Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Tại sao Mỹ tha thiết muốn đàm phán với Trung Quốc sau vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu?

Tác giả Gordon G. Chang 

Khánh Ngọc biên dịch

19/02/2023

Tại sao Mỹ tha thiết muốn đàm phán với Trung Quốc sau vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu?

Một phản lực cơ bay cạnh khinh khí cầu do thám Trung Quốc khi vật thể này lơ lửng ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, South Carolina, hôm 04/02/2023. (Ảnh: Randall Hill/Reuters) 

“Chúng tôi tin tưởng vào tầm quan trọng của việc duy trì mở các tuyến liên lạc giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] để giữ gìn mối bang giao này một cách có trách nhiệm,” Chuẩn tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, khẳng định trong một tuyên bố hôm 07/02. “Thật không may, CHND Trung Hoa đã từ chối yêu cầu của chúng tôi. Cam kết của chúng tôi về việc mở các tuyến liên lạc sẽ không đổi.” 


Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cố gắng sắp xếp một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Ngụy Phụng Hòa (Wei Fenghe), sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị bắn hạ hôm 04/02, nhưng vị quan chức Trung Quốc này đã từ chối nhận cuộc gọi. 

Giờ đây, hẳn là ông Austin đã quen với việc bị ông Ngụy từ chối. Hồi tháng 11/2022 tại Cambodia, trong một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng, ông Austin đã đề nghị mở lại các tuyến liên lạc mà Bắc Kinh đã chấm dứt sau chuyến công du Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa hồi đáp. 

“Vì những việc làm sai trái vô trách nhiệm của Hoa Kỳ đã không tạo được một bầu không khí dành cho việc liên lạc giữa quân đội hai nước, nên Trung Quốc không chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ về một cuộc điện đàm của các chỉ huy quốc phòng,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) nói trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo bán chính thức của Trung Quốc. 

Tốt thôi! Hoa Kỳ nên ngừng cố gắng đàm phán với Trung Quốc. 

Có nhiều điều bất ổn trong nỗ lực liên lạc của ông Austin với ông Ngụy. Vấn đề đầu tiên là, cấp bậc của ông Ngụy kém xa ông Austin. Với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, ông ấy là một quan chức chính quyền trung ương có rất ít hoặc không có quyền gì đối với quân đội Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) không nằm dưới quyền của chính quyền Trung Quốc. Họ nằm dưới trướng của Đảng Cộng sản. 

Vị quan chức Đảng Cộng sản có cấp bậc tương đương với ông Austin là ông Tập Cận Bình, với vai trò là Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng. Do đó khi muốn đàm phán thì Bộ trưởng quốc phòng của chúng ta nên yêu cầu được đối thoại với người nắm trọng trách này. 

Người Mỹ vốn ưa đối thoại. Đề cập đến vụ khinh khí cầu do thám vừa qua, hôm 09/02, Ông  Leon Panetta, một bộ trưởng quốc phòng dưới thời TT Obama, nói với bà Andrea Mitchell trên chương trình MSNBC của bà Mitchell rằng, “Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tìm ra một cách để có một cuộc đối thoại về những vấn đề này.” 

Rõ ràng là từ bình luận của  Panetta, người Mỹ rất quan tâm đến “đối thoại.” Họ tin rằng, như một tín điều, rằng phải có sự giao thiệp để duy trì các mối quan hệ. Kỳ thực, việc giao thiệp với Trung Quốc trong suốt nhiều thập niên qua chỉ làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn. 

Sao lại thế? Những nỗ lực đối thoại của Mỹ lại trao quyền cho những phần tử xấu xa nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc bằng cách cho những người khác thấy rằng hành vi xấu xa lại khởi tác dụng. Bắc Kinh hiểu rõ vòng tuần hoàn này: Trung Quốc thực hiện hành vi hiếu chiến và sau đó Mỹ cố gắng xoa dịu chế độ thù địch này. Những nỗ lực tha thiết để được đối thoại khiến nước Mỹ trông giống như một kẻ cầu xin vậy. 

Rất tiếc là ông Austin đã làm nổi bật hình ảnh đó hơn nữa sau vụ bắn hạ khinh khí cầu. Như ông James Fanell thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva đã nói với viện Gatestone, nếu Bộ trưởng Austin định gọi cho ai đó ở Bắc Kinh, thì điều đó chắc hẳn là không nên xảy ra sau vụ bắn hạ khinh khí cầu vừa qua, vì chuyện này trông có vẻ như Mỹ đang cố gắng biện minh cho hành động đó của mình. Nếu như phải gọi điện thoại, thì lẽ ra ông Austin đã phải thực hiện cuộc điện đàm đó khi khí cầu này tiếp cận không phận Hoa Kỳ hồi cuối tháng Một rồi chứ. 

Người Mỹ vốn quan tâm đến việc bảo đảm rằng các bên đều hiểu nhau. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng tránh tính toán sai lầm,” bà Panetta nói với bà Mitchell. “Điều quan trọng là chí ít Hoa Kỳ và Trung Quốc phải thiết lập một quy trình để cố gắng hợp tác với nhau trong những loại vấn đề như thế này nhằm tránh những gì có khả năng là một trường hợp có thể đẩy chúng ta vào một cuộc chiến.” 

Một “quy trình” ư? Mỹ đã có nhiều quy trình tham vấn với quân đội Trung Quốc, chẳng hạn như những quy trình được thiết lập trong thỏa thuận năm 2008 về một đường dây nóng giữa quân đội với quân đội và Bản ghi nhớ hồi tháng 09/2015 về cùng chủ đề này. Quân Giải phóng Nhân dân tiếp tục phớt lờ các cơ chế giao thiệp. 

Ông Fanell, cũng là một đại tá Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu, từng là giám đốc Hoạt động Thông tin và Tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng ta không thể tin tưởng rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào mà họ ký kết.” 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn bàn chuyện với người ngoại quốc cho đến khi nào họ đưa ra được quyết định của mình sau những thương lượng và cân nhắc nội bộ. Theo cách nói của hãng thông tấn AP, họ “nghi ngờ” việc người Mỹ “sẽ khéo léo thuyết phục để né tránh một hậu họa đối với một hành động khiêu khích của Mỹ.” Không có thỏa thuận nào có thể khiến các quan chức Trung Quốc tham gia đối thoại khi họ thấy đối thoại không mang lại lợi ích đến cho họ. Tóm lại, Trung Quốc sẽ chỉ đối thoại khi nào họ muốn. 

Hoa Thịnh Đốn nên làm gì bây giờ? 

Mỹ nên đảo ngược tính năng động này và cắt đứt giao thiệp với Trung Quốc. Việc cắt đứt đối thoại có thể uy hiếp được các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ nghĩ gì khi những người Mỹ thông thường rất háo hức thảo luận lại không gọi điện thoại và thậm chí từ chối trả lời điện thoại của họ? 

Hơn nữa, Hoa Kỳ có thể gia tăng áp lực bằng cách ra lệnh cho Bắc Kinh đóng cửa bốn lãnh sự quán còn lại của họ và dỡ bỏ đại sứ quán lớn quá mức của họ để chỉ còn đại sứ. Hiện nay, việc ra lệnh đóng cửa và trục xuất, cùng những hành động khác, sẽ nhấn mạnh rằng Mỹ quốc không còn sẵn sàng dung thứ cho hành vi nguy hiểm nữa. 

Nếu các biện pháp này không hiệu quả, Hoa Thịnh Đốn có thể chấm dứt các mối bang giao khác — thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật — mà Trung Quốc cần cho nền kinh tế đang lao đao của mình, là điều mà dù sao Hoa Kỳ cũng nên làm. 

Các biện pháp này có rủi ro không? 

Có, nhưng sau nhiều thập niên với chính sách sai lầm thì mọi lựa chọn đều rủi ro, và chính sách rủi ro nhất là tiếp tục với một biện pháp đã tạo ra tình huống nguy hiểm này ngay từ đầu. 

Các quan chức Trung Quốc nói rằng Mỹ quốc không còn răn đe họ nữa. Người Mỹ cần tin lời họ và thử làm điều gì đó khác biệt để thiết lập lại sự răn đe. 

Vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu trắng trợn này cho thấy chính quyền Trung Quốc hoàn toàn thiếu tôn trọng Hoa Kỳ. Chúng ta không biết tại sao người Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể thoát tội bằng một hành động như vậy, nhưng những nỗ lực đối thoại không thể giải quyết được vấn đề này. 

Trong bất kỳ trường hợp nào, người Mỹ có thể tự hỏi có ích lợi gì khi đối thoại với một chế độ Trung Quốc không sẵn sàng thỏa thuận với đất nước của họ một cách thiện chí. 

Người Trung Quốc là bậc thầy trong nghệ thuật đạt được điều họ muốn mà không qua đàm phán, người Mỹ cũng cần học lấy kỹ năng này.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Ông Gordon G. Chang là một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, một thành viên Ban Cố vấn của viện, và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”).

https://www.epochtimesviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét