Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 03 tháng 02 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

VinFast hoãn giao xe VF 8 tại Mỹ đến cuối tháng 2 

03/02/2023 

Reuters 

Xe VinFast xuất cảng ở Hải Phòng, ngày 25/11/2022.

Xe VinFast xuất cảng ở Hải Phòng, ngày 25/11/2022. 

Nhà sản xuất ô tô điện của Việt Nam VinFast cho biết hôm 2/3 rằng họ sẽ hoãn việc giao xe cho những khách hàng đầu tiên tại Mỹ đến nửa cuối tháng 2 vì phải hoàn tất việc cập nhật phần mềm mới nhất cho những chiếc xe này, theo Reuters.
Công ty VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup JSC, đang chuẩn bị mở rộng hoạt động tại Mỹ, nơi họ hy vọng sẽ cạnh tranh được với các nhà sản xuất ôtô hiện có.
VinFast bắt đầu xuất cảng 999 chiếc xe điện (EV) đầu tiên vào tháng 11/2022, nhưng đến nay vẫn chưa giao xe cho các khách hàng ở Mỹ. Ban đầu công ty này lên kế hoạch giao hàng cho khách vào tháng 12/2022.
Reuters dẫn thông cáo của VinFast cho biết hôm 2/3: “Xe đã được cập nhật phần mềm mới nhất. Chúng tôi dự kiến giao những mẫu xe VF 8 đầu tiên cho khách hàng vào nửa cuối tháng 2”.
“Lô xe thứ hai sẽ được chuyển đến Mỹ vào quý II năm 2023”, tuyên bố cho biết nhưng không nêu rõ lượng xe của lô này.


VinFast cho biết họ đã nhận được 55.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu tính đến tháng 12 năm ngoái, trong đó 12.000 đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ. Công ty này đã giao hơn 4.000 chiếc xe hơi điện cho khách hàng trong nước vào tháng 12/2022, hơn một nửa trong số đó là mẫu xe thể thao đa dụng VF 8.
Tuần trước, VinFast công bố các chương trình khuyến mãi giá mới cho thị trường Mỹ để bảo đảm khả năng cạnh tranh trên thị trường của các mẫu xe này, sau các chương trình tương tự của Tesla.
Nhà sản xuất ôtô Việt Nam này đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe EV ở bang North Carolina của Hoa Kỳ và đang chờ chính quyền sở tại phê duyệt lần cuối theo đúng quy định. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 thuộc cấp bị truy tố

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/02/cuu-chu-tich-binh-thuan.jpg

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 thuộc cấp bị cáo buộc cho Công ty Tân Việt Phát thuê đất năm 2017 nhưng lấy giá năm 2013, gây thất thoát ngân sách 45,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: vietnamfinance.vn)

Ngày 1/2, truyền thông Nhà nước đưa tin Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Ngọc Hai – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 đồng phạm ra trước TAND TP. Hà Nội để xét xử.

Theo cáo trạng, vụ án này có 11 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

11 bị can bao gồm:

– Ông Nguyễn Ngọc Hai – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận;
– Ông Lương Văn Hải – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận.
– Ông Hồ Lâm – nguyên Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận;
– Ông Lê Nguyễn Thanh Danh – nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận;
– Ông Ngô Hiếu Toàn – nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận;
– Ông Đặng Hoài Nhân – nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận;
– Bà Nguyễn Thị Thu Phong – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận;
– Ông Nguyễn Thanh Cho – Giám đốc Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
– Lê Nam Hưng – Phó Giám đốc Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
– Phạm Duy Cường – cán bộ Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
– Lê Anh Huy – cán bộ Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận

Riêng ông Nguyễn Văn Phong (thời điểm bị bắt giam là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điểm d khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất 18, 19, 20 thuộc quỹ đất hai bên đường 706B với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.

Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận liên tục tăng. Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.

Đến ngày 7/3/2017, UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty Tân Việt Phát thuê đất nhưng lấy giá đất năm 2013. Việc làm này của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại 45,4 tỷ đồng.

Trong vụ án này, 14 cán bộ công chức thuộc Sở Tài chính, Sở TN&MT, Cục Thuế và Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận bị xác định có liên quan.

Trong đó, 7 người đã có dấu hiệu tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, nguyên nhân sai phạm của 14 người trên là do thực hiện chỉ đạo của cấp trên.

Xét tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân vi phạm và trong quá trình thực hiện không được hưởng lợi ích vật chất, cơ quan chức năng cho rằng cần phân hóa những người này để xử lý về mặt Đảng và chính quyền.

Trong quá trình điều tra, gia đình bị can Nguyễn Ngọc Hai đã nộp khắc phục 300 triệu đồng; gia đình bị can Lương Văn Hải nộp khắc phục 500 triệu đồng; gia đình bị can Lê Nguyễn Thanh Danh nộp khắc phục 100 triệu đồng.

Cáo trạng cũng kiến nghị khi đưa ra xét xử, HĐXX cần yêu cầu các cá nhân vi phạm pháp luật phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại hơn 44,4 tỷ đồng (đã trừ 900 triệu đồng gia đình ba bị can nộp khắc phục); yêu cầu Công ty Tân Việt Phát có trách nhiệm phối hợp cùng các bị can khắc phục hậu quả, thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân mua nhà đất tại dự án khu thương mại dịch vụ Tân Việt Phát 2.

Bảo Khánh

Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển ‘rút ruột’ 50 tỷ đồng nhờ ‘lời thề thứ hai’

Lê Thiệt
2 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/03-tu-lenh-hai-quan-1.jpg

Cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: VNExpress 

Sau 9 tháng bị bắt, ông Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi), cựu trung tướng, cựu Tư lệnh cảnh sát biển chính thức bị truy tố về tội”tham ô tài sản”, khi chỉ đạo “rút ruột” 50 tỷ đồng từ ngân sách để ăn chia với 4 ông tướng khác dưới quyền. Cụ thể là Hoàng Văn Đồng (63 tuổi, cựu trung tướng, cựu Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (61 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (59 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (63 tuổi, cựu thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh).

Danh sách tội phạm này còn có hai tên cấp tá gồm Nguyễn Văn Hưng (57 tuổi, cựu đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (54 tuổi, cựu thượng tá, cựu Phó Phòng Tài chính).

Theo cáo trạng, vào đầu Tháng Hai năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được phân bổ ngân sách 450 tỷ đồng. Ông Sơn (lúc đó là Tư lệnh) yêu cầu đại tá Hưng (lúc đó là cục trường Cục Kỹ thuật) làm cách nào không cần biết, phải rút ra 50 tỷ chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.

Ông Hưng nói 50 tỷ chức đâu phải 50 triệu đâu mà muốn chuyển thì chuyển, việc này không thể mình ông Sơn quyết là được, mà phải có sự thống nhất các thủ trưởng trong Bộ Tư lệnh mới được.

Thế là ông Sơn hẹn gặp 4 ông tướng dưới quyền trao đổi kế hoạch. Ông Sơn nói 50 tỷ đồng đó không phải cho ông mà cho tất cả tướng lĩnh ở Bộ Tư lệnh, mỗi ông một ít nên tính ra cũng không nhiều, xem như tiền bồi dưỡng.

Bốn ông tướng nghe có lý, vả lại họ đã được dạy “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên” trong lời thề thứ hai, “mọi việc đã có cấp trên lo” rồi nên vui vẻ đồng ý.

Được các ông tướng bật đèn xanh, ông Hưng trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật, khi thực hiện chi tiêu nguồn ngân sách, phải rút lại tổng số tiền 50 tỷ đồng để Hưng chuyển lại cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh sử dụng vào việc chung.

Các trưởng phòng đều báo cáo với ông Hưng là khó thực hiện. Ông Hưng tiếp tục yêu cầu 6 trưởng phòng này “phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/03-tu-lenh-hai-quan-2.jpg

Cựu trung tướng Hoàng Văn Đồng bị cáo buộc hưởng lợi 10 tỷ đồng từ vụ án. Ảnh: Cánh sát biển 

Ông Hưng sau giao “định mức” cụ thể cho 6 người. Theo đó, mỗi trưởng phòng phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng để đủ mức 50 tỷ đồng ông Sơn yêu cầu.

Thực hiện kế hoạch của ông Hưng, 6 trưởng phòng phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỷ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Họ cũng chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá nhằm hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi. Để được tham gia dự thầu và trúng thầu, các doanh nghiệp đồng ý nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận.

Từ đầu tháng Mười Hai 2019 đến đầu tháng Một 2020, theo đúng thỏa thuận, các nhà thầu đã chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 trưởng phòng của Cục Kỹ thuật. Sáu người này sau đó nộp lại toàn bộ tiền cho ông Hưng để chuyển cho tướng Sơn.

Đến ngày 19 Tháng Sáu 2020, ông tướng Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo hai file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm.

Sau đó sự việc vỡ lở, tháng Chín 2021, năm người hưởng lợi tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỷ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Những người theo dõi vụ án này vẫn chưa biết tại sao sáu tháng sau khi nhận 10 tỷ, tướng Hậu mới khai báo với cơ quan chức năng vụ tham nhũng mà chính ông đồng ý tham gia. Có phải ông khai báo do ân hận hay lúc đó ông thấy có dấu hiệu bị lộ nên mới khai báo để “hưởng sự khoan hổng”!

64 thanh niên thanh nữ chơi ma túy tại vũ trường New Phương Đông, Đà Nẵng

An Vui
2 tháng 2, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/2.2.23_Anh-7.jpg

Công an lục soát vũ trường New Phương Đông, Đà Nẵng tối 31 Tháng Giêng 2023 – Ảnh: Công an cung cấp 

Nửa đêm 31 Tháng Giêng 2023, công an quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đã bắt 64 thanh niên thanh nữ có nồng độ máu dương tính với ma túy trong vũ trường New Phương Đông, đường Đống Đa. 

Tại vũ trường, công an phát giác 30,5 viên ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc, 2 gói ketamin. Một số người bao gồm Võ Ngọc Phi, Phan Văn Kiếm, Tô Ngọc Linh (sinh năm 1990, ngụ tỉnh Quảng Nam) và Hồ Nhất Hải (sinh năm 2000, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) bị tạm giữ hình sự về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy. 62 người khác bị lập hồ sơ về hành vi sử dụng chất ma túy.

Võ Ngọc Phi khai đã mang hàng chục viên thuốc lắc vào vũ trường New Phương Đông để “bay lắc” mừng sinh nhật của bạn gái, nhưng bạn gái không đến. Phi có tiền án về tội mua bán ma tuý, mãn hạn tù giữa năm 2022.

New Phương Đông là vũ trường lớn nhất ở Đà Nẵng và miền Trung, nhưng việc sử dụng ma túy ở vũ trường của giới trẻ Đà Nẵng dường như đã… xưa so với Sài Gòn và Hà Nội.

Ngày 24 Tháng Chín 2022, công an thành phố (Sài Gòn) đã bắt 33 người tham gia “tiệc ma túy” ở 4 căn nhà trong chung cư cao cấp Tresor ở đường Bến Vân Đồn, quận 4. Trong số 33 người bị bắt có 31 người dương tính với chất ma túy. 

Chủ tiệc là Nguyễn Hoàng Ân, 26 tuổi, đã đứng ra thuê 4 căn nhà liền kề trong chung cư sau đó trang bị cách âm, dàn nhạc, đèn màu…. làm chỗ chơi ma túy. Ngoài việc cho thuê địa điểm, nhóm này còn bán ma túy cho khách, lắp đặt camera giám sát và cắt cử người canh gác nghiêm ngặt.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/02/2.2.23_Anh-8.jpg

Phòng của Quý trong bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 được cách âm, và có nhiều “đồ chơi” để phê ma túy – Ảnh: Công an cung cấp 

Công an đã bắt Ân cùng các đàn em là Trịnh Văn Tùng, 28 tuổi; Hà Văn Thái, 25 tuổi; Phạm Ngọc Phương, 31 tuổi về hành vi mua bán, tổ chức sử dụng ma túy; còn 29 người khác bị tạm giữ về hành vi tàng trữ ma túy.

Táo tợn nhất là vụ bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý 39 tuổi, lập phòng “bay lắc” ngay trong bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 ở Hà Nội, với sự tiếp tay của 4 cán bộ y tế, trong đó có một bác sĩ là cựu trưởng khoa, Khoa phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Vụ án được xử hồi cuối Tháng Tám 2022 tại Hà Nội, trong đó Quý và đàn em là Nguyễn Văn Ngọc bị tuyên án tử hình về tội mua bán ma túy; còn nhóm 4 cán bộ y tế, 1 người bị xử tù 3 năm, 2 người bị xử tù 5 năm và 1 người bị xử tù 7 năm. 

Liên quan đến vụ án, ông Vương Văn Tịnh, giám đốc bệnh viện bị kỷ luật cách chức, còn ba phó giám đốc gồm ông Nguyễn Tuấn Đại, Lê Ngọc Tú, Nguyễn Mạnh Phát “bị khiển trách và phê bình”.

Theo kết luận điều tra, Quý có 4 tiền án, 2 tiền sự, bị bắt buộc chữa bệnh tâm thần tại Phòng điều trị tầng 2, Khoa phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Cuối năm 2020, Quý sửa chữa phòng bệnh thành phòng kín, có cách âm, trang bị loa, amply, đèn chớp để làm chốn “bay lắc”, bán ma túy cho nhiều người nghiện ngay trong bệnh viện, mua chuộc thêm ba nhân viên bệnh viện cùng chơi ma túy, và cung cấp ma túy cho họ từ Tháng Giêng – Tháng Ba 2021. Để được bảo kê, Quý hối lộ 10 triệu đồng hằng tháng ($426,44) cho bà Đỗ Thị Lưu, bác sĩ trưởng khoa. 

Tuy nhiên, những vụ bắt bớ người phê ma túy như trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2022, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: Trong số hơn 200,000 người nghiện ma túy trong hồ sơ, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 50%. Có khoảng 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25, có nghĩa là độ tuổi sử dụng ma túy ở Việt Nam đang ngày càng trẻ. Cùng với sự xuất hiện phổ biến, đa dạng về chủng loại  ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13 – 14 tuổi ở Việt Nam đã sử dụng ma túy.

Doanh nghiệp không phải tổ chức từ thiện

Thảo Nguyên/VNTB

03/02/2023

VNTB – Doanh nghiệp không phải tổ chức từ thiện

Việc an sinh xã hội là của Chính Phủ chứ không phải nhiệm vụ hay bổn phận của doanh nghiệp.

Bạn đọc viết

Thông tư số 75/2022 của Bộ Tài chính, hiệu lực từ 5-2-2023, quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thay vì làm trực tiếp.

Nếu đăng ký thường trú nộp hồ sơ trực tiếp, người dân phải nộp 20.000 đồng/lần, còn qua cổng dịch vụ công trực tuyến thì 10.000 đồng/lần. Tương tự, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình) giảm từ 15.000 xuống 7.000 đồng/lần; tách hộ giảm từ 10.000 xuống 5.000 đồng/lần.

Trước đó, mức lệ phí đăng ký cư trú do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, nguyên tắc là mức đăng ký cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.

Về vấn đề này, cá nhân người viết cho rằng khoản lệ phí trên cần được miễn, bởi người dân đã đóng thuế và cơ quan công quyền khi làm thủ tục hành chính theo chức trách thì sao lại thu phí của người dân?

Một vấn đề khác cũng liên quan chuyện tiền, đó là việc sẽ xử phạt rạp chiếu phim không giảm giá vé cho người già, trẻ em.

Theo Nghị định 128/2022 có hiệu lực từ 15-2 quy định một số điểm mới trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao, quyền tác giả. Đối với việc phổ biến phim, mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với hành vi không miễn giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Việc xử phạt rạp chiếu phim không giảm giá vé cho người già, trẻ em, người khuyết tật , người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng,… là không phù hợp. Lý do rất đơn giản, đó là vì các doanh nghiệp và người dân đã có nghĩa vụ đóng thuế, thì trong đó có phần an sinh xã hội mang tính mặc nhiên.

Nay lại được ra yêu cầu hàng chính là doanh nghiệp phải giảm giá thì đang tạo ra ít nhất hai cái khó: trước hết, trong sổ sách báo cáo tài chính của rạp chiếu phim, phía phòng vé đưa ra chứng cứ thế nào về số lượng vé giám giá đã bán ra cho nhóm khách là người già, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng?

Ở đây cũng rất không nên đánh đồng các thành phần như thế trong yêu cầu “giảm giá vé”, vì rất có thể sẽ đưa đến ngộ nhận rằng do “có công với cách mạng” nên giờ họ mới đâm ra khó khăn, muốn đi coi xi-nê cũng phải chờ vé giảm giá.

Vấn đề thứ hai là xin lưu ý, rạp chiếu phim là đơn vị đang làm kinh doanh. Việc giảm giá vé như cách của an sinh xã hội, đó là trách nhiệm của Chính phủ, chứ không phải bổn phận của doanh nghiệp.

Và nếu đặt trong cách hiểu ý nghĩa an sinh xã hội, thì ở đây không có gói giải trí, mà là để giúp một người cụ thể nào đó có đủ điều kiện cơ bản tồn tại trong quyền hưởng thụ văn hóa nghệ thuật.

Còn các nơi chiếu phim cũng đều đã có giá vé cho người lớn và trẻ nhỏ theo độ tuổi và chiều cao.

Nếu giờ đây thêm chính sách yêu cầu giảm giá vé xem phim cho các đối tượng được nêu, thì để công bằng và thật ra thì cũng thiết thực hơn nhiều, đó là chính sách cũng nên đưa thêm “nhiệm vụ” các bệnh viện tư phải giảm chi phí khám chữa bệnh cho loạt đối tượng kể trên; và riêng phần Chính phủ, chế độ bảo hiểm y tế sẽ miễn luôn vô điều kiện toàn bộ cho là người già, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn…

Du khách Mỹ đứng thứ nhì về số lượng ghé thăm Việt Nam trong tháng 1 

02/02/2023 

Khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.

Khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. 

Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 2/2 dẫn thông tin của Tổng cục Thống kê (GSO), cho biết rằng Hoa Kỳ là một trong ba quốc gia có số du khách tới Việt Nam nhiều nhất trong tháng 1/2023.

Trang Facebook chính thức của cơ quan ngoại giao này còn đăng kèm theo đường dẫn tới một bài viết trên trang CafeF trong đó nói rằng Mỹ là quốc gia có lượt khách du lịch cao thứ 2 đến Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2023 với gần 78.000 lượt khách, tăng 88 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo trang tin điện tử này, Hàn Quốc là nơi có lượng khách du lịch cao nhất tới Việt Nam với hơn 258.000 lượt người, cao gấp gần 13 lần so với tháng 12/2022 và gấp 72 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tin cho hay, đứng thứ ba là Thái Lan với gần 55.000 người, tăng 112,7% so với tháng trước.

Theo CafeF, tiếp theo là các nước Úc và Malaysia với số lượng khách du lịch đến Việt Nam lần lượt đạt 44.225 và 37.267 lượt người. Ngoài ra, Nhật Bản, Campuchia, Singapore, Đài Loan và Vương quốc Anh đều là các quốc gia, vùng lãnh thổ có lượt khách du lịch đến Việt Nam khá đông trong tháng đầu tiên của năm 2023.

Theo GSO, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 đạt 871,2 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm nay vẫn giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

VKS trả hồ sơ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, đề nghị giám định phát ngôn của luật sư Đặng Anh Quân

RFA
02/02/2023

VKS trả hồ sơ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, đề nghị giám định phát ngôn của luật sư Đặng Anh Quân

Một buổi livestream của bà Hằng 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngPLO 

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra giám định phát ngôn của tiến sĩ luật Đặng Anh Quân trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam.

Đề nghị của VKSND TPHCM được truyền thông Nhà nước nêu rõ trong ngày 2/2, đó là đề nghị cơ quan điều tra (CQĐT) giám định nội dung phát ngôn của tiến sĩ luật Đặng Anh Quân có một số nội dung được cho là đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

Trước đó, hôm 30/1, Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển sang cho VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng cùng ba đồng phạm gồm Nguyễn Thị Mai Nhi-trợ lý của bà Hằng; Lê Thị Thu Hà-nhân viên Công ty CP Đại Nam, và ông Huỳnh Công Tân- Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam.

Tội danh bị truy tố là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Kết luận điều tra cũng nêu, ngoài bà Hằng cùng ba đồng phạm nêu trên, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội của bị can Hằng còn có sự xuất hiện của Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim với tư cách là khách mời trong các buổi livestream.

Tuy nhiên, kết luận của cơ quan điều tra cho rằng chưa có đủ cơ sở để xử lý hình sự với luật sư Quân thông qua 38 tài liệu được dịch thành văn bản từ phát ngôn của ông này trong các buổi livestream cùng bà Hằng.

Mặc dù vậy, theo kết luận giám định của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, có những phát ngôn của ông Quân đã vi phạm điều cấm tại Điều 5, Nghị định 72/2013 (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng). Cụ thể là đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Hồi ngày 24/3/2022 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo nội dung vụ án được công an cung cấp cho báo chí, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi livestream của mình, bà Hằng đã có nhiều bình luận một chiều, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác. Trong đó bà Hằng có bình luận đến bí mật đời tư cá nhân của nhiều người gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nghệ sĩ, nhà báo...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét