Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Gs. Nguyễn Văn Tuấn - 1984 và 2021.

Các bạn thử tưởng tượng cái ngày mà những chữ như 'ba', 'má', 'dì', 'dượng', 'cô', 'cậu', 'chú', 'thím', anh 'chàng', 'cô nàng', v.v. không được dùng trong Toà Bạch Cung [1]. Ấy vậy mà cái ngày đó đã tới hôm ông Biden nhậm chức tổng thống. Ngày xưa George Orwell viết tác phẩm lừng danh “1984” [2], nay thì phe Dân Chủ sáng tác cuốn sách mới “2021”.

Quan sát ngày đầu tiên trong cái ghế tổng thống dễ dàng thấy ông Biden rất quan tâm đến 'chánh trị phải đạo' và đúng là người của phe cánh tả. Xu hướng này sẽ làm cho vài người vui nhưng cũng đem lại nỗi buồn cho nhiều người thuộc phe bảo thủ.

Một trong những thuật ngữ đáng bàn nhứt trong thời đại ngày nay là 'political correctness' (PC), có lẽ dịch là 'chánh trị phải đạo'. PC là trào lưu về ngôn ngữ, chánh sách công, hay các biện pháp nhằm tránh gây tổn thương hay bất lợi đến những thành viên thuộc một nhóm nào đó trong xã hội. Chẳng hạn như dùng chữ 'black' và 'white' để đề cập đến người da đen và da trắng có thể xem là không phải đạo. Một ví dụ khác là thay vì dùng chữ 'Chairman' thì ngày nay người ta dùng chữ 'Chairperson' hay đơn giản hơn là 'Chair' để tránh giới tính trong cách dùng chữ.

Hơn 5 năm trước, Trump 'thống trị' chánh trường. Đó là thời điểm mà hàng chục triệu người Mĩ cảm thấy họ bị Washington bỏ rơi, họ nghĩ rằng Washington đã đầu hàng trước PC xiển dương bởi những 'chánh uỷ' cánh tả.

Bởi vậy, ngay sau khi nhậm chức, Trump tuyên bố rằng: "Vấn đề lớn nhứt của đất nước này là 'chánh trị phải đạo'. Tôi đã bị nhiều người chất vấn đến nổi thành thật mà nói tôi không có thời giờ cho chánh trị phải đạo, và nói thiệt với các bạn, đất nước này cũng không cần thứ đó." Lời tuyên bố đó làm cho phe ủng hộ ông nức lòng, nhưng gây giận dữ ở các nhóm thiên tả. 

 

Nhưng khi thời đại Trump vừa kết thúc thì Mĩ lập tức quay lại cái thời chánh trị phải đạo. Bà Pelosi của phe DC và hạ viện mới phê chuẩn một ‘phác đồ ngôn ngữ’ cho Toà Bạch Cung. Theo phác đồ này, những chữ như 'himself' và 'herself' được thay thế bằng 'themself.' Còn những 'father', 'mother', 'son', 'daughter', 'brother', 'sister', 'uncle', 'aunt' và các đại danh từ như vậy cũng bị xoá bỏ và thay thế bằng 'parent', 'child', 'sibling', v.v. Đây không chỉ là một thay đổi về ngôn ngữ, mà còn là thay đổi truyền thống và đạo lí.

Nếu các bạn ở Việt Nam chưa rõ chánh sách trên thì có tóm tắt vầy cho dễ hiểu: những cách xưng hô như 'ba', 'má', 'trưởng nam', 'trưởng nữ', 'anh', 'em', 'chị', 'chú', 'bác', 'cô', 'dì', 'dượng', 'ông ngoại', 'bà nội', v.v. không được sử dụng trong Toà Bạch Cung dưới triều đại Biden. Tuy nhiên, có điều trớ trêu là bà ấy tự mô tả mình là 'a mother', 'a grand mother' [3] (người mẹ và bà nội/ngoại)! Tiêu chuẩn kép chăng?

Chánh phủ Biden có lẽ sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự PC rộng lớn chưa từng có ở Mĩ. Đó cũng là chương trình nghị sự của phe cánh tả vốn xem nước Mĩ là một nhà nước có tội và muốn nước Mĩ phải 'ăn năn' hối lỗi. Việc thay đổi ngôn ngữ trong nghị trường mới chỉ là bắt đầu.

Văn hào George Orwell từng viết rằng ngôn ngữ chánh trị của bọn toàn trị có 3 đặc điểm: hoa ngữ, vấn ngữ, và mơ hồ. Nhận định này có vẻ phù hợp với những gì đảng của Biden đang triển khai ở Mĩ. Với loại ngôn ngữ này (giống như Newspeak trong 1984) ai cũng là tù nhân dự khuyết.

George Orwell viết tiểu thuyết '1984' [2] thì nay Pelosi và đồng đảng viết phác đồ '2021'.

Trong cuốn tiểu thuyết '1984', Orwell mô tả các thành viên của [đảng] Outer Party cứ mỗi lần họp họ dành ra 2 phút để làm Nghi lễ Thù ghét chống lại Emmanuel Goldstein, người được xem là 'kẻ thù của nhân dân', nhưng cái nhãn đó chỉ được dựng lên làm biểu tượng nhằm đánh lạc hướng người dân từ một kẻ thù lớn hơn là 'Big Brother' (Anh Cả).

Điều này xem ra ứng nghiệm trong lần họp do bà Pelosi chủ trì tuần qua. Trong lần họp đó, bà ấy và đồng đảng dành ra 2 giờ để luận tội một người mà bà từng gọi là 'kẻ thù của nhà nước', và dĩ nhiên cái nhãn đó được tạo ra để nhằm đánh lạc hướng một kẻ thù thật và lớn hơn là Big Tech.

Xem ra thế giới sẽ sống với ‘phác đồ 2021’ của phe PC trong một thời gian. Nhiều giá trị truyền thống sẽ bị đảo lộn.

_______________________

[1] https://www.thestate.com/.../politi.../article248264460.html

[2] Tóm tắt tiểu thuyết 1984 cho các bạn nào chưa đọc tác phẩm trứ danh này. Các bạn đọc tóm tắt và thử liên tưởng đến phác đồ 2021:

Winston Smith là một cán bộ cấp thấp trong Bộ Sự Thật (Ministry of Truth) thuộc đảng Outer (đảng cầm quyền ở Luân Đôn), quốc gia Oceania. Winston chú ý thấy khi anh đi đến bất cứ nơi nào, ngay cả ở nhà riêng, đảng cũng theo dõi anh. Đi đường anh cũng thấy sự hiện diện của đảng và lãnh tụ vĩ đại qua băng rôn và khẩu hiệu. Đảng kiểm soát tất cả trong nước Oceania.

Đảng sáng chế ra một thứ ngôn ngữ mới gọi là 'Newspeak'. Trong ngôn ngữ Newspeak, không có những chữ mang tính phản kháng. Ngay cả suy nghĩ phản kháng cũng là bất hợp pháp, và suy nghĩ phản kháng trong tâm tưởng là một 'tội phạm tư tưởng' (thought crime). Tội phạm tư tưởng là loại tội phạm nặng nhứt trong nhà nước Oceania.

Winston càng ngày càng thấy bất bình trước sự trấn áp và kiểm soát của đảng. Đảng cấm không được suy nghĩ tự do, không có tình dục, và không có bất cứ diễn đạt mang tánh cá nhân. Anh ta bắt đầu không ưa đảng và viết nhựt kí. Nói cách khác, anh ta đang trở thành một tội phạm tư tưởng.

Công việc của Winston là thay đổi các sự thật lịch sử sao cho phù hợp với đường lối và chánh sách của đảng. Dù làm công việc đó, nhưng Winston không thấy thoải mái vì sự gian dối của đảng. Chẳng hạn như đảng nói nước Oceania luôn là đồng minh của Eastasia trong cuộc chiến chống Eurasia, nhưng sự thật thì không phải vậy. Hay như đảng cho rằng Emmanuel Goldstein (lãnh tụ của nhóm Brotherhood) là người nguy hiểm nhứt đang sống, là kẻ thù của nhân dân, nhưng Winston thấy không phải vậy.

Winston thương thầm nhớ trộm một cô gái đồng nghiệp tên là Julia. Nhưng Winston sợ Julia là 'gián điệp' được cài đặt để theo dõi tội phạm tư tưởng của anh. Một ngày kia, anh nhận được thư của Julia với dòng chữ 'I love you' (em yêu anh), và thế là họ bắt đầu quan hệ tình cảm một cách bí mật. Càng yêu Julia chừng nào, Winston càng ghét đảng chừng nấy.

Một hôm, Julia và Winston nhận được lời mời ghé thăm O'Brien, một lãnh tụ của đảng Outer. Tuy đảng Outer mang danh là của giai cấp lao động, nhưng O’Brien sống trong xa hoa. Winston vẫn là đảng viên của đảng Outer. O'Brien cho biết rằng ông rất ghét đảng Outer và đang tham gia nhóm Brotherhood nhằm lật đổ đảng. O'Brien mời Julia và Winston tham gia nhóm Brotherhood, và được tặng cuốn sách của Emmanuel Goldstein về tuyên ngôn của Brotherhood.

Sau đó, Winston bị bắt giam vì tội 'phản động' và phải chia tay Julia. Người báo cho đảng bắt chẳng ai khác hơn là O'Brien!

Winston bị giam trong nhà tù do Bộ Tình Thương (Ministry of Love) quản lí. Nơi đó anh vừa bị tra tấn thể xác vừa bị tẩy não tinh thần. Sau cùng thì O'Brien giam anh ở phòng 101, nơi dành cho những ai chống đảng hung hãn nhứt. Winston làm quen với chuột và ăn phân chuột trong thời gian ở phòng 101. Cuối cùng thì Winston cảm nhận ‘chân lí’ và chấp nhận yêu đảng và yêu Big Brother hơn. Anh chẳng còn tình yêu gì cho Julia.

[3] https://www.conservativejournalreview.com/pelosi-breaks...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét