Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Ferdinand Marcos Jr.: Philippines khó tránh bị vướng vào xung đột Đài Loan

Nguồn:Philippine President Marcos speaks with Nikkei Asia,” Nikkei Asia, 13/02/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

17/02/2023

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/02/Philippine-President-Marcos-speaks-with-Nikkei-Asia.jpg

Nhà lãnh đạo Philippines đã giải thích căng thẳng ở Biển Đông và Đài Loan, cũng như thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản.

Chuyến thăm chính thức kéo dài năm ngày của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Tokyo đã mang lại những thỏa thuận kinh tế và quốc phòng mới với Nhật Bản, bao gồm 13 tỷ đô la “đóng góp và cam kết” đến từ ba tổ chức giấu tên, nhằm hỗ trợ quỹ đầu tư quốc gia của ông.

Marcos và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nhất trí củng cố quan hệ quân sự giữa Manila và Tokyo trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Nhà lãnh đạo Philippines – người mới nhậm chức chưa đầy một năm – đã có một cuộc trò chuyện với Nikkei Asia tại Khách sạn Okura ở trung tâm Tokyo, ngay trước khi bay về nước vào Chủ nhật (12/02/2023). Ông nói về một loạt vấn đề bao gồm cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở eo biển Đài Loan và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Dưới đây là bản biên tập nội dung cuộc phỏng vấn:


Nikkei: Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Kishida, ông đã đồng ý thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Nhật Bản. Ông dự định thực hiện điều đó như thế nào ở Biển Tây Philippines (tức Biển Đông – NBT) và Biển Hoa Đông? Hơn nữa, ông có ủng hộ một thỏa thuận lực lượng viếng thăm (visiting forces agreement) với Nhật Bản không? Nếu có, Manila và Tokyo nên phát triển một thỏa thuận như vậy trong bao lâu kể từ khi Nhật Bản chính thức yêu cầu?

Marcos: Thỏa thuận lực lượng viếng thăm chắc chắn đang được nghiên cứu. Đã có một đề xuất cho các khu vực nhất định. Tôi nghĩ rằng nó thực sự chỉ là một bước phát triển tự nhiên từ những gì đã và đang xảy ra. Chúng ta chỉ đang gia tăng mức độ của các cuộc tập trận chung. Và Nhật Bản đã cung cấp rất nhiều nguồn lực cho Philippines, để chúng tôi có thể bảo vệ lãnh hải của mình – chẳng hạn như tàu thuyền, thiết bị, và thông tin liên lạc. Hai bên đã từng tổ chức các cuộc tập trận chung trước đây. Có lẽ bởi vì căng thẳng trong khu vực đang dần tăng lên, khi phản ứng, chúng ta cũng phải thận trọng hơn trong việc đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ lãnh thổ chủ quyền của mình một cách tương ứng.

Nikkei: Thưa ngài Tổng thống, gần đây ông đã cấp cho Mỹ quyền tiếp cận thêm bốn địa điểm thuộc Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Ông có thể giải thích lý do đằng sau quyết định này hay không?

Marcos: Đây là một hiệp ước mà chúng tôi đã ký với người Mỹ. Theo Hiến pháp của Philippines, chúng tôi không còn được phép cung cấp căn cứ cho lực lượng nước ngoài. Nhưng giờ đây, chúng tôi cũng phải ứng phó với tình hình địa chính trị đang thay đổi xung quanh mình. Và đây là một trong những cách mà chúng tôi có thể làm được. Rõ ràng, đó không phải là một phản ứng quân sự dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì chẳng một ai tin rằng giải pháp cho những vấn đề này – hay những thách thức mà chúng ta đang đối mặt – sẽ là giải pháp quân sự. Giải pháp đó phải là về chính trị, hoặc ngoại giao.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đơn giản là vì lợi ích của mình khi duy trì các tuyến đường vận chuyển đi qua Biển Đông, vì chúng rất quan trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với toàn thế giới. Và vì vậy, một lối đi an toàn là điều mà chúng tôi hy vọng sẽ đảm bảo. Về phía Philippines, chúng tôi chỉ muốn trả lại sinh kế cho người dân nước chúng tôi, và cho họ quyền được đánh bắt cá ở những khu vực mà họ đã đánh bắt theo truyền thống.

Đây là những bước đi nhỏ của chúng tôi. Chúng không phải những bước tiến lớn. Chúng tôi không muốn khiêu khích, nhưng… chúng tôi cảm thấy điều đó sẽ giúp đảm bảo rằng có một con đường an toàn ở Biển Đông. Hơn nữa, chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lãnh hải của mình.

Nikkei: Nhưng ông không lo ngại rằng phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc có thể hủy hoại khoản đầu tư tiềm năng của họ vào Philippines hay sao? Trung Quốc nên nhìn nhận những diễn biến quốc phòng gần đây liên quan đến Philippines như thế nào?

Marcos: Không có hành động nào trong số này nhằm chống lại Trung Quốc, chí ít là các hành động từ Philippines. Những liên minh này – ví dụ, liên minh giữa Philippines và Mỹ – đã có từ hơn một trăm năm trước. Họ là đồng minh truyền thống của chúng tôi. Trong Chiến tranh Lạnh, chúng tôi đã liên kết với Mỹ, đối trọng với Liên Xô. Vì vậy, có một nền tảng lịch sử cho sự phát triển của quan hệ Mỹ-Philippines.

Các cuộc tập trận chung mà chúng tôi đang thực hiện với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia thực ra là một phản ứng của tất cả các bên đối với những gì chúng ta coi là căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tôi nghĩ lợi ích chính ở đây là duy trì lối đi an toàn qua Biển Đông. Nhiều nền kinh tế đang phụ thuộc vào nó. Nền kinh tế của Nhật Bản, và cả nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, đó là điều rất, rất quan trọng đối với tất cả chúng ta trong khu vực. Tầm quan trọng mà chúng ta gán cho việc bảo vệ lối đi an toàn đã dẫn đến phản ứng từ các quốc gia trong khu vực, chứ không chỉ riêng Philippines.

Nikkei: Nếu chiến tranh ở Eo biển Đài Loan nổ ra – tất nhiên chúng tôi hy vọng là không – liệu ông có cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines trong khuôn khổ EDCA không?

Marcos: EDCA không đề cập đến các tình huống xảy ra giao tranh. Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ phải xem xét tình hình lúc đó như thế nào.

Khi nhìn vào tình hình trong khu vực, đặc biệt là căng thẳng ở Eo biển Đài Loan, chúng ta có thể thấy rằng, nếu chỉ xét về vị trí địa lý, giả sử xung đột thực sự xảy ra ở khu vực… thì thật khó hình dung một kịch bản mà người Philippines sẽ không can dự bằng cách nào đó. Không phải quân đội Philippines, nhưng chúng tôi sẽ bị kéo vào cuộc xung đột bởi… bất cứ bên nào. Tôi luôn nhắc nhở mọi người rằng Cao Hùng, Đài Loan chỉ cách tỉnh của tôi 40 phút bay. Nghĩa là chúng tôi đang ở tiền tuyến.

Chúng tôi phải rất cẩn thận để không bị khiêu khích. Chúng tôi phải luôn ghi nhớ rằng chính sách đối ngoại của Philippines là một chính sách tương đối đơn giản. Nó là một cam kết đối với hòa bình, và chúng tôi được hướng dẫn bởi lợi ích quốc gia.

Vì vậy, chúng tôi phải xem xét điều gì là tốt cho Philippines. Và ý tưởng này cũng bắt nguồn từ ý tưởng về tính trung tâm của châu Á. Theo đó đưa đến một quyết tâm chung của các nước trong khu vực, rằng chúng ta phải đảm bảo tương lai của khu vực sẽ được định đoạt bởi các nước trong khu vực, chứ không phải bởi một thế lực bên ngoài nào khác. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có thể bám sát vào điều đó, nó sẽ cho chúng ta biết những việc cần làm bây giờ.

Chắc chắn, chúng tôi cầu nguyện rằng xung đột sẽ không xảy ra. Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc, chúng tôi ngay lập tức tự hỏi “phản ứng của chúng ta là gì,” vì chúng tôi ở rất gần. Mối quan tâm trước mắt là chúng tôi có 150.000 công dân ở Đài Loan: làm thế nào để đưa họ về nước, và về nước an toàn. Về mặt này, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng bất kỳ thứ gì mình có để hoàn thành sứ mệnh. Còn về phản ứng quân sự, điều đó sẽ thực sự phụ thuộc vào việc tình hình đã đến mức nào.

Tôi chân thành tin rằng không ai muốn tham chiến. Không một ai. Không một bên nào. Chúng ta đã liên tục khuyên giải và tư vấn cho tất cả các bên liên quan rằng hãy kiềm chế. Chúng ta phải tìm cách giải quyết những khác biệt, những vấn đề, những yêu sách mâu thuẫn này, bằng con đường ngoại giao, thông qua một tiến trình chính trị hơn là quân sự.

Nikkei: Chuyển sang các vấn đề kinh tế. Quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Philippines đang rất mạnh mẽ, từ hỗ trợ phát triển chính thức đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vậy làm thế nào Philippines và Nhật Bản có thể phát triển nó thêm nữa?

Marcos: Nội dung chuyến thăm lần này của tôi là gì? Trước hết là xem xét một số chương trình đã bị tạm hoãn và gần như bị hủy bỏ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. Chúng ta phải xem xét lại chúng để cùng với các đối tác Nhật Bản quyết định xem liệu chúng có còn khả thi hay không, hay chúng ta phải thay đổi chúng vì có quá nhiều thứ đã thay đổi.

Nhưng một nội dung khác trong chuyến thăm này là về đầu tư. Và khi nói về đầu tư, chúng tôi muốn nói về các dự án đầu tư cần nhiều vốn mà Philippines cần để tăng sản lượng ngành chế tạo của chúng tôi. Ngay bây giờ, nền kinh tế vẫn đang nghiêng rất nhiều về phía dịch vụ.

Tóm lại, đây là những điều mà chúng ta sẽ quyết định trong tương lai. Các cuộc gặp với các quan chức chính phủ… và cả các cuộc thảo luận với những người đứng đầu các tập đoàn lớn của Nhật, đã thực sự giúp tôi mở rộng tầm mắt, vì rất thú vị khi được chứng kiến cách người Nhật – chính phủ và khu vực tư nhân – nhìn nhận tương lai, rồi mọi việc sẽ đi đến đâu, và có thể áp dụng được điều gì cho Philippines.

Chúng tôi nhận thấy mình cũng rơi vào những tình huống tương tự khi nói đến sự dễ bị tổn thương của chúng tôi trước tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay, tôi đã có một cuộc họp ngắn về các công cụ có sẵn dưới dạng trái phiếu xanh cho nhiều dự án khác nhau. Ngoài ra còn có cả trái phiếu xanh cho nghề đánh bắt cá. Những công cụ này không hề tồn tại trước đây. Chúng ta đang thực sự định hình lại nền kinh tế, và biến đổi khí hậu đã trở thành một phần quan trọng trong đó. Và nhu cầu của thị trường đang thay đổi, cả thị trường công nghiệp lẫn thị trường tiêu dùng.

Đây là những điều chỉnh mà chúng ta phải thực hiện, và chúng ta phải tiến hành cùng nhau. Philippines đã hợp tác với Nhật Bản từ năm 1956.

Theo tôi hiện tại là thời điểm thích hợp để chúng ta suy nghĩ lại về hướng đi của mình. Lấy ví dụ như lĩnh vực số hóa. Đây là một trong những lĩnh vực mà hai bên đã nhấn mạnh trong chuyến đi này. Chúng ta đã ký một số biên bản ghi nhớ về trợ giúp từ phía Nhật trong lĩnh vực an ninh mạng, phần cứng, phần mềm, tất cả những thứ cần thiết để tăng khả năng kết nối, sửa chữa và nâng cấp số hóa các hệ thống của chúng tôi. Để tận dụng AI và những công nghệ khác.

Chúng ta đang bước vào một thế giới mới và chúng ta phải hiểu nó. Và chúng ta phải hiểu rõ vị trí của mình trong đó.

https://nghiencuuquocte.org/2023/02/17


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét