán”, Tổ chức Ảnh báo chí thế giới ra thông cáo.

Tổ chức này cũng chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 10 cuối bảng về Chỉ số tự do báo chí thế giới 2022, với vị trí 174/180 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng là nơi giam giữ các nhà báo lớn thứ ba trên thế giới.

Trong khi đó, ông Davies nói với BBC News Tiếng Việt: “Ủng hộ quyền tự do báo chí và đánh giá cao chất lượng báo chí và nhiếp ảnh tài liệu là cốt lõi trong sứ mệnh của chúng tôi.”

“Chúng tôi luôn hân hạnh được mang những câu chuyện quan trọng từ khắp nơi trên thế giới đến với người dân Việt Nam. Và chúng tôi hy vọng sẽ mang triển lãm thường niên của chúng tôi trở lại Việt Nam trong những năm tới”.

Ảnh báo chí thế giới là cuộc thi hàng đầu thế giới dành cho các nhiếp ảnh gia báo chí chuyên nghiệp, phóng viên ảnh và nhiếp ảnh gia tài liệu. 

Kể từ năm 1955, cuộc thi Ảnh báo chí thế giới hằng năm đã trao giải cho nhiều bức ảnh báo chí có ý nghĩa nhất thế giới.

Nhiếp ảnh gia Nick Ut đã giành giải Ảnh báo chí thế giới của năm với bức ảnh Em bé Napalm Phan Thị Kim Phúc vào năm 1973. 

Trước đó, vào năm 1968, nhiếp ảnh gia Eddie Adams đoạt giải nhất với bức ảnh về vụ sát hại Nguyễn Văn Lem ở Sài Gòn.

Triển lãm năm nay bao gồm những tác phẩm từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar và Indonesia. Không có tác phẩm nào của Việt Nam đạt giải trong năm nay.

Những tác phẩm chiến thắng đã được lựa chọn bởi một hội đồng giám khảo độc lập sau khi xem xét hơn 64.820 bức ảnh được chụp bởi 4.066 nhiếp ảnh gia từ 130 quốc gia.

Xem thêm: Một số tác phẩm đoạt giải trong triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c19vyy9jlyvo

Tiếp tục một năm u ám, CPJ nói '21 nhà báo đang bị bỏ tù' tại Việt Nam

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Nguồn hình ảnh, PHAM DOAN TRANG

Chụp lại hình ảnh, 

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, người đang chịu mức án tù chín năm tù giam với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" cùng các nhà báo khác và blogger đã được đề cập trong báo cáo của CPJ

59 phút trước

Số lượng nhà báo bị bỏ tù trên toàn cầu lập 'mức kỷ lục' mới, theo báo cáo thường niên do Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố vào hôm nay 14/12.

Báo cáo về số nhà báo bị tù giam năm 2022 của CPJ, một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận đóng tại Hoa Kỳ cho thấy: 

"Năm 2022, cũng đánh dấu với sự xung đột và đàn áp, các lãnh đạo ở những thể chế chuyên chế thì tăng cường hình sự hóa việc đưa tin độc lập."

'Kỷ lục mới'

Theo báo cáo, tính đến ngày 01/12, đã có 363 nhà báo bị bắt giữ trên toàn cầu, con số cao nhất trong lịch sử 30 năm thực hiện báo cáo của CPJ. 

Trước đó, báo cáo năm 2021 của CPJ cho thấy số nhà báo, phóng viên trên toàn cầu bị bỏ tù tăng cao, với tổng số 293 người bị giam giữ. 

Số lượng nhà báo bị bắt giam tăng hơn 20% so với năm 2021. 

Iran là quốc gia có số nhà báo bị giam giữ đông nhất với 62 người, xếp hạng tiếp theo là Trung Quốc (43 người), Myanmar (42 người) và Thổ Nhĩ Kỳ (40 người), Belarus (26 người), Ai Cập (21 người), Việt Nam (21 người). 

Tại châu Á, số lượng nhà báo bị kết tội 'chống nhà nước' chiếm tỷ lệ cao nhất. Số liệu tại Trung Quốc được cho có thể không đầy đủ vì sự kiểm duyệt chặt chẽ của quốc gia này. 

Theo CPJ, điều này cho thấy một cột mốc tăm tối khác trong bức tranh truyền thông toàn cầu "đang đi xuống".

'21 nhà báo bị bỏ tù'

Nhà báo tác nghiệp năm 2019 tại Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Theo CPJ, tính đến ngày 01/12, Việt Nam đang giam giữ 21 nhà báo

Năm nay, Việt Nam xếp vị thứ sáu trong số các nước có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất. 

"Sự áp bức truyền thông tại Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam đã khiến châu Á trở thành nơi có số lượng nhà báo bị bỏ tù cao nhất, với tổng cộng 119 người", CPJ đề cập. 

Tính đến ngày 01/12/2022, Việt Nam đang giam giữ 21 nhà báo, theo CPJ. 

"Với 21 nhà báo bị tù giam, Việt Nam cho thấy rất ít sự chấp nhận đối với nền báo chí độc lập, đưa ra những bản án nặng nề cho những người bị kết tội chống phá nước", báo cáo nêu rõ. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang chịu mức án tù chín năm tù giam với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" cùng các nhà báo khác và blogger đã được đề cập trong báo cáo của CPJ. 

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị chuyển từ Hà Nội sang một trại giam ở An Phước, Bình Dương. 

"Đây là một chiến thuật phổ biến để ngăn chặn việc thăm tù thường xuyên", CPJ nhận định. 

Hồi tháng 7, nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được CPJ công bố trao tặng Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2022, cùng với ba nhà báo khác từ Cuba, Iraq, và Ukaine. Lễ trao giải đã diễn ra vào ngày 14/11 vừa qua tại New York. 

Trong thông cáo về giải thưởng, Chủ tịch của CPJ Jodie Ginsberg nói, "Những người được trao giải của chúng tôi đại diện cho phần tốt nhất của báo chí: một công việc vạch rõ những tác động từ chiến tranh, tham nhũng, lạm dụng quyền lực trong mọi mặt đời sống thường ngày." 

CPJ đồng thời nhắc lại hồi tháng Mười, Việt Nam đã kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với nhà báo Lê Mạnh Hà, còn tháng 8, Việt Nam cũng bỏ tù blogger Lê Anh Hùng 5 năm tù vì "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".

'Vẫn ảm đạm'

Nhà báo tác nghiệp năm 2019 tại Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Báo cáo CPJ nêu "Năm 2022, cũng đánh dấu với sự xung đột và đàn áp, các lãnh đạo ở những thể chế chuyên chế thì tăng cường hình sự hóa việc đưa tin độc lập."

Vào tháng 11, nhận định về viễn cảnh báo chí sắp tới ở Việt Nam, Kian Vesteinsson, nhà nghiên cứu cấp cao từ tổ chức Freedom House nói với BBC: 

"Bức tranh về tự do biểu đạt và tự do báo chí tại Việt Nam là ảm đạm. 

"Trong năm qua, chính phủ Việt Nam đã xóa thông tin trên mạng với tốc độ đáng báo động, bỏ tù nhà báo và blogger trong thời gian lâu. Vấn đề kiểm duyệt chỉ có thể tồi tệ hơn mà thôi." 

Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự. 

"Một điều quan trọng là các chính phủ dân chủ trên thế giới phải tăng cường cuộc chiến cho quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam."

"Một lộ trình chính là hỗ trợ nền truyền thông độc lập tại Việt Nam và xã hội dân sự thông qua tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Ví dụ, các chính phủ có thể cung cấp công nghệ giúp người dân Việt Nam thoát khỏi việc kiểm duyệt và giúp họ an toàn không bị theo dõi."

"Các nhà làm luật nên cần ủng hộ việc thả tự do vô điều kiện nhiều người đã bị tù giam không công bằng vì biểu đạt trên mạng tại Việt Nam, như Nguyễn Văn Hóa và Phạm Đoan Trang." 

Ngày 11/10, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với 145 phiếu ủng hộ. Nói với BBC hồi tháng 11, Beh Lih Yi, Điều phối viên Chương trình châu Á từ Committee to Protect Journalists (CPJ) cho rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam sẽ bị giám sát chặt chẽ. 

"Việt Nam chắc chắn có thể cải thiện hồ sơ tự do báo chí trong ngắn hạn nếu có ý chí làm điều này. Việt Nam đang là một nền kinh tế trỗi dậy tại châu Á và hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, điều này có nghĩa hồ sơ về nhân quyền, bao gồm việc đối xử với các nhà báo sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn." 

Người dân đi tàu Cát Linh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Để có nền dân chủ tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson từ tổ chức Freedom House đề cập đến hai yếu tố là truyền thông độc lập và xã hội dân sự

Báo cáo 'Tình trạng Dân chủ Toàn cầu năm 2022' được Viện International Institute for Democracy and Electoral Assistance (International IDEA) công bố cuối tháng 11 cho thâay1 trong khu vực Đông Nam Á, thì Campuchia, Lào và Việt Nam "vẫn gắn chặt với chủ nghĩa chuyên chế mà không thấy dấu hiệu thay đổi nào". 

Trong các nhóm nước, thì IDEA xếp Việt Nam nằm ở nhóm nước theo chế độ chuyên chế (authoritarian regime), theo báo cáo: 

"Việt Nam, giống Trung Quốc và Singapore đã thành công trong việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế mà không trao quyền dân chủ, mang lại cho thể chế cộng sản một vỏ ngoài về tính chính danh trước quần chúng." 

"Ở Trung Quốc và Việt Nam, người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro."

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cj7zgm8ve05o


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét